Chủ động bảo vệ đàn gia súc trong mùa mưa

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Vân Canh cắt cỏ cho bò ăn trong những ngày mưa.
Những năm trước, ở Vân Canh thường xảy ra tình trạng bò bị chết đói, chết rét vào mùa mưa nên công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc được huyện quan tâm.
Các hội, đoàn thể phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho người chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và trồng cỏ, che chắn chuồng trại và tích trữ thức ăn cho gia súc trong mùa mưa.
Huyện Vân Canh hiện có đàn gia súc gần 28.500 con, trong đó có gần 16.000 con bò, gần 230 con trâu, 2.200 con dê và 10.000 con heo; trong đó, số lượng bò do các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nuôi khá lớn.
Tập quán chăn thả rông, thức ăn phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên và không có chuồng trại là những khó khăn trong công tác phòng chống đói rét cho gia súc khi mùa mưa đến.
Qua công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, người chăn nuôi trên địa bàn huyện, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, không những đã thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông trâu, bò trên núi, mà còn biết trồng cỏ, dự trữ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc; làm chuồng nhốt để tiện việc chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Trạm Thú y huyện Vân Canh, cho biết:
Rút kinh nghiệm những năm trước, công tác phòng chống đói rét cho gia súc trong mùa mưa năm nay được Trạm triển khai lồng ghép với việc tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi phòng trừ dịch bệnh cho gia súc trong cả năm, nên hầu hết bà con đã biết được cách phòng chống đói rét cho gia súc, chủ động thực hiện ngay từ đầu mùa mưa.
Anh Đinh Văn Kim, ở làng Hà Văn Dưới, xã Canh Thuận, bộc bạch:
“Gia đình tui và nhiều hộ nuôi bò trong làng đã tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho bò; dự trữ rơm khô, trồng cỏ, làm chuồng nhốt bò để tiện việc vệ sinh chuồng trại và nhốt bò trong những ngày mưa rét”.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; mặt khác, người chăn nuôi đã ý thức được giá trị của gia súc nên các hộ chăn nuôi đều có chuồng trại để nuôi nhốt gia súc và trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, nên thời điểm này hầu hết các hộ chăn nuôi ở Vân Canh đã chủ động chuẩn bị mọi điều kiện để bảo vệ gia súc của mình.
Ở thôn Thanh Minh xã Canh Hiển, nhiều hộ chăn nuôi đã thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh; che chắn chuồng đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt, làm ẩm ướt chuồng.
Mỗi hộ chăn nuôi có một cây rơm khô, để chế biến làm thức ăn dự trữ cho gia súc, đồng thời trồng cỏ để bổ sung nguồn thức ăn xanh cho trâu, bò, dê…
Ông Nguyễn Văn Đề, ở thôn Thanh Minh, cho biết gia đình ông còn chuẩn bị thêm củi gộc để đốt lửa sưởi ấm cho bò khi trời rét đậm.
Để giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất đối với đàn gia súc trong mùa mưa năm nay, huyện Vân Canh đang chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường xuống cơ sở kiểm tra việc thực hiện ở xã, thị trấn; trên cơ sở đó phát hiện những tồn tại, đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo vệ đàn gia súc trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm

Sáng nay (30/8), phường Thủy Biều (Thừa Thiên Huế) tổ chức lễ hội thanh trà lần IV-2014, thu hút hàng trăm lượt khách đến tham dự và mua sản phẩm. Chị Phan Thanh Lê, ở đường Hồ Đắc Di (Huế) chọn mua hơn 10 quả thanh trà và 5 quả bưởi.

Ngày 21/08, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã khởi động Dự án “Tiếp cận chung tới tiến trình VPA tại Việt Nam và Lào”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản yêu cầu Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các huyện, thị, thành phố tổ chức thông tin, tư vấn, giúp người nông dân nắm rõ các giải pháp nhằm ổn định tình hình sản xuất, phát triển cây cao su.

Hiện nay, nông dân trồng khóm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang thu hoạch cuối vụ mùa khóm nghịch. Do giá khóm năm nay ở mức cao, người dân có lãi khá, nên những nơi thu hoạch trước, người trồng khóm tranh thủ chăm sóc, bón phân cho cây mau phục hồi và sinh chồi mới.

Giá chôm chôm nhãn, thái loại ngon bán lẻ tại các chợ của Đồng Nai dao động từ 16-18 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 3-5 ngàn đồng/kg, chôm chôm thường 7-8 ngàn đồng/kg, tăng 2-3 ngàn đồng/kg, măng cụt khoảng 28-30 ngàn đồng/kg, tăng 5 ngàn đồng/kg, sầu riêng 25-28 ngàn đồng/kg, tăng 5-6 ngàn đồng/kg. Tại các nhà vườn giá bán các loại trái cây trên cũng tăng khoảng 2-4 ngàn đồng/kg.