Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chính Sách Tín Dụng Mới Phục Vụ Phát Triển Nông Nghiệp, Nông Thôn

Chính Sách Tín Dụng Mới Phục Vụ Phát Triển Nông Nghiệp, Nông Thôn
Ngày đăng: 15/10/2014

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, sau gần 4 năm triển khai, Nghị định 41 đã thực sự đi vào cuộc sống và đóng góp không nhỏ vào việc đẩy mạnh tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua.

Qua kết quả sơ kết triển khai thực hiện Nghị định 41, đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn 2010-2013 đã tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp nông thôn.

Đến cuối năm 2013, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng (chưa bao gồm Ngân hàng Chính sách Xã hội) đã đạt 671.986 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cuối năm 2012. Nếu so với cuối năm 2009 (năm trước khi có Nghị định 41) thì dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đã tăng gấp 2,29 lần.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, một số quy định trong Nghị định 41 đã không còn phù hợp. Cụ thể, do tác động của việc đô thị hóa nên người dân ở thị trấn, các phường thuộc thị xã, thành phố vẫn sản xuất nông nghiệp là chính nhưng không được tiếp cận chính sách theo Nghị định 41.

Quy mô sản xuất nông nghiệp có xu hướng mở rộng và chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng lên trong khi đó các quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm là 50 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại được thực hiện từ năm 2010 đến nay không còn phù hợp.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Nghị định mới gồm 4 chương, 28 điều quy định chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn nhằm thay thế Nghị định 41.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo đề xuất bổ sung một số đối tượng về tổ chức cho vay như: Tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng); các tổ chức được Chính phủ thành lập để thực hiện cho vay theo chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Về đối tượng vay vốn, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung đối tượng được vay vốn là các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ngoài địa bàn nông thôn; bổ sung đối tượng là liên hiệp hợp tác xã cho phù hợp với quy định của Luật hợp tác xã năm 2012.

Đồng thời, quy định cụ thể đối tượng cho vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (lĩnh vực ưu tiên), cụ thể là: Cho vay các doanh nghiệp cung cấp vật tư thiết yếu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; cho vay đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn, ngoại trừ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khai khoáng, sản xuất thủy điện, nhiệt điện…

Về các lĩnh vực cho vay, dự thảo Nghị định quy định chi tiết 7 lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm: 1- Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ; 2- Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn;

3- Cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp; 4- Cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn; 5- Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; 6- Cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn; 7- Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.

Về lãi suất cho vay, dự thảo nêu rõ: Lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do khách hàng và tổ chức tín dụng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Trường hợp các chương trình tín dụng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn cần thiết có sự hỗ trợ lãi suất của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức lãi suất và hình thức hỗ trợ cụ thể.

Những khoản cho vay do Chính phủ hoặc các tổ chức, cá nhân uỷ thác thì mức lãi suất được thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc theo thoả thuận với bên uỷ thác.

Về thời hạn cho vay, theo dự thảo, tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng để thỏa thuận thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức tín dụng đối với khách hàng.

Dự thảo nêu rõ, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời hạn trả nợ gốc và lãi đối với các khoản cho vay lưu vụ theo quy định.


Có thể bạn quan tâm

Vào rừng cấm săn sâm Ngọc Linh giả Vào rừng cấm săn sâm Ngọc Linh giả

Ở lưng chừng đèo Lò Xo, một gã thanh niên để đầu trần chạy xe máy tay cầm mấy chùm sâm lủng lẳng mời chào các bác tài xe khách, xe container, xe du lịch với tiết lộ "uống khỏe, uống sung".

29/09/2015
Cận cảnh nho dại lừa dân Hà Thành 2 triệu Cận cảnh nho dại lừa dân Hà Thành 2 triệu

Những ngày gần đây, nhiều người dân Hà thành lùng mua một loại quả có giá lên đến 2 triệu đồng/kg.

29/09/2015
Khi cây sâm vào mùa ngủ đông Khi cây sâm vào mùa ngủ đông

Cuối thu, sâm Ngọc Linh bắt đầu ngủ đông. Và các hộ trồng sâm lại thay nhau canh gác để bảo vệ những vườn sâm. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng hết sức cực nhọc bởi mưa lũ, chim chuột, thú rừng và kẻ xấu luôn rình mò phá hoại vườn sâm.

29/09/2015
Triển vọng cây sâm Triển vọng cây sâm

Ngày 11.9.2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh về sự cần thiết của việc triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh hay còn gọi là sâm Việt Nam đến năm 2030 nhằm bảo vệ nguồn gen quý.

29/09/2015
Ngư dân trúng đậm cá ngừ Ngư dân trúng đậm cá ngừ

Trong vòng 2 tháng nay, các tàu khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam liên tục cập bờ bán hải sản nhờ sản lượng cá ngừ tăng đột biến.

29/09/2015