Chọn Giống Tốt, Canh Tác Đúng Kỹ Thuật Để Sản Xuất Vụ Lúa Đông Xuân Ăn Chắc

Hiện nay, nông dân vùng Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đang tập trung xuống giống vụ lúa đông xuân 2013-2014. Theo đánh giá của các nhà khoa học Viện Lúa ÐBSCL, mực nước lũ năm 2013 không cao, tình trạng ngập lụt xảy ra chủ yếu do ảnh hưởng các đợt triều cường.
Vì vậy có khả năng vụ đông xuân 2013-2014 sẽ chịu tác động của hiện tượng xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ. Nông dân cần chọn lựa cơ cấu giống phù hợp và áp dụng quy trình canh tác hợp lý để sản xuất thắng lợi vụ đông xuân.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL dự kiến vụ lúa đông xuân 2013-2014, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ xuống giống với diện tích 1,6 triệu ha. Lịch gieo sạ được chia thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 10 đến ngày 26-11-2013 (với diện tích khoảng 700.000ha); Đợt 2 từ ngày 7 đến ngày 25-12-2013 (với diện tích khoảng 600.000ha). Riêng các khu vực còn lại, do đặc thù về điều kiện khí hậu, địa hình có thể xuống giống chậm hơn nhưng nên gieo sạ dứt điểm vào cuối tháng 12-2013.
Trong điều kiện sản xuất lúa bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, sâu bệnh, dịch hại xảy ra thường xuyên, việc lựa chọn cơ cấu giống hợp lý để canh tác được xem là yếu tố đầu tiên quyết định đến năng suất, sản lượng lúa của nông dân.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng Sản xuất hạt giống Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Về cơ cấu giống vụ đông xuân 2013-2014, nông dân nên tập trung canh tác các giống lúa chất lượng cao. Trong đó có một số giống thơm nhẹ như OM 4900, OM 6162, OM 7347, OM 6600, OM 5954. Các giống lúa thơm đặc sản như Jasmine 85, VD 20.
Đối với vùng phù sa ngọt ven sông Hậu, sông Tiền (An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp) có thể canh tác một số giống chất lượng cao hạt dài gồm OM 4218, OM 5451, OM 6976, OM 6162, OM 6377, OM 2517, OM 6161, OM 10041.
Các vùng đất phèn nhiễm mặn ven biển (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, một phần của Long An và Tiền Giang) có thể gieo sạ các giống OM 2395, OM 5451, OM 5981, OM 2517, OM 6677, OM 9915, OM 9916, OM 8017, OM 9584. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Tạo, vụ đông xuân 2013-2014, nông dân chuyển sang ưa chuộng các giống lúa chất lượng cao hạt dài nhằm thay thế các giống lúa chất lượng thấp.
Một số vùng trước đây nông dân hay sử dụng giống chất lượng thấp như IR 50404 đã chủ động chuyển sang trồng các giống OM 4218, OM 5451, OM 6976 và một số giống chất lượng khác. Bên cạnh đó, nông dân được một số công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên cánh đồng lớn nên diện tích các giống chất lượng thấp trong vụ đông xuân dự kiến chỉ còn dưới 20%.
Vụ đông xuân được xem là vụ lúa ăn chắc trong năm do thời tiết thuận lợi, chất lượng nước tốt, năng suất cao nhất so với các vụ còn lại trong năm. Song không vì thế mà nông dân chủ quan, bởi nếu chế độ canh tác không hợp lý vẫn sẽ phát sinh dịch bệnh.
Nông dân cần áp dụng kỹ thuật canh tác và quản lý dịch hại tổng hợp, áp dụng gói kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm". Ở khâu làm đất, nông dân cần cày xới, làm đất kỹ để xử lý mầm bệnh lưu tồn từ vụ trước, san bằng mặt ruộng. Trước khi sạ cần ngâm ủ giống, xử lý giống để đảm bảo độ nảy mầm.
Nên áp dụng sạ hàng hoặc sạ thưa, không nên gieo sạ quá dày, mật độ gieo sạ trung bình từ 100-120 kg hạt giống/ha. Lưu ý sử dụng giống xác nhận sẽ giúp tăng năng suất lúa, đảm bảo chất lượng đồng đều. Không nên sử dụng lúa thịt để làm giống vì chất lượng kém do giống bị lẫn tạp nhiều. Nên bố trí gieo sạ đồng loạt, né rầy.
Khi sạ cuối mùa mưa đầu mùa khô thường xuất hiện những trận mưa lớn nên nông dân cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, chuẩn bị hệ thống thoát nước để xả nước kịp thời. Nông dân nên sử dụng thuốc tiền mọc mầm để diệt cỏ dại cũng như lưu ý phòng trừ ốc bươu vàng.
Nhằm đảm bảo tốt các điều kiện giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Canh tác, Viện Lúa ĐBSCL, khuyến cáo: Sau sạ từ 5-6 ngày, bà con đưa nước vào ruộng và bón phân lần 1 khi cây lúa được 5-7 ngày tuổi. Giai đoạn bón phân lần 2 từ 18-25 ngày tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng của từng giống lúa. Sau khi bón phân đợt 2 khoảng 10 ngày bà con nông dân rút nước cạn trong vòng 1 tuần để giữ cho đất khô ráo, giúp cây lúa cứng cáp và ít đổ ngã. Khi cây lúa được 37-38 ngày, nông dân đưa nước vào ruộng và bón phân đợt 3.
Lưu ý chỉ bón đạm và kali, không nên sử dụng DAP để bón phân đợt 3 vì sẽ làm kéo dài thời gian sinh trưởng, đồng thời làm lá lúa quá xanh tốt nên dễ bị sâu bệnh tấn công. Trong giai đoạn phân hóa đòng (38-45 ngày tùy từng loại giống) và giai đoạn trổ (từ 60-75 ngày tùy từng loại giống), bà con cần phải giữ nước trên ruộng ở mức 3-5cm. Nếu để ruộng khô nước trong 2 giai đoạn này có khả năng sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo nông dân nên thường xuyên thăm đồng, áp dụng IPM để quản lý dịch hại. Nông dân cũng cần lưu ý phòng trừ rầy nâu thường xuất hiện suốt vụ. Bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn gây ra thường xuất hiện nhiều ở giai đoạn 30-35 ngày và 60-65 ngày tức là sau các lần bón phân. Vì vậy nông dân không nên bón dư phân đạm vì sẽ làm bệnh xuất hiện nhiều hơn.
Ngoài ra, do môi trường thời tiết, một số giống lúa có thể bị nhiễm bệnh đạo ôn, nông dân cũng cần quan tâm theo dõi để kịp thời phòng ngừa, xử lý. Bên cạnh đó cần lưu ý các đối tượng gây hại cho lúa như cỏ dại, chuột và ốc bươu vàng. Đối với các đối tượng gây hại này, bà con nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn với thiên địch và đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Dự án thí điểm bảo quản trái vải tươi sau thu hoạch bằng công nghệ màng sinh học sẽ triển khai lần đầu tiên tại tỉnh Bắc Giang.

Do thương lái Trung Quốc giảm thu mua, giá mỗi kg thanh long hiện chỉ còn vài nghìn đồng, dù mới đầu vụ.

Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, lô vải thiều 2,1 tấn đầu tiên của Lục Ngạn sau khi được đưa sang thị trường Califonia (Mỹ) đã bán hết chỉ trong vòng một ngày.

Vụ Đông Xuân vừa qua, toàn huyện Phú Thiện gieo trồng gần 8.400 ha cây trồng các loại, trong đó lúa với diện tích 6.066 ha gồm các giống lúa như: HT1, Ma Lâm, Q5, OM4900, hương cốm, tám thơm, DV 108….; còn lại là các loại cây lương thực khác (bắp 350 ha), thực phẩm (rau các loại, đậu), cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, thuốc lá, khoai lang) và cây công nghiệp dài ngày (mía trồng mới 800 ha).

Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực nghiệm nhiều mô hình trồng cây mắc ca trên địa bàn các huyện: Kbang, Mang Yang, Chư Pah, Chư Pưh, Chư Sê, Đak Đoa và nhiều hộ dân các huyện: Kông Chro, Đak Pơ, Đức Cơ, Chư Prông và TP. Pleiku tự đầu tư trồng mắc ca. Đến nay, diện tích cây mắc ca toàn tỉnh là 215,6 ha. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế của nó vẫn còn bỏ ngỏ.