Chợ Lách (Bến Tre) sôi động thị trường cây giống đầu vụ

Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường năm nay có sự thay đổi khá lớn, khiến giá một số loại cây giống thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
“Trúng lớn” với một số cây giống mới không trồng ở Bến Tre
Giữa trưa nắng gắt nhưng chị Mai Lệ Phương, thương lái ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vẫn yêu cầu nhân công khẩn trương vận chuyển hồ tiêu, bơ lên chiếc xe trọng tải 13 tấn nằm cạnh dốc cầu gần nhà thờ, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cho đầy để kịp về giao nhà vườn đúng hẹn. “Năm nay, nhà vườn ở Đắk Lắk và một vài tỉnh khác ở Tây Nguyên chuyển đổi sang trồng hồ tiêu rất nhiều. Hợp đồng với họ từ năm rồi, nhưng do không đủ giống để cung cấp nên chúng tôi phải chấp nhận đặt hàng với bà con Chợ Lách cho dù kinh phí vận chuyển đã tăng lên. Đáng mừng là, tuy loại cây mới nhưng bà con ở đây làm rất tốt, với số lượng lên đến vài chục nghìn gốc hồ tiêu” - chị Lệ Phương nói.
Cũng như hơn 30 hộ lần đầu làm hồ tiêu giống khác tại xã Vĩnh Thành, anh Trần Văn Bảo bộc bạch: “Trước kia, tôi làm xoài là chủ yếu nhưng thấy mỗi năm lại có thêm bà con làm xoài, nên tôi mới định kiếm loại cây khác để làm, hy vọng không phải đối mặt với việc bị thương lái làm khó do có quá nhiều hàng. Chọn hồ tiêu là có thể gặp rủi ro cao bởi mình chưa có kinh nghiệm, hơn nữa loại cây này ở địa phương không có. Nhưng may mắn là có sự hướng dẫn của đơn vị đặt hàng nên thành công. Vụ này, với hơn 1 công đất nhà, tôi làm được hơn 3 nghìn gốc hồ tiêu, mỗi gốc bán 21 ngàn đồng, lãi từ 7 - 9 ngàn đồng/gốc, tính ra lãi khá hơn làm xoài. Nhiều thương lái tìm tận nhà hỏi mua giá cao hơn nhưng không có để bán cho họ”.
Hồ tiêu hiện có giá từ 20 - 22 ngàn đồng/gốc, bơ khoảng 13 - 16 ngàn đồng/cây, ngoài ra một số loại cây khác mà nhà vườn Bến Tre chỉ gia công cho một số tỉnh như dừa dứa, thanh long ruột đỏ… cũng có giá khá cao, rất hút hàng.
“Đối với một số cây giống mới, chúng tôi cũng thu mua từ nhà vườn do nhu cầu của thương lái các tỉnh rất lớn. Thế nhưng nhà vườn không bán cho dù các đại lý rất muốn. Họ chỉ chủ yếu làm ăn trực tiếp với đơn vị đặt hàng. Tôi nghĩ, họ làm vậy cũng đúng, bởi đại lý địa phương như chúng tôi không thể hợp đồng trước với họ, vì cả 2 bên đều không có kinh nghiệm, kỹ thuật làm” - anh Nguyễn Khắc Tân, chủ 4 đại lý cây giống Tân Hài ở Chợ Lách cho biết.
Theo kế hoạch hàng năm của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Lách chỉ sản xuất khoảng 15 triệu cây giống, trên diện tích khoảng 600ha, nhưng vụ này do phát sinh từ những giống mới khoảng 2 triệu cây nữa nên hiện nay toàn huyện đã tăng lên gần 17 triệu sản phẩm cây giống.
Hút hàng Măng cụt, bưởi da xanh, cây có múi
Ông Nguyễn Văn Ý, 45 tuổi, ở ấp Lân Nam, xã Phú Sơn, hiện có trên 5 ngàn gốc xoài giống Đài Loan xanh. Năm ngoái vào thời điểm này, xoài 2 cơi giá 16 ngàn đồng/cây thì năm nay 11 ngàn đồng/cây. “Mấy năm qua, xoài xanh được thương lái săn tìm và mua với giá cao, đặc biệt là xoài Đài Loan xanh. Bởi loại xoài này có trái to khoảng 1kg, rất giòn, dễ đậu trái nhưng năm nay khó bán. Đến xoài 4 cơi (cao hơn 1m) giá khoảng 20 ngàn đồng/cây nhưng khó bán bởi thương lái vận chuyển đi xa nên chỉ chọn loại xoài 2 cơi (khoảng 45cm). Vụ năm ngoái, tôi kiếm được 70 triệu đồng thì nay cao nhất chắc cũng khoảng 50 triệu đồng thôi” - ông Ý nói.
Trong khi đó, 3 công đất sản xuất được khoảng 120 ngàn cây cam, quýt của anh Nguyễn Văn Liệp, ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, hiện thương lái đã hợp đồng với giá 7 ngàn đồng/cây, cao hơn năm ngoái hơn 1 ngàn đồng/cây, và đã mua hơn phân nửa lượng cây anh có. Vụ này, nhà vườn huyện Châu Thành sản xuất gần 50ha cây giống, chủ yếu là các loại cây có múi, tập trung chủ yếu ở các xã Tường Đa, Tiên Thủy.
Theo một số đại lý cây giống ở Chợ Lách, Châu Thành, nếu như năm ngoái các loại xoài, sầu riêng, vú sữa lò rèn, mít… hút hàng, giá bán cao thì năm nay đến lượt măng cụt và bưởi da xanh, các loại cây có múi “lên ngôi”. Nguyên nhân do các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năm 2014 không bị thiệt hại do triều cường như năm 2013 nên diện tích cây ăn quả của họ bảo toàn, ít có nhu cầu trồng mới. Mặt khác, trong thời gian gần đây, thương lái từ Long An, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung đặc biệt “săn lùng” các cây giống như măng cụt, bưởi da xanh, các loại cây có múi nên thị trường của một số cây có ưu thế trong những năm qua, hiện nay hơi trầm lắng.
Năm nay, xoài rớt giá 4 - 5 ngàn đồng/cây, một số cây khác như vú sữa lò rèn 13 - 14 ngàn đồng/cây; sầu riêng Ri 6 khoảng 20 ngàn đồng/cây, mít các loại cũng giảm 5 ngàn đồng/cây… Với giá cả như vậy, cơ bản là không thấp hơn năm 2014, nhưng đầu ra hơi khó khăn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số đại lý thì các loại cây như sầu riêng, vú sữa, mít thường rất hút hàng vào thời điểm cuối vụ.
Tuy thị trường cây giống tại Chợ Lách đầu vụ có những thay đổi đáng kể nhưng theo ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện thì điều đó cho thấy thị trường chưa mang tính ổn định. Đây chỉ là thời điểm thu gom hàng để đầu cơ của những đại lý, chủ vựa, cũng như thời gian “tung hỏa mù” của một số thương lái bên ngoài nhằm đánh lạc hướng nông dân. Nhà vườn phải hết sức thận trọng và bình tĩnh chờ đợi, bởi khi mùa mưa bắt đầu mới là thời điểm nhà vườn các nơi xuống giống, khi đó mới nhận diện thị trường chính xác được.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, nhu cầu của nhiều dự án phát triển cây ăn trái ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung là rất lớn. Điều này sẽ làm cho thị trường cây giống không gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ, bởi Chợ Lách là điểm mà các dự án nhắm tới.
Có thể bạn quan tâm

Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây (Trường ĐH Thành Tây, Hà Nội) vừa tiết lộ hai giống khoai lang có khả năng cho năng suất “khủng”, tới 70 – 80 tấn/ha, canh tác tốt sẽ đạt 100 tấn/ha.

Trước đây ở Nghĩa Hưng (Nam Định) cua biển từng là mặt hàng xuất khẩu được khách hàng ưa chuộng, đem lại nguồn thu lớn cho ngư dân ở các xã ven biển của huyện. Lượng cua biển này đều được khai thác từ tự nhiên, người dân chưa biết cách duy trì nguồn giống để phát triển nghề nuôi cua biển nên sản lượng khai thác cua biển tự nhiên ngày càng khan hiếm, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi thủy sản của huyện đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất giống cua biển từ các tỉnh: Cà Mau, Cần Thơ, Khánh Hòa… để áp dụng vào thực tế tại địa phương.

Đến xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang bạn sẽ cảm thấy rất ngỡ ngàng bởi màu sắc sân vườn phía trước nhiều ngôi nhà rất ư là lạ mắt. Trong xanh thẫm mượt mà của cỏ cây, có màu xanh dương đậm của những tấm bạt ni-lon được che chắn thành hình chữ nhựt, mỗi ô chừng vài chục mét vuông. Trong bể có lục bình, điên điển đang trổ ra những bông hoa sắc màu mát dịu. Những cái bể ấy dùng để nuôi lươn đó bạn ạ! Điểm qua hành trình của con lươn từ tự nhiên đi vào bồn bể, bạn sẽ thầm cảm ơn bao người nông dân chân chất đã cần mẫn sớm hôm để tạo thêm nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho đời.

Ngày 20-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chính thức triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa). Người dân ĐBSCL hy vọng đây là giải pháp khắc phục tình trạng lúa hàng hóa ùn ứ trong dân, giá lúa sụt giảm khi vào vụ thu hoạch đông ken.

Trong năm qua, toàn tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện thả tôm nuôi với diện tích 1.470 ha (67% tập trung tại khu vực Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), vượt 40% kế hoạch năm, trong đó có 194 ha tôm sú và 1.276 ha tôm thẻ chân trắng. Song do bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS) xuất hiện, lây lan trên diện rộng tại các vùng nuôi trọng điểm với diện tích 625 ha (chiếm 45% diện tích thả nuôi toàn tỉnh và tập trung 82% diện tích bệnh tại Đầm Nại) đã làm cho sản lượng thu hoạch chỉ đạt 87% kế hoạch.