Chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông

Đây là việc làm cần thiết trước tình hình thời tiết đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tích trữ rơm khô cho gia súc trước mùa đông giúp giảm tình trạng vật nuôi bị chết đói.
Lào Cai là tỉnh miền núi thường xuyên có hiện tượng rét đậm, rét hại, băng giá khi mùa đông đến, khiến đàn gia súc bị ốm, chết.
Trên thực tế, nguyên nhân gia súc chết rét một phần là do khí hậu lạnh giá khắc nghiệt, nhưng nguyên nhân chính là do người dân chưa chăm sóc tốt cho đàn gia súc, người chăn nuôi chưa chủ động dự trữ thức ăn khiến vật nuôi không đủ sức đề kháng dẫn đến việc giảm khả năng chống chịu với diễn biến thời tiết bất lợi.
Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền mà việc dự trữ thức ăn cho gia súc đã được người dân chủ động tiến hành trước mùa đông đến.
Trong mùa đông năm 2014 - 2015, mặc dù có thời gian rét đậm kéo dài kèm theo băng tuyết, song số đại gia súc bị chết không nhiều.
Thời điểm giao mùa như hiện nay, thời tiết đã se lạnh, nguồn thức ăn xanh cho gia súc bắt đầu khan hiếm.
Đến giữa mùa đông, thời tiết bất lợi cho việc chăn thả, lượng thức ăn xanh tại các đồi cỏ tự nhiên cũng không còn đáp ứng đủ cho gia súc.
Thế nên, tại thời điểm này, khi các xã vùng cao đã thu hoạch lúa mùa sớm, ngành nông nghiệp tỉnh có văn bản chỉ đạo đến các địa phương về công tác chủ động tích trữ rơm khô làm thức ăn cho gia súc. Rơm khô còn rất nhiều chất dinh dưỡng, nếu được chế biến sẽ là nguồn thức ăn tốt cho trâu, bò, thay thế hoàn toàn nguồn cỏ tươi.
Tại các xã vùng cao của các huyện: Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, sau khi thu hoạch lúa mùa sớm, người dân đã chủ động những ngày có nắng phơi khô rơm rồi cất trữ trong kho hoặc trên gác.
Ngoài nguồn rơm khô dự trữ, cây vụ đông cũng là loại cây màu cho hiệu quả kinh tế khá, bên cạnh sản phẩm chính thì thân lá cây vụ đông là nguồn thức ăn quan trọng cho trâu, bò trong mùa rét.
Vụ đông năm 2014, các xã vùng cao của huyện Bát Xát, Mường Khương thực hiện trồng ngô tăng vụ trên diện tích ruộng 1 vụ vừa để thu hoạch ngô lấy hạt, có thêm thu nhập, vừa cung cấp thức ăn xanh cho gia súc những ngày giá rét.
Sau khi thu hoạch lúa mùa, các hộ dân đã chuẩn bị làm đất để trồng cây vụ đông. Bà Sền Thị Chấn, thôn Tùng Lâu 1, thị trấn Mường Khương chia sẻ: “
Với hơn 1 ha, sau khi thu hoạch lúa chính vụ, gia đình tôi trồng thêm ngô cũng thu lãi hơn 10 triệu đồng. Những ngày rét đậm có thể tỉa lá, lấy thân cây làm thức ăn bổ sung cho trâu, ngựa, tránh thả ra ngoài hạn chế việc chết rét”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tính đến tháng 4/2015, toàn tỉnh có gần 150.000 con trâu, bò và ngựa.
Trong khi đó, diện tích trồng cỏ đạt gần 2.000 ha, chỉ đáp ứng được khoảng 37% nhu cầu thức ăn xanh cho tổng đàn gia súc.
Trước mùa đông, thông qua hệ thống khuyến nông cơ sở, ngành chăn nuôi tỉnh tích cực thực hiện công tác tuyên truyền tới bà con về việc dự trữ đủ nguồn thức ăn thô xanh và bổ sung thức ăn tinh cho gia súc.
Hệ thống khuyến nông cơ sở hướng dẫn hộ chăn nuôi tận dụng triệt để sản phẩm phụ ngành trồng trọt (rơm, thân, lá, bẹ ngô, cây lạc, khoai lang…) cắt cỏ tự nhiên để phơi khô hoặc ủ chua. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương gieo ngô dày làm thức ăn bổ sung cho gia súc, tuyên truyền, phát động phong trào trồng cỏ, hướng dẫn người dân tận dụng đất quanh nhà, ven đường, đồi bãi và dành quỹ đất để trồng cỏ.
Tại huyện Bắc Hà, trong vụ đông xuân 2014 - 2015, toàn huyện trồng trên 200 ha ngô có mật độ dày, năng suất thân, lá đạt hơn 2.000 tấn.
Thân, lá ngô có giá trị dinh dưỡng cao, khi sử dụng kết hợp với rơm khô tạo nguồn thức ăn cân đối cho gia súc.
Còn tại Si Ma Cai, diện tích trồng cỏ đến nay đạt gần 200 ha, trong tháng 9 địa phương tiếp tục cấp giống và đôn đốc bà con tích cực trồng cỏ.
Riêng tại xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai, trong tháng 9 người dân trong xã đã trồng thêm 70 ha cỏ voi để phục vụ chăn nuôi gia súc lớn. Chị Ma Thị Sở, thôn Cốc Dế, xã Bản Mế phấn khởi:
“Trước đây người dân chẳng bao giờ trồng cỏ, vì cỏ thì có sẵn ở trên đồi, đất phải để trồng ngô, lúa cho con người. Nhưng giờ đây được hướng dẫn thì mỗi năm nhà tôi đều để dành một mảnh đất để trồng cỏ là thức ăn dự trữ trong mùa đông, những ngày rét đậm thì cắt cho trâu ăn.
Bà con chúng tôi gọi vườn cỏ là “tủ lạnh” của trâu, bò, thức ăn dự trữ cho gia súc chứa hết trong đó”.
Nhận thức được khối tài sản giá trị lớn từ gia súc, người chăn nuôi đã thay đổi thói quen chăn thả tự nhiên, hình thành ý thức chủ động dự trữ, chuẩn bị thức ăn cho gia súc khi mùa đông đến gần. Nhờ sự tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo, nhận thức của người dân trong chuẩn bị thức ăn cho gia súc đã có chuyển biến lớn.
Bà Phạm Thị Hoa, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định:
“Những năm gần đây, dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng hiện tượng gia súc bị chết do đói, rét đã giảm đi nhiều. Đó là thành công của công tác tuyên truyền, sự phối hợp vào cuộc của các cấp chính quyền với ngành chăn nuôi và sự chủ động của người chăn nuôi.
Công tác chuẩn bị thức ăn cho gia súc trước mùa đông góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển tổng đàn gia súc, ổn định kinh tế cho người dân”.
Có thể bạn quan tâm

“Ai cũng nói Lục Ngạn được trời phú cho chất đất hiếm nơi nào có. Vườn rộng mà không làm nên cơm cháo gì thì thật lãng phí. Vì thế tôi đã dồn hết tâm huyết vào chăm cây có múi để có hướng đi của riêng mình”. Anh Lưu Văn Sáng, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) mở đầu câu chuyện về nghề làm vườn với chúng tôi như thế.

Ngày 24-12, tại UBND thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang đã đến khảo sát và làm việc với Hợp tác xã (HTX) xoài Bảy Ngàn để xây dựng nhãn hiệu tập thể. Tại đây, HTX đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hướng dẫn thực hiện các trình tự, thủ tục và gợi ý các mẫu logo nhãn hiệu xoài. Theo đó, HTX đã thống nhất chọn tên nhãn hiệu tập thể là Xoài cát Bảy Ngàn.

Với việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống cây ăn quả theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, các nhà vườn tập trung đầu tư phát triển mạnh các giống cam như: đường canh, cam sành, cam V2. Riêng cam đường canh, tính đến đầu tháng 12, nông dân trong huyện đã thu hoạch được trên 500 tấn.

Quả đúng vậy, ở thôn Phước Thọ, xã Tân Phước (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), ông là người thường xuyên có mãng cầu chính vụ và trái vụ, bán đi các nơi, kể cả ngoài tỉnh. Đất ở Tân Phước đa phần là đất cát pha, thích hợp với mãng cầu, chính vì vậy, khi nhiều người nông dân Tân Phước chuộng cây xoài, thanh long, ông vẫn tập trung vào mãng cầu, cho dù loại cây này dễ cỗi nếu chăm sóc không hợp lý, hoặc thiếu nước tưới bổ sung.

Dự án JICA - SOFRI “Tăng cường hệ thống khuyến nông để áp dụng hệ thống canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả cho nông dân nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long” giữa Viện Cây ăn quả miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).