Chợ Đồn Tăng Cường Phòng, Chống Rét Cho Cây Trồng, Vật Nuôi

Để bảo vệ cho cây trồng, vật nuôi trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Ban Chỉ đạo phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi huyện Chợ Đồn đã tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra...
Ngay từ trước khi bước mùa đông, Ban Chỉ đạo phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi huyện Chợ Đồn đã tiến hành kiện toàn lại ban chỉ đạo các cấp, xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết, phân công các thành viên ban chỉ đạo, bộ phận giúp việc trực tiếp chỉ đạo tại cơ sở, phối hợp với UBND các xã tại địa bàn được phân công.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp cụ thể phòng, chống rét, dịch bệnh và hướng dẫn cho người dân các biện pháp bảo vệ cây trồng cũng như đàn vật nuôi.
Ngay từ đầu mùa đông năm nay, gia đình ông Vàng Seo Lềnh đã chủ động vào rừng đưa đàn trâu của gia đình về chuồng để thực hiện các biện pháp tránh rét và tiêm phòng cho gia súc.
Để bảo vệ gia súc, gia đình ông Vàng Seo Lềnh ở Lũng Noong (Nam Cường) đã chủ động đưa đàn trâu của gia đình về chuồng để chăm sóc.
Đối với cây trồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc cây trồng vụ đông bằng các biện pháp kỹ thuật như: Bố trí thời vụ hợp lý, chăm sóc, vun xới, tạo mái che, phòng trừ sâu bệnh hại, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt có khả năng chống chịu rét và các thời tiết bất lợi khác, đảm bảo đạt năng xuất và sản lượng cao nhất.
Cụ thể như đối với rau, màu, cây thuốc lá cần áp dụng biện pháp kỹ thuật chăm bón cho cây khỏe để tăng khả năng chống rét; những ngày có sương muối áp dụng biện pháp kỹ thuật tưới rửa sương bằng nước giếng vào buổi sáng sớm, phun thuốc Boóc đô hoặc Oxyclorua để phòng bệnh mốc sương cho cây khoai tây…
Còn đối với vật nuôi, khuyến cáo, chỉ đạo sát sao nhân dân thực hiện che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, đảm bảo chuồng trại kín, khô, ấm, chống được mưa và gió lùa bằng mọi hình thức với các nguồn thức ăn tại chỗ và vật liệu sãn có của địa phương.
Tích cực, chủ động dự trữ toàn bộ rơm khô sau khi thu hoạch lúa mùa để làm nguồn thức ăn cho trâu, bò, cùng với đó tăng cường bảo vệ, chăm sóc diện tích cỏ trồng qua đông; tìm kiếm thêm các loại lá cây rừng, cây chuối để đảm bảo cung cấp thức ăn thô xanh cho trâu, bò trong những ngày giá rét. Ngoài ra, cần bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh như cám, bột ngô, bột sắn… hoặc cháo loãng nóng cho trâu, bò cho uống nước ấm pha thêm muối để tăng khả năng chống rét.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho gia súc và bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, nhằm có đủ năng lượng chống rét, phòng, chống dịch bệnh xâm nhập. Ban chỉ đạo các cấp quyết liệt chỉ đạo đối với các hộ chăn nuôi không được thả rông trâu, bò trong rừng, thường xuyên chăn dắt và chiều tối cần phải đưa trâu, bò về chuồng trại.
Chuồng trại phải che chắn tránh gió lùa, chống rét bằng các tấm phên, liếp hoặc bạt quây quanh chuồng. Nếu không có điều kiện quây toàn bộ chuồng thì quây một góc cho trâu, bò già, bê, nghé non để tiện chăm sóc và sưởi ấm, bổ sung nguồn nhiệt như bóng điện hay đốt lửa sưởi để đảm bảo giữ ấm cho gia súc.
Đồng chí Hà Sỹ Huân– Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo ban chỉ đạo các xã cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề phòng, chống đói, rét cho trâu, bò và chủ động hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên giữ khô nền chuồng, lót ấm để tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.
Đặc biệt chú ý nơi đốt sưởi có khoảng cách nhất định để cho vật nuôi đủ ấm và phải đảm bảo an toàn trong chuồng nuôi (tránh cho vật nuôi bị bỏng, ngạt khói hoặc gây cháy chuồng nuôi).
Trong những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C không được chăn thả gia súc ra ngoài mà phải cho gia súc ăn thức ăn dự trữ tại chuồng. Ngoài ra, các địa phương cử các bộ thú ý chủ động kiểm tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh và hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống rét bảo vệ đàn gia súc.
Có mặt tại thôn Lũng Noong, thuộc xã Nam Cường (Chợ Đồn), chúng tôi ghi nhận việc thực hiện phòng, chống rét cho đàn trâu, bò của đồng bào nơi đây khá tốt.
Toàn thôn hiện có 76 con trâu, bò chủ yếu được đồng bào thực hiện nuôi theo hình thức chăn thả trong rừng và bán chăn thả tại các hộ gia đình… Không đợi chính quyền địa phương các cấp phải nhắc nhở, ngay từ đầu mùa đông năm nay, gia đình ông Vàng Seo Lềnh đã chủ động vào rừng lùa đàn trâu của gia đình về chuồng để thực hiện các biện pháp tránh rét cho gia súc.
Ông Vàng Seo Lềnh cho biết, phòng, chống rét cho trâu, bò mỗi khi mùa đông đến không chỉ là bảo vệ sức kéo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hằng năm, mà còn là bảo vệ khối tài sản lớn vì chăn nuôi trâu, bò cũng là nguồn thu nhập chính trong phát triển kinh tế của đồng bào Mông ở Lũng Noong.
Song song với đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi huyện Chợ Đồn cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống rét đối với các diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn. Thường xuyên hướng dẫn người dân cần chủ động nguồn nước, thực hiện che chắn kín gió, nếu ao không đảm bảo độ sâu phải đào chuôm, sau đó tiến hành cải tạo và đưa cá về nuôi chăm sóc.
Khuyến cáo người dân phải cho ăn đủ chất dinh dưỡng hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao, bổ sung vitamin C vào khẩu phần ăn để các loại cá có đủ sức đề kháng bệnh tật cũng như khả năng chống chịu rét (nhất là cá rô phi và cá chim trắng). Bên cạnh đó, thả bèo từ 1/2 - 1/3 ao về phía Bắc để tránh gió, dùng những sọt rơm, rạ tránh rét để cho cá trú đông. Khi thời tiết rét đậm, cần làm giàn che kín mặt ao bằng bạt, nilon hoặc lá có để tránh gió lùa, không khí lạnh làm giảm nhiệt độ trong ao nhằm tăng khả năng giữ nhiệt…
Với việc tích cực tuyên truyền, vận động và triển khai các biện pháp cụ thể trong công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi của các cấp, ngành chức năng và sự vào cuộc của người dân trên địa bàn huyện Chợ Đồn, sẽ hạn chế thấp nhất những thiệt hại về cây trồng, gia súc trong mùa đông năm nay.
Nguồn bài viết: http://baobackan.org.vn/channel/1121/201412/cho-don-tang-cuong-phong-chong-ret-cho-cay-trong-vat-nuoi-2358095/
Có thể bạn quan tâm

Đến nay, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã đạt gần 7.800 tấn, vượt 3,7% so với kế hoạch, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt trên 7.600 tấn, còn lại là thủy sản khai thác. Cũng trong năm nay, toàn tỉnh đã sản xuất được 500 triệu con cá giống, cá bột; triển khai nhiều mô hình khuyến ngư hiệu quả như nuôi cá Diêu Hồng trong lồng, nuôi cá thâm canh trong ao sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi cá hồ chứa nhỏ…

Đến nay, các đơn vị đã xây dựng được 22 nguồn giống cây lâm nghiệp, trong đó: 7 lâm phần tuyển chọn sến mật, vẹt, trang, đước, thông Cariber... với diện tích 463,7 ha; 9 rừng giống chuyển hóa thông nhựa, lát hoa, lim xanh, mỡ, trám trắng, keo tai tượng, diện tích 87,27 ha; 1 rừng giống keo tai tượng, diện tích 10 ha; 2 vườn cung cấp hom phi lao dòng TT2.6, TT2.7, diện tích 0,9 ha... Hàng năm, thu hái hơn 4.000 kg hạt giống đưa vào sản xuất gieo ươm.

Theo anh Trần Văn Phi, có được thành công này là nhờ cách nghĩ, cách làm và kinh nghiệm đúc rút được sau nhiều năm anh làm thuê cho các công ty nước ngoài ở Lâm Đồng. Anh Phi kể năm 1993, anh xin làm công nhân cho một công ty Đài Loan chuyên trồng, sản xuất chè chất lượng cao.

Từ đầu năm đến nay nhiều tổ chức cá nhân tại Hà Tĩnh đã mạnh dạn, đầu tư chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh, cải tiến sang nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát và trong ao đất lót bạt, vỗ bờ nhằm phát huy hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước và tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, nhà vườn trồng bưởi để bán trái vào dịp Tết Nguyên đán ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) đang thất vọng vì mất mùa. Sau một năm đầu tư chăm sóc, người trồng bưởi kỳ vọng cho thu nhập cao, có điều kiện chăm chút cho ngày Tết đủ đầy hơn nhưng giờ chỉ mong không bị thua lỗ...