Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Động Nguồn Giống Đậu Tương Cho Vụ Đông

Chủ Động Nguồn Giống Đậu Tương Cho Vụ Đông
Ngày đăng: 29/08/2013

Là huyện có truyền thống và thế mạnh trong sản xuất vụ đông, những năm qua Vũ Thư (Thái Bình) luôn chú trọng, từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm. Vụ đông năm 2013, huyện phấn đấu gieo trồng 7.250 ha, tập trung phát triển những cây chủ lực như đậu tương, khoai tây, ngô...

Trong đó, phấn đấu trồng 1.700 ha cây đậu tương. Để bảo đảm kế hoạch, Vũ Thư đã chủ động nguồn giống đậu tương cho vụ đông đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân.

Chúng tôi về xã Việt Hùng - một trong những địa chỉ sản xuất giống đậu tương vụ đông lớn của huyện, đúng thời điểm bà con nông dân nơi đây đang khẩn trương thu hoạch đậu tương vụ hè thu để làm giống cho vụ đông. Đối với loại cây này, hàng năm nông dân Việt Hùng gieo trồng 2 vụ (vụ hè thu và vụ đông) cho thu hoạch trên 300 tấn. Vụ hè thu năm 2010 với diện tích 80 ha, cho năng suất 23 tạ/ha, cả vụ bán được 46 tấn giống ĐT84; vụ hè thu năm 2011, nông dân bán được 28 tấn cho Công ty Giống cây trồng Thái Bình.

Từ năm 2006 đến nay, khi cây đậu tương trở thành cây chủ lực của vụ đông, HTX Vũ Thuận (Việt Thuận) hàng năm được huyện giao nhân giống đậu tương gốc phục vụ cho vụ đông. Các xã không có quỹ đất trồng cây màu hè thu gồm Duy Nhất, Vũ Hội, Vũ Vinh đã ký hợp đồng mua đậu tương giống vụ đông với HTX Vũ Thuận. Nhận thức trách nhiệm sản xuất ra giống đậu thuần, chuẩn, HTX đã chủ động khâu tập huấn kỹ thuật, thông qua các thôn lập danh sách những gia đình đăng ký nhân giống.

Năm 2010, huyện cấp cho HTX Vũ Thuận 1.024 kg, năm 2011 là 924 kg đậu tương gốc, HTX phát cho bà con xã viên định mức 2 kg/sào, khi thu hoạch thu mua lại 35 kg/sào, giá cao hơn thị trường 20%. Từ 2009 đến năm 2012, xã viên Vũ Thuận bán trên 50 tấn đậu tương, các thôn đăng ký đến đâu HTX thu mua đến đó, bảo đảm đáp ứng nhu cầu gieo trồng của địa phương và 3 xã trên.

Qua trao đổi, đồng chí Bùi Gia Khương, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Quỹ đất trồng cây vụ đông cơ bản đã được giải quyết, nhưng vấn đề quyết định đến diện tích trồng là khâu giống. Nếu không chủ động được nguồn giống, mọi cố gắng đã đạt được đều vô nghĩa.

Trong những năm qua, để chủ động khâu sản xuất giống, huyện đã hỗ trợ giống đậu tương gốc giao cho các xã có quỹ đất trồng vụ hè thu để cung ứng cho các xã không tự túc được giống. Theo kế hoạch, vụ đông năm nay huyện không đứng ra mua giống cung ứng cho các HTX, mà chỉ đạo các HTX DVNN không có diện tích đất trồng cây màu hè thu trực tiếp hợp đồng với HTX DVNN có điều kiện cung ứng giống, bảo đảm đủ giống và giống tốt.

Đậu tương là một trong những cây dễ trồng, hiệu quả kinh tế khá, chi phí đầu tư thấp, dễ mở rộng diện tích trong vụ đông. Khác với các cây trồng khác, sản phẩm đậu tương có thị trường tiêu thụ ổn định, nhu cầu về đậu tương cho chế biến thực phẩm và thức ăn cho chăn nuôi ngày càng lớn. Sau khi thu hoạch, lá và rễ đậu tương để lại trong đất một lượng phân bón góp phần cải tạo đất, tạo môi trường canh tác bền vững.

Chính vì vậy cây đậu tương được xác định là một trong ba cây trồng chủ lực trên chân đất sau lúa mùa ở Vũ Thư (đậu tương, ngô, khoai tây). Vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo trồng 750 ha đậu tương, trong đó trên 100 ha đậu tương để nhân giống cho vụ đông.

Đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết thêm, trong điều kiện giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, việc duy trì, cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ đông là yếu tố rất cần thiết giúp người nông dân vượt qua khó khăn tiếp tục sản xuất vụ thứ 3 trong năm, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Vũ Thư và các xã, thị trấn đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất kịp thời. Sự hỗ trợ không tràn lan mà được tập trung vào các khâu then chốt như giống, tưới tiêu, công chỉ đạo sản xuất, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Vụ đông năm nay, huyện có cơ chế hỗ trợ đối với cây đậu tương là 840.000 đồng/ha.

Với việc chỉ đạo quyết liệt, sát sao, chuẩn bị sớm mọi mặt, nhất là quỹ đất, giống cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hy vọng Vũ Thư sẽ có vụ đông 2013 thắng lợi cả 3 yếu tố: diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế.


Có thể bạn quan tâm

Dồn Lực Chặn “Tai Xanh” Dồn Lực Chặn “Tai Xanh”

Cuối tháng 5/2012, sau gần 2 năm “vắng bóng”, dịch tai xanh ở lợn lại xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tính đến ngày 14/6/2012, toàn tỉnh có 6 xã thuộc 2 huyện Hữu Lũng và Văn Quan có dịch.

25/06/2012
'Của Quý' Gặp Nạn Do... Nuôi Tôm 'Của Quý' Gặp Nạn Do... Nuôi Tôm

Gần đây, nhiều người nuôi tôm phải nhập viện để cấp cứu vì dương vật bị thương rất nặng. Hệ thống quạt nước tạo dưỡng khí cho tôm nếu quấn phải quần áo người sẽ gây tai nạn, trong đó đàn ông dễ bị tuột lớp da của bộ phận sinh dục

23/10/2011
Lượng Tôm Giống Cung Không Đủ Cầu Ở Đồng Tháp Lượng Tôm Giống Cung Không Đủ Cầu Ở Đồng Tháp

Theo thống kê, diện tích nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa của huyện Tam Nông (Đồng Tháp) tăng theo từng năm. Năm vừa qua, toàn huyện thả nuôi 808 ha tôm càng xanh, tăng 107ha, với tổng sản lượng thu hoạch là 1.318 tấn. Do áp dụng tốt kỹ thuật nuôi nên bình quân mỗi hecta người dân thu hoạch được 1,63 tấn, với giá dao động từ 230.000 - 260.000 đồng/kg (tôm loại 1, 2), góp phần mang lại lợi nhuận bình quân khoảng 60 triệu đồng/ha (cao hơn năm 2010 là 19,8 triệu đồng/ha).

18/07/2012
Vinh Danh Ông Bảy Vinh Thành Công Với Nghề Ương Nuôi Nghêu Giống Vinh Danh Ông Bảy Vinh Thành Công Với Nghề Ương Nuôi Nghêu Giống

Ông Trần Văn Vinh (thường gọi là Bảy Vinh) đến với nghề ương nuôi nghêu giống bắt nguồn từ sự đam mê và nhu cầu thực tế. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Gò Công (Tiền Giang), từng công tác ở ngành Thủy sản, cả cuộc đời gần như gắn bó với nghề. Sau khi nghỉ hưu, ông đã bắt tay vào việc nghiên cứu đặc điểm sinh sản tự nhiên của nghêu, đồng thời thử nghiệm quy trình sinh sản nghêu nhân tạo.

20/07/2012
Cà Mau sản xuất thành công tôm giống hạn chế nhiễm bệnh MBV Cà Mau sản xuất thành công tôm giống hạn chế nhiễm bệnh MBV

Nếu như trước đây, tỷ lệ nhiễm bệnh MBV (hay còn gọi là bệnh còi) trên tôm sú giống khá phổ biến, chiếm từ 60 đến 65%, thì đến thời điểm này đã giảm xuống dưới mức 30%. Đây là kết quả có được sau khi Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp một số đơn vị sản xuất giống thủy sản thực hiện quy trình sản xuất giống hạn chế nhiễm bệnh MBV.

08/04/2015