Chôm chôm được mùa, được giá

“Alô” là có người đến mua
Toàn huyện Nghĩa Hành có khoảng hơn 30ha chôm chôm, được trồng nhiều ở hai xã Hành Nhân và Hành Minh.
Mùa thu hoạch chôm chôm bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài cho đến hết tháng 12.
Nhiều nông dân cho biết, một gốc chôm chôm khoảng 4 năm tuổi trở lên, nếu trúng mùa có thể thu về khoảng 2 - 4 tạ quả.
Với giá bán 15.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân sẽ có thu nhập khá, nếu so với các loại cây ăn quả khác.
Gia đình bà Nguyễn Thị Anh, ở thôn Trúc Lâm, xã Hành Nhân trồng 8 sào chôm chôm hơn 15 năm tuổi.
Năm nay chôm chôm sum suê quả, khiến bà Anh và nhiều hộ trồng chôm chôm khác rất phấn khởi.
Bà Anh chia sẻ: “Từ đầu mùa đến giờ, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 1,5 tấn quả.
Giá bán nhỉnh hơn đôi chút so với năm ngoái.
Mình “alô” là có thương lái đến tận vườn để thu mua, lại không cò kè giá cả như các năm trước.
Nếu từ giờ đến hết vụ mà giá cả ổn định như hiện nay, trừ hết chi phí, gia đình thu lãi ròng hơn 45 triệu đồng”.
Bà Anh cho biết thêm, thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp với cây chôm chôm nên gần như năm nào bà con cũng trúng mùa.
Hơn nữa, công chăm sóc cũng như việc đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu... cũng khá nhẹ.
Người có vốn ít cũng có thể trồng được.
Mặc dù diện tích trồng chôm chôm ở xã Hành Nhân, Hành Minh còn khá khiêm tốn so với một số loại cây trồng chủ lực, nhưng hiệu quả kinh tế mà nó mang lại rất cao.
“Thắng trên sân nhà"
Phải cùng cạnh tranh với chôm chôm nổi tiếng ở các tỉnh phía Nam được thương lái đưa về tiêu thụ ở tỉnh ta, nhưng chôm chôm Nghĩa Hành vẫn có lợi thế riêng, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong tỉnh.
Ông Phạm Văn Đạt, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh chia sẻ: “Sản lượng chôm chôm ở đây chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, vì vậy sản phẩm từ người trồng đến tay người tiêu dùng cũng rất nhanh.
Sáng mình giao hàng cho thương lái, thì đến đầu giờ trưa sản phẩm đã nằm trên kệ ở các chợ đầu mối.
Chính vì không phải mất nhiều khâu trung gian nên giá bán cũng có phần thoáng hơn.
Vả lại, không vận chuyển đường dài nên quả chôm chôm cũng tươi ngon hơn”.
Những người trồng chôm chôm lâu năm ở đây cho biết, họ trồng cây chôm chôm từ những năm 1995.
Nhận thấy đây là một loại cây trồng hiệu quả, nên diện tích trồng cũng dần được tăng lên, cùng với đó là sự đầu tư về mặt khoa học kỹ thuật của Nhà nước, nên cây chôm chôm ngày càng được nông dân đầu tư trồng nhằm phát triển kinh tế.
Ông Phan Thanh Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh cho hay, toàn xã có khoảng 15ha chôm chôm.
Về chất lượng thì chôm chôm trồng ở xã không thua kém so với các tỉnh khác.
Nhưng vấn đề là quy mô sản xuất của mình còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết giữa các nhà vườn.
Còn chuyện xây dựng thương hiệu chôm chôm “Made in Nghĩa Hành” để hương vị quả chôm chôm ở đây có thể được nhiều người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, làm “bệ phóng” để nông dân tăng diện tích trồng, cũng như mở rộng thị trường vẫn còn là điều mơ ước của nhiều hộ nông dân”.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây nông dân ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A, Cái Bè, Tiền Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Chẳng hạn như mô hình trồng dưa leo của anh Võ Văn Đông mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp gia đình anh phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty ca cao Nguyên Lộc (TX.Long Khánh, Đồng Nai) - đơn vị hợp tác với Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai tổ chức nhân giống ca cao và thử nghiệm mô hình trồng xen canh ca cao với các loại cây trồng khác - cho biết, năm 2013 công ty đã cung cấp trên 100 tấn hạt ca cao đã lên men cho Tập đoàn Grand – Place.

Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL – Trường Đại học Cần Thơ tổ chức nghiệm thu và chuyển giao cho nông dân ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín gắn với mô hình canh tác màu tiết kiệm nước.

Sau thắng lợi của vụ đậu đen năm trước, vụ Đông Xuân này nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã chủ động mở rộng diện tích đậu đen lên tổng số khoảng 530 ha, tập trung nhiều nhất ở Vĩnh Thuận với 265 ha, Vĩnh Kim 135 ha… Tuy nhiên, do nắng hạn, phần lớn diện tích đậu đen bị mất mùa.

Năm 2011, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã thực hiện mô hình “Tổ hợp tác sản xuất chè vụ đông có sử dụng công nghệ tưới phun mưa tự động”. Đây là một trong những phương pháp sử dụng công nghệ kỹ thuật tưới nước tiết kiệm được áp dụng rộng rãi trên Thế giới và mang lại hiệu quả cao.