Cho Heo Nghe Nhạc

Đó là cách nuôi heo độc đáo của anh Nguyễn Nguyễn Vũ Phương (SN 1965 ở Khóm 1, Phường 8, TP Vĩnh Long). Chỉ với hơn 300m2 đất làm chuồng trại nuôi heo nhưng mỗi năm anh Phương thu lời hàng trăm triệu đồng.
Gia đình anh Phương có 4 người, gồm vợ chồng anh, con và mẹ già. Tuy ở phường nhưng đất của anh Phương cũng chỉ là đất nông nghiệp cằn cỗi không trồng được cây gì cho ra hồn. Tổng cộng anh có 1.600m2 đất, gồm nhà ở, vườn tạp, ao cá… Còn lại 320m2 anh làm chuồng nuôi heo.
Lúc đầu, vợ chồng anh Phương chỉ nuôi 1- 2 con heo nái đẻ, vừa bán con giống vừa để lại một vài con nuôi heo thịt. Lúc đầu, anh Phương chưa có kinh nghiệm nên lãi không cao, có lúc còn bị lỗ.
Được sự tác động của Chi hội Nông dân Khóm 1, sự hỗ trợ vay vốn của Hội Nông dân Phường 8, anh Phương tham quan học hỏi từ các phong trào của Hội Nông dân, đặc biệt là phong trào nông dân sản xuất giỏi. Từ đó, anh mở rộng chuồng trại chăn nuôi heo nái để lấy heo con nuôi thịt với mô hình chăn nuôi chất lượng cao.
Lúc đầu, anh vẫn nuôi heo như bao người khác, dần dần tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi nên càng đạt hiệu quả cao, nhất là khi đợt dịch bệnh heo tai xanh làm nhiều người thất thu thì đàn heo của anh Phương vẫn an toàn.
Từ những tìm tòi học hỏi và kinh nghiệm tự tích lũy, cách đây khoảng 5 năm, anh Phương thử áp dụng phương pháp cho heo nghe nhạc để chúng ngủ ngon, ít tiêu hao năng lượng và mau lớn. Từ đó đến nay, cách cho heo nghe nhạc đã đem lại năng suất cao.
Anh Phương cho biết: Lúc đầu heo nái thường hay bị “hư thai”, nhất là lứa so, heo mẹ dễ bị stress do ở khu dân cư bị nhiễu nhiều tiếng động bất thường như những hộ ở gần có đám tiệc mở nhạc lớn, hay âm thanh hỗn tạp khác làm heo bị giật mình nhảy chuồng làm động thai nên thất thoát nhiều.
Cách đây hơn 5 năm, qua xem báo, nghe đài rằng ở nước ngoài có mô hình nuôi bò sữa cho nghe nhạc thì bò cho sữa nhiều hơn nên anh áp dụng làm thử. Lúc đầu anh treo radio trong chuồng heo cho chúng nghe.
Sau một thời gian ngắn, chúng quen dần rồi dễ ngủ nên heo đẻ lẫn heo thịt đều ổn định không kêu la, nhảy chuồng như trước. Từ đó, anh cứ mở đài có nhạc yêu cầu suốt ngày và đầu giờ đêm, chỉ khi cho ăn mới tắt. Sáng sớm, cho heo ăn xong anh lại mở radio. Chúng ăn xong lại mở nhạc cho chúng ngủ, đến 11 giờ trưa tắt máy là chúng thức dậy ăn buổi trưa, rồi lại mở máy đến 5 giờ chiều. Cứ vậy…
“Bình thường tới giờ ăn thì heo thường kêu la đòi ăn hoặc nhảy chuồng, nhưng giờ thì heo nghe nhạc say ngủ, có khi đi đám tiệc về trễ 1- 2 tiếng đồng hồ chúng vẫn không la. Cách này giúp những chú heo nằm yên lắng nghe, không lồng lộn, chạy nhảy phá phách làm hao năng lượng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của heo thịt, đối với heo nái thì tránh việc động thai”- anh Phương tự tin kể.
Thông thường anh Phương không cho người lạ vào trại heo, vì sợ làm chúng thức giấc, hoảng sợ ảnh hưởng đến đàn heo. Năn nỉ mãi anh Phương mới dắt chúng tôi vào trại heo. Quả thật, vào tới khu chuồng trại, thấy tức cười trước những chú heo cứ nằm lim dim, tai phe phẩy “thưởng thức” nhạc yêu cầu trên đài FM. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi buộc phải đi thật nhẹ và chỉ chụp vài tấm ảnh vì sợ làm động đến đàn heo.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên không kém chuyện cho heo nghe nhạc là trại không có mùi hôi của phân và nước tiểu của heo. Anh Phương cho biết, anh vệ sinh chuồng trại thường xuyên, để vừa giữ vệ sinh cho khu dân cư, vừa giữ cho heo sạch sẽ để chúng ngủ ngon.
“Mỗi ngày cứ đến khi cho heo ăn thì vợ chồng tui dọn chuồng. Mỗi ngày 4 lần: sáng, trưa, chiều, tối. Đặc biệt là buổi tối, khoảng 7 giờ thì khi dọn chuồng chỉ quét thật sạch chứ không dội nước, để tránh heo bị cảm lạnh hoặc nhiễm bệnh khác”- anh Phương chia sẻ.
Anh Phương tiết lộ: Năm 2011, anh nuôi 10 heo nái đẻ được 2 lứa 160 con, trong năm xuất chuồng 8 lần được hơn 15 tấn thu vào hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí lời được hơn 260 triệu đồng. Năm 2012, duy trì 12 heo nái đẻ 2 lứa được 190 con, xuất chuồng 8 lần được hơn 18 tấn, thu vào hơn 790 triệu đồng, lời gần 200 triệu đồng.
Năm 2013, xuất 24 tấn thu được gần 1 tỷ đồng, nhưng lời chỉ hơn 47 triệu đồng do heo hơi bị rớt giá. Năm nay, anh để 20 heo nái đẻ con để nuôi hết, ước tính năm nay thu lời hơn nửa tỷ đồng.
Ngoài việc tích cực thi đua sản xuất giỏi, làm giàu, anh Phương còn tham gia các phong trào của Hội Nông dân phát động, tham gia đóng góp tiền, vật chất để xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, anh Phương còn hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ cho trên 30 hội viên chăn nuôi heo.
Năm 2011, anh Nguyễn Nguyễn Vũ Phương được Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long tặng giấy khen “Mô hình nông dân sản xuất giỏi”. Năm 2011, 2012, anh đều được UBND TP Vĩnh Long tặng giấy khen “Phong trào thi đua sản xuất giỏi”. Năm nay, anh được Hội Nông dân TP Vĩnh Long đề nghị Hội Nông dân tỉnh tặng giấy khen “Nông dân xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ông Lê Văn Chánh - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 8 khẳng định: “Mô hình nuôi heo của chú Phương đạt hiệu quả nhất hiện nay trong hội viên Hội Nông dân Phường 8. Với cách làm cho heo nghe nhạc, mô hình chăn nuôi của anh đạt hiệu quả tích cực vì heo ngủ ngon, mau lớn. Câu nói “Ăn no, ngủ kỹ tăng cân mấy hồi” quả là không sai chút nào!”
Có thể bạn quan tâm

Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên những diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hầu hết các địa phương đều có mô hình chuyển đổi thành công, tăng đáng kể giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác, bước đầu hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung, giúp nông dân tăng việc làm và thu nhập...

Nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn đã tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, đoàn kết, khắc phục khó khăn, lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế.

Đến thời điểm này, về cơ bản huyện Thanh Sơn đã thu hoạch xong vụ chiêm xuân và bắt tay vào chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Vụ chiêm xuân năng suất lúa của huyện đạt bình quân khoảng 58 tạ/ha, xấp xỉ năng suất bình quân chung toàn tỉnh. Vụ mùa năm nay, huyện Thanh Sơn có kế hoạch gieo cấy 3.470ha lúa, trong đó có 1.600ha lúa lai. Vụ mùa được tập trung chủ yếu vào 2 trà chính là trà sớm (48% diện tích) và mùa trung (50% diện tích).

Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài khiến đàn gia súc, gia cầm dễ bị nhiễm bệnh và là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh như: Tiêu chảy, phó thương hàn, tụ huyết trùng... phát sinh, lây lan, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Để duy trì và đảm bảo tổng số đàn vật nuôi, huyện Thanh Thủy đã chủ động nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm mùa nắng nóng. Nhờ vậy nhiều năm nay, trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra hay gia súc bị chết vì nắng nóng.

Đến nay Phú Thọ đã thu hoạch được hơn 37 nghìn ha lúa chiêm xuân, đạt 99,5% tổng diện tích gieo cấy, năng suất ước đạt 58,6 tạ/ha; ngô đã thu hoạch gần 5.000ha/5.900ha, năng suất ước đạt 46,6 tạ/ha; lạc đã thu hoạch hơn 3.100ha/ 3.469ha, năng suất ước đạt 18,9 tạ/ha; rau các loại đã thu hoạch hơn 4.000 ha/4.220ha, năng suất ước đạt 135,7 tạ/ha.