CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THEO NGHỊ ĐỊNH 41/2010/NĐ-CP Ngân hàng ngại đầu tư

Ưu tiên nguồn vốn đầu tư
Ngày 23.10.2015, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam công bố dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua là 28,89%, chiếm gần 30% tổng dư nợ nền kinh tế địa phương.
Nếu như năm 2010, dư nợ cho vay lĩnh vực này chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng, doanh số cho vay hơn 4.800 tỷ đồng với 73.000 lượt khách hàng vay vốn thì đến cuối năm 2014 dư nợ đã đạt hơn 8.300 tỷ đồng, doanh số cho vay hơn 35.000 tỷ đồng với hơn 4,2 triệu lượt khách hàng vay vốn.
Hiện dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn khoảng 8.823 tỷ đồng, chiếm 30,32%/tổng dư nợ, tăng 5,32% so với cuối năm 2014, tăng gấp 2,32 lần mức dư nợ tại thời điểm trước khi ban hành Nghị định 41 với hơn 197 nghìn lượt hộ nông dân và 538 doanh nghiệp, hợp tác xã còn dư nợ.
Ngoài cho vay về chi phí sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp (47,09%), vốn giá rẻ đưa về thị trường nông thôn còn mở rộng cho vay đến sản xuất công nghiệp (trừ thủy điện và công nghiệp nặng), thương mại dịch vụ nông nghiệp tại nông thôn (27,23%), cho vay phát triển ngành nghề nông thôn (1,37%).
Tỷ trọng cho vay phân bổ gần như đồng đều giữa hộ gia đình, hộ kinh doanh (34,98%), cá nhân (33,43%) và cho vay doanh nghiệp, các đối tượng khác (31,59%).
Các hợp tác xã nông nghiệp, kể cả nông dân rất cần nguồn vốn vay để đầu tư máy móc, cơ giới hóa nông nghiệp.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Nam, nếu so với tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành ngân hàng cả nước đưa vốn về nông nghiệp, nông thôn bình quân 25%/năm, chiếm 19%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao (28,89%) cho thấy nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng Quảng Nam trong việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào khu vực này.
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói, nguồn vốn này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Nâng cao trình độ phát triển sản xuất, hình thành các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Theo ông Hổ, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã và đang trở thành một trong những nhiệm vụ quan trong hàng đầu của ngành ngân hàng.
Việc xã hội hóa công tác cho vay, sự liên kết, giúp đỡ nhau sản xuất trong khuôn khổ của các hội, đoàn thể ở địa phương gắn liền với việc cho vay của các tổ chức tín dụng đã góp phần làm cho đồng vốn sử dụng hiệu quả hơn, đẩy lùi cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Nhiều ngân hàng chưa mặn mà
Nghị định 41/2010/NĐ-CP đã được thực tiễn chứng minh là kênh hiệu quả đưa vốn về nông nghiệp, nông thôn.
Ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam nói, Nghị định 41 là cơ chế quan trọng, một hành lang pháp lý để ngân hàng mở rộng tín dụng hướng về nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều ngân hàng cho việc đưa vốn vào thị trường này đầy rủi ro, nhưng thực tế, nợ xấu từ khu vực này lại thấp hơn nợ xấu chung của ngân hàng.
Agribank sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới giao dịch tập trung vào nông nghiệp, nông thôn; không để bất cứ dự án, khách hàng nào thiếu vốn đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, nhu cầu về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn hiện rất lớn.
Các vướng mắc rào cản về tín dụng ở lĩnh vực này đã được Chính phủ và các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ bằng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn tất thủ tục cấp giấy quyền sử dụng đất cho dân; các ngân hàng cần tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ để người dân thụ hưởng hiểu rõ.
Ngân hàng cần tập trung vốn, đẩy mạnh tín dụng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Nếu ngân hàng cứ ngại rủi ro, lợi nhuận ít, không đưa vốn về khu vực này thì chính sách tín dụng và mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ khó đạt được hiệu quả.
Về lý thuyết, nghị định 41 ra đời là cơ sở pháp lý để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng giá rẻ, nhưng thực tế lại khác xa.
Hiện tại chỉ Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam với mạng lưới cho vay rộng khắp chiếm gần 81%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Phần ít ỏi còn lại là của các ngân hàng thương mại khác và các quỹ tín dụng nhân dân dù chuẩn cấp tín dụng tối thiểu cho lĩnh vực này khoảng 20%/tổng dư nợ của từng ngân hàng.
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đôc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đưa ra 3 lý do khiến nguồn vốn này vẫn chưa thể khơi thông mạnh vào nông nghiệp, nông thôn.
Đó là việc đầu tư tín dụng này thực chất vẫn là cơ chế tín dụng thông thường.
Chỉ ưu đãi về số tiền vay, không có tài sản đảm bảo, thủ tục hồ sơ, lãi suất.
Khách hàng muốn vay vốn theo nghị định 41 vẫn phải đáp ứng các điều kiện cho vay thông thường của các tổ chức tín dụng như có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; có khả năng trả nợ, có hóa đơn chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn vay…
Những khách hàng thực sự sản xuất nông nghiệp cư trú ở thị trấn, ven thành phố, không có tài sản thế chấp sẽ không được vay vốn giá rẻ.
Vì vậy, dù hồ sơ, dự án tốt nhưng không thuộc đối tượng quy định tại Nghị định 41 thì người vay bắt buộc phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn.
Cơ chế bảo đảm tiền vay không có tài sản đảm bảo phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có tranh chấp.
Tuy nhiên việc xác nhận đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp của chính quyền nhiều địa phương chưa được theo dõi chặt chẽ, dẫn đến tình trạng giấy xác nhận được cấp nhiều bản, ảnh hưởng đến việc theo dõi nợ vay của ngân hàng cũng như khả năng trả nợ…
Việc định hướng, quy hoạch, kế hoạch trong sản xuất nông nghiệp thiếu sự liên kết; sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân cũng như chất lượng tín dụng đầu tư của ngân hàng…
Có thể đó cũng là những nguyên nhân cản trở dòng chảy tín dụng.
Song một điều dường như ai cũng dễ dàng hiểu hầu hết ngân hàng “ngại” đưa vốn về khu vực này bởi lượng vốn huy động vùng nông thôn hạn chế, chi phí huy động cao, đầu tư món vay lại nhỏ lẻ.
Đó là chưa kể các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi hộ vay vốn phát sinh nợ quá hạn, việc xử lý tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn với đất để thu hồi nợ khó thực hiện.
Bởi nhà và đất nông thôn rất khó mua bán, chuyển nhượng, nhất là những trường hợp chỉ có giấy chứng nhận tạm thời.
Có thể bạn quan tâm

Trong năm 2014, nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn của cá nhân, ngư dân ở các xã vùng ven biển ở huyện Hoài Nhơn đã đầu tư đóng mới 140 tàu cá có công suất lớn; nâng tổng số tàu cá toàn huyện có đến nay 2.367 chiếc, với tổng công suất trên 653.200 CV; trong đó, tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên, đủ điều kiện vươn khơi đánh bắt xa bờ chiếm trên 72% trong tổng số tàu cá hiện có.

Đây là phương pháp mới lần đầu tiên được áp dụng tại tỉnh ta. Việc sử dụng máy phun mưa nhân tạo đã giảm tỷ lệ cá chết do thiếu ô xy, nâng cao mật độ thả cá trên một diện tích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Việc nuôi chim bồ câu Pháp của anh Hồng bắt đầu từ năm 2012. Sau khi tình cờ đọc được mô hình nuôi bồ câu Pháp trên một tờ báo, nhận thấy đây là một mô hình mới, có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện của địa phương, anh quyết định vào Quảng Nam mua 30 cặp giống về nuôi thử, mỗi cặp giá 450 nghìn đồng.

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi động vật hoang dã của người dân có chiều hướng phát triển. Cùng với các hộ nuôi lợn rừng, nhím, chồn hương, chim trĩ… anh Nguyễn Hữu Khởi ở thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn (Tiên Du - Bắc Ninh) lại chọn cho mình một vật nuôi khác, đó là chim công. Bước đầu mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, nhờ chương trình hỗ trợ vốn của Nhà nước, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) có điều kiện phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình thâm canh bò thịt chất lượng cao được Trạm Khuyến nông (KN) huyện Vĩnh Thạnh triển khai trong năm 2014 tại xã Vĩnh Thịnh là một điển hình.