Chỉnh trang nông thôn để xây dựng nông thôn mới

Đến nay, mặc dù xã mới đạt 10/19 tiêu chí NTM, nhưng từ phong trào chỉnh trang nông thôn, diện mạo NTM đang hiện hữu ở Hải Xuân.
Về Hải Xuân bây giờ, ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là nhà cửa, hàng rào, cổng được sửa sang, xây dựng mới khang trang; đường làng, ngõ xóm mở rộng phong quang, sạch đẹp, lung linh ánh điện về đêm. Thực hiện chủ đề “Chỉnh trang nông thôn”, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt trong hệ thống chính trị và triển khai đến toàn dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người dân cùng với Đảng bộ, chính quyền chung tay xây dựng NTM.
Anh Lê Đình Trung, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Hải Xuân cho biết: “Nét mới ở Hải Xuân là đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM, nhờ đó thuận lợi để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã có nhiều cách làm hay vận động các tầng lớp nhân dân tham gia chỉnh trang nông thôn, xây dựng NTM. Sau khi có kế hoạch “Chỉnh trang nông thôn”,
Mặt trận xã đã xây dựng kế hoạch và tổ chức ký giao ước thi đua với các khu dân cư đẩy mạnh và nâng cao chất lượng 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào “Hải Lăng chung sức xây dựng nông thôn mới”; tổ chức khảo sát nhà ở tạm bợ, dột nát của hộ nghèo để có kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết từ nguồn quỹ “Vì người nghèo”. Các cấp hội, đoàn thể xã vận động hội viên, đoàn viên triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, tham gia hiến đất, hiến công phát quang, mở rộng đường giao thông, thắp sáng đường quê, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế...”.
Việc chỉnh trang nông thôn được triển khai sâu rộng, nhân dân tích cực hưởng ứng, đã đóng góp 1,267 tỷ đồng; hiến 1.550 m2 đất ở để mở 9 tuyến đường giao thông nông thôn dài 1,277 km và 3.633 m2 đất lúa mở 6 tuyến tuyến đường giao thông nội đồng dài 2,583 km cùng hàng ngàn ngày công để mở rộng đường giao thông. Người dân cũng tình nguyện đóng góp xây dựng 32 tuyến điện thắp sáng đường quê, dài 10,65 km; 110 hộ chỉnh trang hàng rào, cổng; 112 hộ sửa sang nhà ở, 60 hộ cải tạo chuồng trại chăn nuôi, hiện nay đang phát động mỗi thôn có một xóm làm điểm về chỉnh trang hàng rào cây xanh.
Thực tiễn việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khơi dậy sức dân để “Chỉnh trang nông thôn” trở thành khâu đột phá làm cho diện mạo NTM ngày càng phát triển khởi sắc, là nền tảng vững chắc để thực hiện thành công nhiều tiêu chí xây dựng NTM. Trước đây, các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Hải Xuân phần lớn còn nhỏ hẹp nên việc phát quang, mở rộng đường giao thông là điều kiện cần thiết để đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng NTM, đồng thời phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Từ chủ trương hợp với lòng dân, bên cạnh việc hiến đất mở rộng các tuyến đường giao thông đạt chuẩn theo quy định NTM, nhân dân còn đóng góp tiền của bê tông hóa 67% đường trục xã, 75% đường trục thôn, 72% đường trục xóm và bê tông hóa 43% kênh mương nội đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại phục vụ sản xuất và đời sống. Phong trào thắp sáng đường quê được nhân dân hưởng ứng tích cực không chỉ thực hiện tiêu chí điện nông thôn mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn...
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân tham gia chỉnh trang nông thôn, đến nay phong trào xây dựng NTM ở xã Hải Xuân đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đây là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Xuân tiếp tục phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM còn lại, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đưa nông thôn Hải Xuân phát triển văn minh, giàu đẹp.
Có thể bạn quan tâm

Chị Lê Kim Phụng, ngụ ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành là một trong những người theo nghề nuôi cút đầu tiên ở xã. Sau 7 năm gầy dựng thành đàn và mở rộng quy mô, cộng với học tập từ những điểm sản xuất giống và các lớp kỹ thuật của Hội Nông dân tổ chức, đến nay, chị đã làm chủ trại cút trên 100 chuồng với 16.000 con, đem lại nguồn thu nhập hàng tháng hơn 15 triệu đồng.

Mấy ngày nay, vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu tôm bị chết hàng loạt. Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, có khả năng nguyên nhân gây ra tình trạng trên là vì ảnh hưởng bởi thủy triều đỏ

Bạc Liêu đã triển khai thí điểm bảo hiểm (BH) trên tôm nuôi tại 3 huyện, thành phố. Tuy nhiên, loại hình BH mới này thật sự chưa được người nuôi tôm và cả doanh nghiệp (DN) mặn mà. Nguyên nhân chính là sản xuất nhỏ lẻ và những rủi ro vốn dĩ quá phức tạp của “nghề bà cậu” này...

Hàng nghìn hộ dân ở 9 xã thuộc huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đang lao đao vì Công ty TNHH Phát triển công nghệ cao Phương Lam, địa chỉ quốc lộ 37A, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương thu mua hàng nghìn tấn khoai tây vụ đông xuân gần 4 tháng nay chưa thanh toán tiền trả cho nhân dân.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng vừa phê duyệt kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm “Cánh đồng mẫu lớn” trong vụ mùa 2012 ở 3 địa điểm gồm: xã Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên), xã Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng) và xã Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo).