Cho Cá Tra Ăn Gián Đoạn Để Giảm Chi Phí

Cá tra Việt Nam vừa tăng lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thủy sản yêu thích tại Mỹ nhưng người nuôi cá chưa hết lao đao. Phương pháp cho ăn gián đoạn đang được khuyến cáo để giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này...
Nông dân “thả nuôi cầm ao”
Theo ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thuận Phước, dù lượng xuất khẩu mặt hàng thủy sản 9 tháng đầu năm đạt mức 4,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ nhưng giá xuất khẩu liên tục giảm khiến lợi nhuận của DN cũng giảm theo. Ngoài ra, tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến khiến nhiều DN phải hoạt động cầm chừng hoặc phá sản. “Nếu như trước đây, mỗi ngày Thuận Phước có thể thu mua được từ 50 – 70 tấn nguyên liệu thì nay số lượng này chỉ còn 5 – 7 tấn/ngày” - ông Lĩnh cho biết.
Trong khi đó, tại ĐBSCL, ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Thới An (quận Ô Môn, Cần Thơ) cũng cho biết, dù nguồn nguyên liệu trong nước thiếu hụt trầm trọng nhưng người nuôi cá nhiều nơi vẫn phải chịu cảnh treo ao do hết vốn, giá thức ăn thủy sản tăng, giá cá nguyên liệu thấp, dẫn tới thua lỗ triền miên. “Tại HTX Thới An, sản lượng cá hiện cũng chỉ còn khoảng 2.000 tấn, giảm hơn một nửa so với hồi đầu năm” - ông Hải cho biết.
Tình trạng treo ao cũng diễn ra tại các vùng nguyên liệu của nhiều DN. Diện tích thả nuôi của một số DN vốn rất sầm uất trước đây giờ cũng chỉ “thả nuôi cầm ao” như lời ông Trần Văn Lĩnh – Công ty Thuận Phước.
Đẩy mạnh phương pháp giảm giá thành
Trước tình trạng nghề nuôi cá tra chết dần tại ĐBSCL, nhiều biện pháp giảm giá thành sản xuất đã được bà con áp dụng thành công nhằm duy trì hoạt động nuôi cá.
“Hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) trong các mô hình nuôi cá tra hiện nay dao động từ 1,6 - 1,85, chi phí thức ăn cũng chiếm từ 70 – 80,5% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Nếu người nuôi thực hiện một ngày cho cá ăn, một ngày nghỉ sẽ vừa tiết kiệm thức ăn mà cá vẫn tăng trưởng tốt” - ông Hải giới thiệu. Theo ông Hải, lượng thức ăn cá ăn trong một ngày sẽ không tiêu thụ, hấp thu hết. Nếu tiếp tục thả thức ăn xuống hồ, cá sẽ thải ra ngoài lượng thức ăn cũ trong ruột để hấp thu lượng thức ăn mới, dẫn tới lãng phí. Với phương pháp này, hệ số tiêu tốn thức ăn giảm còn 1,45 - 1,5 kg thức ăn/kg cá.
Hay tại Vĩnh Long, Ths Nguyễn Thị Thu Hồng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long cho biết, phương pháp cho cá ăn 7 ngày rồi ngừng 2 ngày đang được nhiều bà con tại đây áp dụng cũng giúp hạn chế lượng lớn thức ăn trong nuôi cá tra.
“Sau 7 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống của ao cho ăn liên tục là 66,2% và ao cho ăn 7 ngày ngừng 2 ngày là 74,23%. Chi phí sử dụng thuốc và hóa chất ở phương pháp mới này cũng giảm đáng kể” - Ths Hồng giải thích.
“Gần 50% số diện tích nuôi cá tra tại Vĩnh Long hiện đã áp dụng phương pháp nuôi cá cho ăn gián đoạn này và cho kết quả rất tốt” - Ths Hồng phấn khởi.
“Cá nuôi theo phương pháp cho ăn 7 ngày rồi ngừng 2 ngày đạt mức tăng trưởng 749 g/con và tăng trọng 3,68 g/con/ngày, đây cũng là tốc độ tăng trưởng, tăng trọng lớn vượt bậc so với phương pháp nuôi truyền thống” - Ths Nguyễn Thị Thu Hồng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long.
Có thể bạn quan tâm

Bằng nguồn vốn hỗ trợ vay từ Hội Nông dân xã, đến nay một số mô hình nuôi hươu lấy nhung thí điểm được thực hiện tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1-4, góp phần giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và tái tạo, duy trì nguồn lợi thủy sản cho môi trường tự nhiên, Chi cục Thủy sản Vĩnh Long đã thả 80.000 con cá giống các loại ra các sông ngòi, kênh rạch thuộc xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh), trong đó 40.000 con từ nguồn cá giống vận động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh.

Với phương châm đa dạng hóa các nguồn huy động để đảm bảo vốn đầu tư làm NTM, Hòa Vang đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tổ chức trong và ngoài thành phố...

Trong thời gian vừa qua, một số người dân ở TP Bảo Lộc nuôi chim yến. Và gần đây, ở xã Lộc Thành (Bảo Lâm - Lâm Đồng) cũng có người đã mạnh dạn bỏ tiền tỷ ra xây nhà để “dụ” chim yến về làm tổ.

Nếu như ở nhiều nơi để thu hút thiên địch, nông dân thường áp dụng trồng hoa trên bờ mẫu, thì một số nông dân thuộc tổ hợp tác sản xuất ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy tận dụng đất bờ bao để trồng dưa hấu vừa có lợi về môi trường, vừa cho hiệu quả về kinh tế.