Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chính phủ chỉ đạo mở rộng thị trường xuất khẩu quả vải tươi

Chính phủ chỉ đạo mở rộng thị trường xuất khẩu quả vải tươi
Ngày đăng: 27/05/2015

Xét báo cáo của Bộ Công Thương về việc Australia chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi từ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương hướng dẫn, phổ biến các yêu cầu kỹ thuật, quy định cụ thể của thị trường nhập khẩu đến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân để bảo đảm sản phẩm xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo điều kiện giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu qua biên giới, bảo đảm tiêu thụ kịp thời, có hiệu quả lượng sản phẩm này.

Trước đó, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: tiếp theo thị trường Hoa Kỳ, vải thiều Việt Nam đã tiếp cận thêm thị trường mới là Australia.

Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp Australia, để xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam vào thị trường này, các doanh nghiệp phải đảm bảo 5 yêu cầu gồm: Vùng trồng an toàn; Cơ sở đóng gói vải phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra và cấp mã số; Đáp ứng những yêu cầu về bao bì và ghi nhãn, đồng thời phải xử lý chiếu xạ, và kiểm dịch lô vải xuất khẩu….

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, vụ vải thiều năm nay, từ hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương sẽ cho tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi sẽ được thu hoạch từ trung tuần tháng 5 đến trung tuần tháng 7.

Để đảm bảo tốt việc tiêu thụ vải thiều mùa vụ năm 2015, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo, vải thiều sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng với khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi); xuất khẩu khoảng 40% ,tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh).

Cụ thể, đối với thị trường nội địa, vải tươi sẽ được tiêu thụ rộng khắp tại các địa phương khu vực phía Bắc và các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP HCM… và các tỉnh phía Nam. Thị trường phía Nam được đánh giá tiếp tục sẽ là khu vực thị trường tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

Đối với thị trường xuất khẩu, vải thiều sẽ chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, gần đây có tín hiệu tốt từ các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho rằng, thị trường vải thiều ngày càng được mở rộng, giá cả tương đối ổn định. Năm nay, giá vải thiều được dự báo ổn định và có mức tương đương với năm 2014.


Có thể bạn quan tâm

Quay cuồng chống nóng Quay cuồng chống nóng

Dù trang trại được bao bọc xung quanh là hồ ao, xa khu dân cư, nhưng anh Đoàn Văn Thuyên, thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông (huyện Cẩm Giàng) bảo, vẫn không ăn thua...

06/06/2015
Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định

Theo Cục Thống kê, đến thời điểm này, ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh phát triển ổn định, nhất là đàn gà tăng khá mạnh so cùng kỳ.

06/06/2015
Thái Nguyên phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi Thái Nguyên phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi

Thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến cho đàn vật nuôi bị suy giảm sức đề kháng, nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

06/06/2015
Nhiều diện tích chè bị cháy hạn Nhiều diện tích chè bị cháy hạn

Nắng nóng khốc liệt đã tiếp tục gây những thiệt hại không nhỏ đến “vựa chè” như Thanh Chương, Anh Sơn. Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh Nghệ An đã có gần 2.000 ha chè bị chết. Những diện tích chè mới trồng từ tháng 10 năm ngoái, qua mấy tháng trời chăm sóc, bây giờ coi như “xóa sổ”...

06/06/2015
Người chữa bệnh cho tiêu Người chữa bệnh cho tiêu

Sau thời gian bất lực nhìn vườn tiêu chết dần chết mòn do bệnh, thì nay nhiều nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) mừng như “nhặt được vàng” khi ông Dương Hùng Đỗ, Chủ tịch Viện Công nghệ sinh học miền Nam tại Gia Lai, đã sử dụng bài thuốc do mình nghiên cứu để cứu sống vườn tiêu của nông dân.

06/06/2015