Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chợ cá trong mưa bão

Chợ cá trong mưa bão
Ngày đăng: 16/09/2015

* Chạy bão… bán cá

Mưa như trút nước. Cảng cá Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi) mịt mù. Mây đen kéo về dày đặc. Những chiếc xe đông lạnh vẫn ùn ùn vào cảng. Ngư dân vẫn kiên nhẫn mặc áo mưa đứng đón xe vào mua cá.

Cụ Phạm Tổng, nhà thôn Đông Hòa (sát cảng cá Tịnh Hòa) nghe tiếng xe ô tô tải ra vào cảng mua cá ầm ì suốt hai hôm nay lấy làm ngạc nhiên lắm. Cụ Tổng bảo: “Hiếm thấy cảnh tấp nập như thế này ở cảng cá Tịnh Hòa. Có lẽ tàu nào về đây trú bão cũng có cá để bán nên mới vậy”.

Chúng tôi cũng đội mưa ra “chợ cá” ở cảng Tịnh Hòa. Cảnh tấp nập, vội vã chuyển cá từ tàu lên bờ, từ bờ lên cân, rồi lên xe. Cứ thế không ngớt. Tiếng chào mời, ngã giá bị lạc đi bởi những cơn gió mạnh thồi ào ào từ biển khơi vào.

Tôi hỏi chị Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Khê Xuân, xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi) xuống đây mua cá về chợ bán lại về việc mua – bán cá ở ngay chân sóng này. Chị Hằng bảo: “Bão nên giá bán cá rẻ hơn bình thường. Ai cũng bán mà lại ít người đến mua nên mình tha hồ lựa chọn, trả giá”. Nghe thế thầm trách chị Hằng “nói ngược” chứ bão sao cá biển lại rẻ được! Đến khi đóng vai một người đi mua cá thì mới vỡ lẽ: Cá bán chạy bão giá rẻ thật!

Cá phèn đổng thường ngày 140.000 đồng – 180.000 đồng/kg nhưng hôm nay chỉ khoảng 100.000 đồng/kg. Tôm biển loại 20 con/kg giá 150.000 đồng. Cá bạc má, cá ngân, cá bùa giá giao động ở mức 40.000 đồng – 60.000 đồng/kg tùy thuộc vào con lớn hay nhỏ, cá cũ hay cá mới vừa đánh bắt.

Chỉ đứng nơi bến cá chừng gần 1 giờ tôi đã được hàng chục chủ tàu đến bảo tôi xuống tàu xem cá, chốt giá họ bán cho kẻo chiều tối nay bão vào rồi. Ngư dân Nguyễn Tấn Hùng tàu cá QNg 98571 TS vừa cột dây neo tàu, vừa nói vọng lên bờ: “Tàu tôi vừa vào, được khoảng 2 tấn cá đủ loại. Chị xuống tàu xem, có cân được không thì chúng tôi bán giá rẻ cho”.

Chạy bão đã mệt nhoài, các ngư dân còn phải hối hả bán cá cho kịp, để giải phóng phần nào trọng tải trên tàu, cho tàu an toàn hơn khi neo đậu trú bão. Vậy nên, tàu vào đến bờ là bán cá, dù là cá nhiều hay ít. Chính vì thế lượng cá tiêu thụ quá lớn khiến nhiều thương lái không chuẩn bị kịp phương tiện, nhân công để mua và vận chuyển cá đi tiêu thụ.

* Cảnh báo những “cơn bão” bờ

Lượng cá vào cảng Tịnh Hòa chủ yếu là cá phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. Cá được vớt từ tàu lên đổ vào từng túi nilong lớn, chất lên bàn cân. Xe tải ghé sát thành thùng để nhập cá, đóng đá tiếp tục vận chuyển đi về các cơ sở, nhà máy thu mua. Chị Nguyễn Thị Chay, ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định khi nghe tin chồng sẽ đưa tàu cá về Tịnh Kỳ tránh bão, chị đã lặn lội ra đây để hỗ trợ chồng bán cá.

Xe tải vào thu mua cá

Sau 10 ngày đánh bắt ở vùng biển cách Lý Sơn 70 hải lý, tàu cá của gia đình chị Chay thu được 7 tấn cá các loại. Cá to, ngon bán giá khoảng 30.000 đồng/kg. Cá bé dùng làm thức ăn chăn nuôi giá chỉ có giá 5.000 đồng đến 6.500 đồng/kg. Tính tổng cộng số tiền thu được khoảng 240 triệu đồng, vừa đủ tiền dầu, đá lạnh, trả tiền công cho lao động, ăn uống.

Chị Chay nói với chúng tôi: Giá mà bão đừng về thì đánh bắt ít ngày nữa rồi về Bình Định bán cá với giá cao hơn. Bán cá khi có bão thế này thì giảm mất gần một nửa so với khi không có bão.

Ở cảng cá Sa Kỳ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cảnh mua bán cá cũng tấp nập không kém. Nhưng tàu vào đây bán cá chủ yếu là cá xuất khẩu, giá bán tương đối ổn định so với ngày thường. Tuy thế, cùng một lúc hàng ngàn tàu cá cùng vào tránh bão, cùng bán cá thì lẽ dĩ nhiên việc mua bán ít nhiều đều xảy ra lộn xộn.

Những tàu cá là mối mang thì được ưu tiên bán trước, giá cả không đột biến nhiều. Thế nhưng tàu cá ở nơi khác dạt về trú bão có nhu cầu bán cá thì giá bán thấp hơn.

Giá cá thấp nhưng giá mọi chi phí khác vào lúc này tại nơi tàu thuyền vào tránh trú bão đều có biến động tăng nhẹ. Những ngư dân địa phương khác không thể về nhà mình tá túc trong những ngày có bão là người khổ nhất.

Mức tăng so với ngày thường dù chỉ vài ngàn đồng đối với ly cà phê, năm bảy nghìn đồng một dĩa cơm, vài chục nghìn một bộ quần áo… cũng đủ trở thành “bão” đối với những ngư dân đang trong hành trình trốn bão trên biển.

Sự chia ngọt, sẻ bùi trong lúc này của các tiểu thương và những người kinh doanh ăn uống, dịch vụ giải khát, chỗ trọ quanh những nơi neo đậu tàu thuyền là điều cần thiết, mang tính nhân văn, tình người trong bão lũ, thiên tai.


Có thể bạn quan tâm

Đến Năm 2020, Mở Rộng Vùng Muối Sông Cầu Lên 220ha Đến Năm 2020, Mở Rộng Vùng Muối Sông Cầu Lên 220ha

UBND tỉnh vừa phê duyệt Quy hoạch sản xuất, chế biến và lưu thông muối tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

04/04/2014
Thả Nuôi 1,4 Tấn Sò Huyết Giống Bến Tre Tại Đầm Ô Loan Thả Nuôi 1,4 Tấn Sò Huyết Giống Bến Tre Tại Đầm Ô Loan

Đây là 1 trong 3 mô hình nằm trong dự án CRSD được thực hiện trên địa bàn huyện này nhằm góp phần tái tạo nguồn sò huyết đặc sản đã bị khai thác cạn kiệt ở đầm Ô Loan.

04/04/2014
Giống Lúa Nhật Bản Trổ Đòng Trên Đất Phú Giống Lúa Nhật Bản Trổ Đòng Trên Đất Phú

Giống lúa ĐS1, Akita Komachi và Hananomai có nguồn gốc từ Nhật Bản trồng trên cánh đồng của huyện Tây Hòa, Đông Hòa và miền núi Sông Hinh. Đây là vụ đầu tiên đưa vào sản xuất mô hình lúa giống chất lượng tốt, qua đó tuyển chọn giống phù hợp để triển khai sản xuất đại trà nhằm xây dựng thương hiệu cánh đồng lúa Tuy Hòa chất lượng cao.

04/04/2014
Thuận Nam Tạm Ngưng Xuống Giống Vụ Hè-Thu Thuận Nam Tạm Ngưng Xuống Giống Vụ Hè-Thu

Theo dự báo năm nay, tình hình khô hạn sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân huyện Thuận Nam tạm ngưng sản xuất vụ hè-thu năm 2014.

04/04/2014
Thuận Bắc Tiêm Phòng Vac-Xin Cúm Gia Cầm Thuận Bắc Tiêm Phòng Vac-Xin Cúm Gia Cầm

Đến nay, Trạm Thú y huyện đã tổ chức phun hóa chất khử trùng và tiêm phòng được 28 ngàn liều vac-xin phòng cúm gia cầm chủng H5N1 Re-6. Dự kiến đến ngày 30-3, Trạm Thú y huyện hoàn thành việc tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm.

04/04/2014