Chọn Giống Lúa Cho Vụ Hè Thu

Kết thúc vụ lúa vừa qua, nông dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi vì vừa trúng mùa lại được giá. Nhiều nơi năng suất đạt ngoài mong đợi của người dân và chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Nguyễn Đồng Khởi cho biết, vụ lúa vừa qua có nơi trong huyện thu hoạch đạt năng suất trên 60 giạ/công.
Chính những thành công ấy tạo đà cho sản xuất vụ lúa hè thu tiếp theo, đây cũng là nỗi lo khi nông dân nôn nóng không tuân theo đúng lịch thời vụ của ngành chuyên môn. Theo kế hoạch, vụ hè thu này toàn tỉnh sản xuất khoảng 36.600 ha tại các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời và TP Cà Mau.
Hiện nay, hầu hết những phần đất thu hoạch xong đã được bà con tiến hành cày ải phơi đất. Đang đốt đồng chuẩn bị cho việc cày ải, ông Trần Văn On, ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau, hồ hởi: “Vụ vừa rồi năng suất lúa vượt dự kiến nên sau khi thu hoạch xong tôi nhanh chóng chuẩn bị đất cho kịp thời vụ”.
Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, giống được xem là yếu tố vô cùng quan trọng. Chọn được giống tốt, bảo đảm chất lượng không chỉ giảm chi phí, tăng năng suất mà còn bán được giá.
Nhằm đáp ứng nhu cầu giống cho người nông dân trong tỉnh, ông Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, cho biết, trong năm vừa qua công tác sản xuất giống đã tạo được một bước ngoặt quan trọng, không chỉ tạo ra nguồn giống phù hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất, chất lượng cao mà còn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện nay, 140 ha đất sản xuất lúa giống của tỉnh mỗi năm có thể tạo ra trên 500 tấn lúa giống, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất của người dân.
“Giống hợp thổ nhưỡng, năng suất cao là chưa đủ. Trong năm qua, để chọn giống cung ứng cho người dân, ngành nông nghiệp còn áp thêm mục tiêu là đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Từ đó, trung tâm kết hợp với các đơn vị có liên quan, nhất là các công ty xuất khẩu lúa gạo trong tỉnh và thương lái để nắm bắt tình hình thị trường, thị trường cần mua lúa gì thì sản xuất giống lúa đó”, ông Mịch cho biết thêm,
Ông Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, nhận định, thị trường xuất khẩu lúa gạo của ta hiện đang chịu sức cạnh tranh khốc liệt. Do đó, việc chọn giống cần phải hết sức thận trọng, nếu không hệ luỵ sẽ rất nghiêm trọng. Việc canh tác, chọn giống, nông dân nên tuân thủ hướng dẫn của ngành chuyên môn theo từng mùa vụ sản xuất.
Cũng với mong muốn người dân có vụ hè thu tiếp tục thắng lợi, ông Phạm Văn Mịch khuyến cáo, khi chọn giống người dân cần phải tìm mua tại những địa điểm tin cậy, nơi có công bố chất lượng sản phẩm tại cơ sở. Đặc biệt, không mua giống từ các ghe trôi nổi trên thị trường.Các giống chủ lực hiện nay vẫn là loại giống hạt dài, thơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như: OM 5451, OM 6162, OM 5954.
Có thể bạn quan tâm

Diện tích không có nước để gieo trồng vẫn còn tới gần 15.000ha, diện tích đã chuyển đổi là hơn 4.600ha. Theo Tổng cục Thủy lợi, thời gian tới, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, diện tích hạn hán sẽ tăng lên và phạm vi có thể tiếp tục mở rộng.

Nếu áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ thống tưới tiêu hợp lý thì người nông dân có thể nâng năng suất của cây mía lên gấp 1,5 lần, thậm chí có trường hợp tăng gấp đôi.

Đã có thời kỳ, nuôi nhím trở thành đề tài được nhắc tới nhiều trong những câu chuyện làm giàu của người nông dân ở không ít nơi. Tại thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang), nơi một thời ghi nhận sự “lên ngôi” của con nhím và cũng là nơi điển hình về sự thăng trầm của loài vật nuôi này.

Mặc dù bị cơn bão số 10 năm 2013 tàn phá song hiện vẫn có rất nhiều nông dân ở miền Trung, trong đó có Quảng Bình, vẫn đánh liều với cây cao su…

Nông sản Việt Nam vốn được đánh giá là phong phú chủng loại, ngon, rẻ… Tuy nhiên, để khẳng định mình trên thị trường thế giới, những lợi thế đó chưa đủ. Điều kiện tối ưu là nông sản Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm.