Chính sách phát triển thủy sản bổ sung điều kiện ưu đãi ngư dân

Phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT xung quanh vấn đề này.
Ông Tấn cho biết:
Thực tế triển khai Nghị định 67 ở các địa phương ven biển trong cả nước đã xuất hiện những bất cập.
Sau khi tiếp thu nhiều ý kiến phản ánh của UBND các tỉnh, thành phố cũng như tham vấn của Bộ NN&PTNT, Tài chính, KH&CN, KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước..., Chính phủ đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng của Nghị định 67 bằng Nghị định 89.
Tuy nhiên, mục tiêu của việc sửa đổi này vẫn theo hướng tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển xa gắn chặt với bảo vệ chủ quyền lãnh hải.
Theo đó, Chính phủ ưu tiên hỗ trợ đầu tư, phát triển đội tàu vỏ thép, hiện đại hóa nghề cá, tăng năng lực khai thác hải sản đi đôi với hiệu quả chuyến biển, ứng phó tốt hơn với các hiểm họa tiềm tàng trong quá trình sản xuất trên các vùng biển xa.
Ông Ngô Tấn (bìa phải) tìm hiểu tình hình khai thác hải sản, nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu cá của ngư dân.
P.V: Với Nghị định 89, khi vay vốn đóng tàu vỏ thép hay vật liệu mới, ngư dân sẽ được nới thời gian trả nợ lên 16 năm trong khi chủ tàu vỏ gỗ vẫn giữ nguyên thời hạn trả nợ là 11 năm, ông giải thích rõ lý do này?
Tổ chức sản xuất trên biển xa bằng tàu vỏ thép, vật liệu mới còn mới mẻ với ngư dân Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung.
Còn với tàu vỏ gỗ thì ngư dân đã quá quen thuộc rồi.
Khi mới sở hữu tàu vỏ thép, vật liệu mới chưa biết ngư dân sẽ sản xuất hiệu quả đến đâu.
Rất có thể, muốn phương thức sản xuất mới mẻ phát huy ưu thế đòi hỏi ngư dân phải có nhiều thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Vả lại, khi đóng tàu vỏ thép, ngư dân phải vay nguồn vốn gấp đôi so với tàu vỏ gỗ nên nới lỏng thời hạn trả nợ thêm 5 năm là phù hợp.
P.V: Qua hơn một năm triển khai Nghị định 67, ngư dân không mặn mà với việc lắp đặt máy thủy mới trên tàu cá vì chi phí quá cao.
Với Nghị định 89 thì việc này có được sửa đổi?
Tại các buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, chúng tôi đã tham mưu tỉnh kiến nghị với Trung ương cho phép ngư dân được lắp đặt máy thủy cũ chứ không nhất thiết phải lắp máy mới hoàn toàn.
Vì chất lượng máy cũ vẫn có thể đảm bảo cho việc sử dụng lâu dài trên tàu cá.
Với Nghị định 89 mới được ban hành, Chính phủ cho phép ngư dân lắp đặt máy thủy cũ khi cải hoán, nâng cấp tàu cá còn với việc đóng mới thì bắt buộc ngư dân phải dùng máy thủy mới hoàn toàn.
Điều này đã phản ánh đúng chủ trương của Trung ương là hiện đại hóa tàu cá, tăng năng lực đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa cũng như nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn xảy đến khi ra khơi xa sản xuất.
Ngư dân cũng sẽ được hỗ trợ vay 70% vốn với lãi suất chỉ 3%/năm khi thực hiện một hoặc nhiều hạng mục là gia cố bọc thép cho tàu vỏ gỗ, nâng cấp hầm bảo quản, mua ngư lưới cụ, mua trang thiết bị hàng hải, thiết bị bốc xếp hàng hóa.
P.V: Vậy thì máy thủy cũ sẽ được kiểm định thế nào để đảm bảo chất lượng khi ngư dân lắp đặt trên tàu cá được cải hoán, nâng cấp?
Dĩ nhiên là điều này rất quan trọng.
Sẽ có cơ sở chung áp dụng cho các máy thủy mới đã qua sử dụng chứ không phải ngư dân được vô tội vạ sử dụng máy “bãi” tràn lan.
Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN dự thảo một thông tư về nhập khẩu, sử dụng máy thủy cũ.
Theo đó, dự kiến máy có thời gian sử dụng không quá 10 năm, có tiêu chuẩn phù hợp với quy định máy móc nhập khẩu của các nước phát triển, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.
Ít nhất thì chất lượng của máy thủy cũ phải đảm bảo từ 80% trở lên khi đối chiếu với máy thủy mới.
Bộ KH&CN đã có kế hoạch thực hiện việc hậu kiểm chất lượng máy thủy cũ, đảm bảo thời gian thông quan nhanh chóng, thuận tiện cho quá trình lắp đặt trên tàu cá của các ngư dân khi Nghị định 89 có hiệu lực.
Khi ngư dân lắp đặt máy thủy cũ trên tàu cá thì phải xuất trình được các giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm.
P.V: Xin ông cho biết, bên cạnh bổ sung thêm một số nội dung về chính sách tín dụng, các chính sách khác của Nghị định 67 có được đổi mới không?
Thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư
Điểm mới của Nghị định 89 so với Nghị định 67 là thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng theo quy định.
Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng thí điểm cơ chế hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trước thời gian Nghị định 89 có hiệu lực ngày 25.11.2015.
Nội dung thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư bao gồm: đối tượng ngư dân, điều kiện, nguyên tắc, mức hỗ trợ và trình tự thủ tục hỗ trợ, trong đó mức hỗ trợ đảm bảo tương đương với mức hỗ trợ của chính sách tín dụng theo quy định hiện hành.
Nghị định 89 sẽ bổ sung thêm một nội dung quan trọng mà trong Nghị định 67 chưa được quan tâm đúng mức.
Đó là chính sách về bảo hiểm, với việc mở rộng đối tượng thụ hưởng là các đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá tham gia sản xuất trên các vùng biển xa.
Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi đoàn viên trong nghiệp đoàn nghề cá làm việc trên tàu.
Ngư dân trong các nghiệp đoàn nghề cá được hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
P.V: Việc tổ chức thực hiện Nghị định 89 ở cấp tỉnh và cơ sở có sự thay đổi so với Nghị định 67 trước đây, thưa ông?
Nghị định 89 sẽ có hiệu lực từ ngày 25.11.2015.
Về cơ bản, vẫn được thực hiện trên cơ sở các thông tư hướng dẫn của các Bộ NN&PTNT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, KH&CN, KH&ĐT...
UBND tỉnh cũng sẽ thành lập ban chỉ đạo triển khai Nghị định 89, trong đó, Sở NN&PTNT sẽ thu thập, nắm bắt thông tin từ Trung ương và phối hợp chặt chẽ với các phòng kinh tế ở các thành phố và thị xã cũng như phòng NN&PNT các huyện, cùng ngư dân triển khai sát hợp với thực tiễn.
Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 50 tấn hóa chất Chlorine 65% min thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Ninh để phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Chiều 7-7, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Huy Điền khẳng định, không có chuyện Việt Nam ồ ạt nhập tôm nguyên liệu, “sản xuất thì ít mà xuất khẩu nhiều” như tin đồn vừa qua.

Nhìn thấy lợi nhuận thu được từ các hộ nuôi tôm hùm thời gian qua, từ đầu năm đến nay nhiều người dân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đua nhau đầu tư tiền tỷ để mua vật liệu làm bè và mua tôm giống thả nuôi với hy vọng đổi đời.
Tại tỉnh Khánh Hòa, tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh những thiệt hại về cây trồng do thiếu nước tưới, nắng nóng còn khiến cho một số diện tích tôm nuôi vụ 2 trên địa bàn tỉnh bị thất thu. Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh có gần 80 ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), hằng năm thành phố bố trí 15 - 20 tỷ đồng cho phát triển vùng thủy sản tập trung, bảo đảm môi trường không dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn thành phố có 70 - 80 vùng nuôi có quy mô từ 30 đến 200ha, hơn 1.000 trang trại nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, 19 cơ sở sản xuất giống, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu về giống cho người nuôi.