Chồng Đại Gia Diệu Hiền Muốn Đóng Tàu Thép, Nhập Máy Bay

Công ty chuyên về chế biến thủy hải sản do ông Trần Văn Trí làm Chủ tịch vừa có công văn đề xuất đóng mới 220 tàu vỏ thép, nhập 3 máy bay trực thăng.
Thông tin trên được ông Trần Văn Trí - Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt xác nhận với VnExpress. Trong công văn do ông Trí soạn hồi tháng 7 gửi tới các bộ Nông nghiệp, Tài chính, Công Thương, Giao thông... và ngân hàng, doanh nghiệp xin nhập và đóng mới 220 tàu vỏ thép, nhập 3 máy bay trực thăng cứu hộ, cứu nạn và xây dựng 2 cầu cảng tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và Cảng Trần Đề (Sóc Trăng).
Công ty của ông Trần Văn Trí đề xuất được hỗ trợ vốn đóng mới, nhập tàu thép để giúp ngư dân đánh bắt, khai thác thủy hải sản và phục vụ nguồn nguyên liệu cho công ty. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông
Ý tưởng trên được đưa ra trong bối cảnh Nhà nước đang có chủ trương đóng mới, cải tạo và nâng cấp tàu đánh cá vỏ thép giúp ngư dân đánh bắt, khai thác thủy hải sản. Bản thân Trí Việt đang có nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản tại các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang và đều thiếu nguyên liệu sản xuất.
Do vậy, ông Trần Văn Trí đề nghị cho công ty Trí Việt được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 ngày 7/7/2014 của Chính phủ để nhập, đóng mới 220 tàu vỏ thép (tàu nhập đã qua sử dụng dưới 15 năm). Đồng thời, công ty muốn được hỗ trợ, vay vốn, xây dựng 2 cầu cảng loại I và khu neo đậu tránh bão tại huyện đảo Phú Quốc - Kiên Giang và cảng Trần Đề tỉnh Sóc Trăng.
Việc đóng mới, nhập tàu, mua báy bay, xây cảng của Trí Việt sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I (2014), công ty sẽ đầu tư nhập và đóng mới 72 tàu, trong đó nhập 50 tàu vỏ thép đã qua sử dụng, đóng mới 20 tàu với công suất máy chính trên 400 CV, 2 tàu trên 500 CV.
Giai đoạn 2 (2015-2020), công ty đầu tư xây dựng mới một cầu cảng cá loại I và khu neo đậu tránh trú bão (cảng Trần Đề - Sóc Trăng), nhập và đóng mới 150 tàu phục vụ đánh bắt xa bờ và phục vụ hậu cần cho ngư dân khai thác trên biển, mua 3 máy bay trực thăng cứu hộ cứu nạn. Trong công văn, ông Trần Văn Trí cho biết đã có buổi làm việc với lãnh đạo một ngân hàng và được đơn vị này bước đầu đồng ý hỗ trợ.
Doanh nhân Trần Văn Trí, chồng của đại gia thủy sản một thời - bà Nguyễn Thị Diệu Hiền được biết đến nhiều hơn sau khi giúp vợ vực lại Công ty thủy sản Bình An (Bianfishco) vốn đang trên bờ vực phá sản. Sau khi hoàn thành sứ mệnh tại Bianfishco, ông Trí rút khỏi Hội đồng quản trị và tham gia giúp nhiều doanh nghiệp thủy sản khác tái cơ cấu.
Hiện ông Trí là Chủ tịch của Thủy sản Sông Hậu (Sohafood), Thủy hải sản Trí Việt và Phó chủ tịch Công ty Thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng).
Trước đó, một đại gia trong ngành xuất nhập khẩu, bất động sản là ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch Công ty Đức Khải cũng thông tin doanh nghiệp đang có dự định chi 1.500 tỷ đồng để đầu tư 100 tàu đánh cá và 2 trực thăng để cùng ngư dân bám biển.
Có thể bạn quan tâm

Ông Robert Zeigler, Tổng Giám đốc IRRI khẳng định, SXNN của Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn khi đóng góp của nông nghiệp vào GDP đang có dấu hiệu giảm nhưng nếu tái cấu trúc đúng cách và có giải pháp phù hợp chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra kim ngạch XK và chiếm vị thế cao trong nền kinh tế.

Đầu ra cho nông sản Việt vẫn luôn là một bài toán khó cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. Điệp khúc được mùa mất giá, cảnh nông sản đến mùa thu hoạch không có người mua tái diễn: hàng trăm xe dưa hấu tắc nghẽn ở biên giới, dưa hấu đổ bỏ cho gia súc ăn, thanh long cho bò ăn chán chê rồi đành vứt bỏ… nông sản rớt giá khiến người nông dân điêu đứng.

Nho là cây trồng đặc trưng có thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân Ninh Thuận. Đã có không ít nông dân Ninh Thuận bằng nỗ lực, cần cù và sáng tạo trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thành công từ nghề trồng nho và từng bước làm giàu từ cây nho.

Diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại trên 70% trong 06 tháng đầu năm 2014 là 1.781 ha, chiếm 16,95% (tăng 81 ha so với cùng kỳ); trong đó tôm sú thiệt hại 552 ha, thẻ chân trắng 1.229 ha. Tuy nhiên, tỷ lệ tôm bị thiệt hại so với diện tích thả nuôi giảm 8,72% so cùng kỳ.

Hà Nội sau hợp nhất là một thành phố khổng lồ với 7,14 triệu dân và thường xuyên có trên 2 triệu lao động, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh đến cư trú và làm việc. Người ta tính toán, để đáp ứng thực phẩm cho 9 triệu dân đó, mỗi năm Hà Nội cần khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54.000 tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau…