Chôm Chôm Bình Hòa Phước Đủ Điều Kiện Đi Tây

Thông tin Hợp tác xã (HTX) Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ - Vĩnh Long) được công nhận GlobalGAP đã làm nức lòng nhà vườn sau nhiều năm dốc công thực hiện. Bởi từ đây, trái chôm chôm đủ điều kiện xuất sang nhiều thị trường khó tính ở Châu Âu, Hoa Kỳ.
HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước thành lập năm 2009 với 50 xã viên. Do chưa có thị trường, sản phẩm thiếu chất lượng nên thường xuyên chịu cảnh “thừa hàng dội chợ”. Năm 2012, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, HTX bắt tay sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn sạch.
Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh- Phó Bộ môn Bảo vệ thực vật- Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cho biết: Do nông dân ở đây có kinh nghiệm trồng chôm chôm nên quá trình thực hiện diễn ra rất thuận lợi.
Năm 2012, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam tiến hành đánh giá hiện trạng vùng trồng, chọn xã viên thực hiện và tập huấn hàng loạt các công đoạn như: vẽ sơ đồ vườn cây, xây dựng nhà kho, nhà vệ sinh tự hoại, sân pha chế thuốc, hệ thống nước sạch tưới tiêu, đào hố xử lý chất thải, hố rác sinh hoạt, thu gom trái rụng…
Đặc biệt là hướng dẫn từng nhà vườn ghi chép sổ tay trong suốt quá trình canh tác. Hàng tuần, HTX đều tổ chức họp để các thành viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Quá trình triển khai, từng xã viên phải tuân thủ trên 150 tiêu chí trong quy trình sản xuất. Anh Võ Thanh Trang- xã viên HTX nói: “Lúc đầu ai cũng ngán, nhất là việc ghi chép nhật ký sản xuất do chỉ quen cầm cày, cuốc nhưng giờ cũng đã quen dần”.
Anh Trang trồng hơn 5 công chôm chôm Java. Từ khi bắt tay sản xuất theo quy trình, năng suất được nâng lên, mẫu mã và chất lượng trái khác hẳn so sản xuất thường.
Hiện 31 xã viên của HTX thực hiện trồng chôm chôm theo quy trình GlobalGAP, trên 17,5ha. Mỗi hecta, chôm chôm cho năng suất từ 30- 35 tấn trái. Giá chôm chôm hiện đang ở mức khá cao, từ 20.000- 22.000 đ/kg, trừ chi phí mỗi hecta nhà vườn còn lời từ 30- 40 triệu đồng.
Đáng mừng hơn, hiện chôm chôm sau thu hoạch được nhiều cơ sở thu mua trái cây ở Bến Tre, Tiền Giang đến đặt hàng, giá cao hơn thị trường nên bà con rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu- Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách- Bến Tre) cho biết: “Trước đây, khi thu mua chôm chôm của từng nhà vườn riêng lẻ để xuất khẩu, công ty phải lựa rất cực về chất lượng trái, nhưng giờ thì yên tâm.”
Công ty đang có kế hoạch đầu tư mở rộng thêm vùng chôm chôm có chất lượng sang nhiều nơi khác. Đồng thời, cũng phát triển thêm những thị trường xuất khẩu sang Châu Âu, Trung Đông để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, hiện trái chôm chôm của Việt Nam bị cạnh tranh rất nhiều tại thị trường Mỹ. Bên cạnh Mexico với lợi thế ở gần, phí vận chuyển thấp, chôm chôm của Việt Nam còn khó cạnh tranh với chôm chôm Thái Lan do họ có hơn 30 năm xuất khẩu vào thị trường này.
Nếu đưa chôm chôm Việt Nam vào Mỹ ở thời điểm các nước khác cũng thu hoạch thì chắc chắn gặp khó khăn. Do đó, nhà vườn cần chọn thời điểm canh tác thích hợp. Điều này hoàn toàn khả thi vì nông dân Việt Nam có thể trồng chôm chôm ra trái quanh năm.
Ông Cao Văn Ri- Chủ nhiệm HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước cho biết: Hiện chôm chôm của HTX được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Sau khi có chứng nhận, HTX sẽ tìm đối tác tiêu thụ sang khu vực Đông Nam Á trước khi xâm nhập vào thị trường khó tính hơn là Châu Âu hoặc Hoa Kỳ.
Công ty Control Union Việt Nam vừa trao chứng nhận GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên nguồn gốc) cho HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước. Tổng chi phí thực hiện khoảng 400 triệu đồng, do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long tài trợ. Chứng nhận có thời hạn 1 năm.
Có thể bạn quan tâm

Sáng nay 30-3, Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam và triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản”.

Chuyện đã qua, nhưng hậu quả thì đến hôm nay vẫn chưa giải quyết được, mà trước hết là sự lúng túng trong việc hỗ trợ vốn để người dân tái đầu tư, gây dựng lại thương hiệu tu hài Vân Đồn...

Thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lâu nay người dân thường trồng cây phi lao (dương liễu). Tuy không đem lại giá trị kinh tế cao, những cánh rừng phi lao dọc bờ biển này có tác dụng chắn gió, chắn cát và giữ đất. Nhưng trước sức hút của con tôm, người dân đã chặt phá hết cây, thuê xe máy đào, máy ủi bạt rừng để lấy đất đào hồ nuôi tôm. Gia đình bà Trương Thị Vân trước đây làm nghề đi biển, nhưng thấy nuôi tôm có giá nên cũng thuê đất đào hồ tôm.

Nhằm góp phần bảo vệ & phát triển nguồn lợi thủy sản, nằm trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1-4-1959 - 1-4-2014), vừa qua tại khu vực nuôi trồng thủy sản ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, Chi cục Thủy sản phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) và chính quyền xã tổ chức thả 60 ngàn con tôm sú giống ra môi trường thiên nhiên.

Từ đầu năm đến nay, giá heo thịt, heo giống trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng khá mạnh. Thời điểm này, giá heo hơi được các thương lái thu mua trên địa bàn thị xã An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát… dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, heo giống từ 68.000-75.000 đồng/kg.