Chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, mở rộng đối tượng, tăng mức vay

Tuy nhiên, so với yêu cầu của tình hình mới, chính sách này cần phải tiếp tục mở rộng, thay thế bởi những quy định mới tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với đối tượng mở rộng, hạn mức vay tăng và điều kiện vay cũng dễ dàng hơn trước.
Từ tiền đề “41”...
Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 ban hành ngày 12.4.2010 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời tạo điều kiện cho hộ gia đình ở nông thôn vay vốn không phải thế chấp tài sản đầu tư phát triển kinh doanh, cải thiện đời sống.
Sau 5 năm thực hiện, toàn tỉnh đã huy động hơn 6.200 tỷ đồng, trong đó vốn huy động trong dân cư khoảng 5.400 tỷ.
Với phương châm “Đi vay để cho vay”, Agribank Quảng Ngãi đã huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, kể cả khoản tiền nhỏ lẻ trong dân ở vùng sâu, vùng xa để có thêm nguồn cho vay. Tính đến hết tháng 8.2015, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh hơn 4.300 tỷ đồng, tăng gần 1.600 tỷ đồng so với năm 2010.
Trong đó, cho vay chi phí sản xuất nông-lâm-ngư- diêm nghiệp chiếm hơn 2.800 tỷ đồng. Điều đáng nói là dư nợ xấu trong cho vay theo Nghị định 41 chỉ chiếm 1%.
Tàu vỏ thép đầu tiên QNg 95868 TS của ông Nguyễn Hữu Ngọt, xã Bình Chánh (Bình Sơn) được Agribank Quảng Ngãi giải ngân cho vay đóng theo Nghị định 67.
Đánh giá về những kết quả mà Nghị định 41 mang lại, ông Nguyễn Thiên Phiến – Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: “Chính sách tín dụng theo Nghị định 41 ra đời đã tạo cơ chế đồng bộ giữa chính sách tín dụng và chính sách khác đối với nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo sự phát triển bền vững cho lĩnh vực này.
Đồng thời, Nghị định 41 đã tháo gỡ ách tắc trong vay vốn đối với các thành phần kinh tế, tiếp cận thị trường nông thôn rộng lớn với mức cho vay không đảm bảo bằng tài sản. Từ đó chuyển tải được khối lượng lớn tín dụng đến thị trường nông thôn”.
Hiệu quả của đồng vốn mà Nghị định 41 mang lại là sự ra đời của nhiều nhà máy sản xuất, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho dân cư vùng nông thôn. Đặc biệt là giảm được tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng dân cư nông thôn, góp phần đáng kể ổn định trật tự xã hội. ...
đến đột phá “55”
Những quy định tại Nghị định 41 trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số điểm không còn phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP thay thế. Ngày 1.8.2015, Nghị định 55 chính thức có hiệu lực thi hành.
Ông Nguyễn Thiên Phiến – Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: Nghị định 55 bổ sung, mở rộng đối tượng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình cư trú trong và ngoài địa bàn nông thôn, nhưng tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Phiến ví dụ: “Cán bộ, công chức nếu ở địa bàn nông thôn hoặc không phải ở địa bàn nông thôn, nhưng vay để đầu tư nông nghiệp đều được xem xét cho vay theo Nghị định 55 với mức vay cao, lãi suất ưu đãi”. Mức vay quy định tại Nghị định 55 được tăng lên từ 1,5 đến 2 lần so với Nghị định 41 và tối thiểu 50 triệu đồng, tối đa đến 3 tỷ đồng mà không cần thế chấp tài sản.
Trong đó, cá nhân, hộ gia đình vay đầu tư sản xuất nông nghiệp được vay tới 100 triệu đồng (trước đây tối đa 50 triệu đồng).
Ngoài ra còn cho vay không đảm bảo tài sản đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như trồng cây công nghiệp (200 triệu đồng), nuôi trồng thủy sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá (500 triệu đồng). Chủ trang trại được vay đến 1 tỷ đồng. Lãi suất ưu đãi từ 7 - 9%/năm (tùy theo thời gian vay).
Hiện nay, Agribank Quảng Ngãi đang tích cực phối hợp với Hội Nông dân, Phụ nữ tăng trưởng dư nợ trong hội viên. Trong đó Hội Nông dân tăng dư nợ thường niên 120 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2020 dư nợ đạt 1.500 tỷ đồng. Hội phụ nữ tăng dư nợ hằng năm tối thiểu 60 tỷ, dự kiến đến năm 2020 dư nợ đạt 500 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Vào vụ thứ 5 thực hiện “1 phải, 6 giảm” (áp dụng “1 phải, 5 giảm” kết hợp giảm phát thải khí nhà kính) trên ruộng nếp, nông dân ấp Phú Thượng, xã Phú Thành (Phú Tân - An Giang) đã thực sự vững tâm và hoàn toàn tin tưởng kết quả mô hình đem lại.

Manh nha từ các vụ sản xuất trước, khi giá lúa có sự bấp bênh thì nhiều nông dân chọn một loại cây trồng khác với hi vọng cải thiện được thu nhập từ chính mảnh ruộng của mình. Nếp là cây trồng mà nhiều nông dân hướng đến. Trong vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 8.500ha đất trồng nếp, tăng gần 3.000ha so với vụ trước.

Sầu riêng Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có tiếng khắp cả nước bởi đặc sản này đưa ra thị trường trái với mùa sầu riêng của cả nước, cùng với hương vị khác biệt. Năm nay, nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến thương hiệu này. Không chỉ các vùng sản xuất lúa, các hoa màu ngắn ngày mà cả những vườn cây ăn trái lâu năm ở các tỉnh miền Trung cũng không thoát khỏi đợt nắng hạn.

Một tuần trở lại đây, giá dưa bất ngờ tăng mạnh từ 5.000-10.000 đồng/kg, nhưng thật tréo ngoe khi có rất ít hộ trồng dưa thu hoạch vào đúng thời điểm này.

Từ cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, giá sò huyết tại bãi liên tục tăng, loại 80 con/kg có giá hơn 60.000 đồng/kg. Người nuôi sò phấn khởi nhưng nhìn lại thì “có kẻ cười, người khóc” - ông Nguyễn Văn Trung ở ấp Thạnh Lộc, xã Bảo Thạnh (Ba Tri) cho biết.