Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Động Nguồn Giống Đậu Tương Cho Vụ Đông

Chủ Động Nguồn Giống Đậu Tương Cho Vụ Đông
Ngày đăng: 29/08/2013

Là huyện có truyền thống và thế mạnh trong sản xuất vụ đông, những năm qua Vũ Thư (Thái Bình) luôn chú trọng, từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm. Vụ đông năm 2013, huyện phấn đấu gieo trồng 7.250 ha, tập trung phát triển những cây chủ lực như đậu tương, khoai tây, ngô...

Trong đó, phấn đấu trồng 1.700 ha cây đậu tương. Để bảo đảm kế hoạch, Vũ Thư đã chủ động nguồn giống đậu tương cho vụ đông đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân.

Chúng tôi về xã Việt Hùng - một trong những địa chỉ sản xuất giống đậu tương vụ đông lớn của huyện, đúng thời điểm bà con nông dân nơi đây đang khẩn trương thu hoạch đậu tương vụ hè thu để làm giống cho vụ đông. Đối với loại cây này, hàng năm nông dân Việt Hùng gieo trồng 2 vụ (vụ hè thu và vụ đông) cho thu hoạch trên 300 tấn. Vụ hè thu năm 2010 với diện tích 80 ha, cho năng suất 23 tạ/ha, cả vụ bán được 46 tấn giống ĐT84; vụ hè thu năm 2011, nông dân bán được 28 tấn cho Công ty Giống cây trồng Thái Bình.

Từ năm 2006 đến nay, khi cây đậu tương trở thành cây chủ lực của vụ đông, HTX Vũ Thuận (Việt Thuận) hàng năm được huyện giao nhân giống đậu tương gốc phục vụ cho vụ đông. Các xã không có quỹ đất trồng cây màu hè thu gồm Duy Nhất, Vũ Hội, Vũ Vinh đã ký hợp đồng mua đậu tương giống vụ đông với HTX Vũ Thuận. Nhận thức trách nhiệm sản xuất ra giống đậu thuần, chuẩn, HTX đã chủ động khâu tập huấn kỹ thuật, thông qua các thôn lập danh sách những gia đình đăng ký nhân giống.

Năm 2010, huyện cấp cho HTX Vũ Thuận 1.024 kg, năm 2011 là 924 kg đậu tương gốc, HTX phát cho bà con xã viên định mức 2 kg/sào, khi thu hoạch thu mua lại 35 kg/sào, giá cao hơn thị trường 20%. Từ 2009 đến năm 2012, xã viên Vũ Thuận bán trên 50 tấn đậu tương, các thôn đăng ký đến đâu HTX thu mua đến đó, bảo đảm đáp ứng nhu cầu gieo trồng của địa phương và 3 xã trên.

Qua trao đổi, đồng chí Bùi Gia Khương, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Quỹ đất trồng cây vụ đông cơ bản đã được giải quyết, nhưng vấn đề quyết định đến diện tích trồng là khâu giống. Nếu không chủ động được nguồn giống, mọi cố gắng đã đạt được đều vô nghĩa.

Trong những năm qua, để chủ động khâu sản xuất giống, huyện đã hỗ trợ giống đậu tương gốc giao cho các xã có quỹ đất trồng vụ hè thu để cung ứng cho các xã không tự túc được giống. Theo kế hoạch, vụ đông năm nay huyện không đứng ra mua giống cung ứng cho các HTX, mà chỉ đạo các HTX DVNN không có diện tích đất trồng cây màu hè thu trực tiếp hợp đồng với HTX DVNN có điều kiện cung ứng giống, bảo đảm đủ giống và giống tốt.

Đậu tương là một trong những cây dễ trồng, hiệu quả kinh tế khá, chi phí đầu tư thấp, dễ mở rộng diện tích trong vụ đông. Khác với các cây trồng khác, sản phẩm đậu tương có thị trường tiêu thụ ổn định, nhu cầu về đậu tương cho chế biến thực phẩm và thức ăn cho chăn nuôi ngày càng lớn. Sau khi thu hoạch, lá và rễ đậu tương để lại trong đất một lượng phân bón góp phần cải tạo đất, tạo môi trường canh tác bền vững.

Chính vì vậy cây đậu tương được xác định là một trong ba cây trồng chủ lực trên chân đất sau lúa mùa ở Vũ Thư (đậu tương, ngô, khoai tây). Vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo trồng 750 ha đậu tương, trong đó trên 100 ha đậu tương để nhân giống cho vụ đông.

Đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết thêm, trong điều kiện giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, việc duy trì, cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ đông là yếu tố rất cần thiết giúp người nông dân vượt qua khó khăn tiếp tục sản xuất vụ thứ 3 trong năm, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Vũ Thư và các xã, thị trấn đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất kịp thời. Sự hỗ trợ không tràn lan mà được tập trung vào các khâu then chốt như giống, tưới tiêu, công chỉ đạo sản xuất, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Vụ đông năm nay, huyện có cơ chế hỗ trợ đối với cây đậu tương là 840.000 đồng/ha.

Với việc chỉ đạo quyết liệt, sát sao, chuẩn bị sớm mọi mặt, nhất là quỹ đất, giống cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hy vọng Vũ Thư sẽ có vụ đông 2013 thắng lợi cả 3 yếu tố: diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế.


Có thể bạn quan tâm

Cần hạn chế nhập khẩu thịt gà Cần hạn chế nhập khẩu thịt gà

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, song song với việc triển khai vụ kiện bán phá giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ, việc cấp bách cần làm ngay là hiệp hội sẽ gửi đơn kiến nghị Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tạm ngưng hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm từ gia cầm của Mỹ chứ không chỉ một số bang như hiện nay, do từ cuối năm 2014 đến nay, nước này xảy ra dịch cúm gia cầm.

20/08/2015
Rau an toàn chưa có chỗ đứng Rau an toàn chưa có chỗ đứng

Dù sản phẩm đã được công nhận VietGAP nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thực sự yên tâm. Lý do là sự sạch - bẩn của rau chủ yếu phụ thuộc vào lương tâm của người sản xuất và bán hàng, chứ chưa được các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát…

20/08/2015
Đậu phộng trúng mùa, được giá Đậu phộng trúng mùa, được giá

Ông Nguyễn Văn Thông ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, trồng 3 công đậu phộng giống L15 cho biết, loại cây này dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chỉ sau 3 tháng có thể thu hoạch đạt năng suất 600 - 650 kg/công, tăng 20 - 25 kg/công so với vụ rồi. Sau khi thu hoạch xong, thương lái vào tận ruộng thu mua với giá 15.000 - 16.000 đồng/kg, tăng khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg so với thời điểm năm rồi. Sau khi trừ hết chi phí, ông Thông lãi gần 20 triệu đồng.

20/08/2015
Một số lưu ý khi trồng rau trong mùa mưa Một số lưu ý khi trồng rau trong mùa mưa

Ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An, bà con nông dân trồng rau ăn lá trong mùa mưa thường gặp nhiều rủi ro do ẩm độ không khí cao, sâu bệnh phát triển mạnh, mưa gió nhiều rau dễ bị dập nát khó bán, bà con phải dùng lưới che nên tốn thêm chi phí. Tuy nhiên, do giá rau cao hơn so với những tháng trồng vào mùa nắng nên bà con vẫn duy trì diện tích trồng.

20/08/2015
Phú Tân (An Giang) đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng Phú Tân (An Giang) đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng

Phú Tân là một huyện cù lao, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, cũng là một trong những huyện đi đầu trong tỉnh An Giang về ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng, những năm qua, huyện không ngừng đổi mới các phương pháp canh tác để tăng năng suất và tăng lợi nhuận cho nông dân, trong đó việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã giúp nông dân giảm thất thoát trên đồng ruộng, giảm chi phí, tăng lợi nhuận ...

20/08/2015