Chính Phủ Ban Hành Chính Sách Hỗ Trợ Ngư Dân

Ngày 7/7/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản; tổ chức, cá nhân đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản; tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản.
Theo Nghị định này, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp, thời hạn vay tới 11 năm và lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1%/năm và cao nhất chỉ là 3%/năm.
Về Chính sách tín dụng, với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400CV trở lên), bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa, nếu là đóng mới tàu vỏ thép: chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm; đối với đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.
Với đóng mới tàu hải sản xa bờ (công suất 400CV trở lên), bao gồm máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản, nếu là đóng mới tàu vỏ thép (công suất từ 400CV đến dưới 800CV), chủ tàu được vay tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm.
Nếu ngư dân đóng mới tàu vỏ thép (công suất từ 800CV trở lên) sẽ được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Đóng mới tàu vỏ gỗ được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.
Còn ngư dân đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm. Đối với ngư dân nâng cấp tàu vỏ gỗ (công suất dưới 400CV thành tàu có công suất từ 400CV trở lên), chủ tàu được vay tối đa 70% giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.
Theo Nghị định, thời hạn cho vay sẽ kéo dài trong 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay. Lãi suất được duy trì ổn định 7%/năm. Trong trường hợp chủ tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
Ngoài ra, các chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể sẽ được vay tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản, với lãi suất 7%/năm.
Nghị định 67 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2014.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices, nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) trên địa bàn ấp Tân Thuộc, xã An Xuyên, TP Cà Mau, với 17 ha của 20 hộ tham gia trồng thử nghiệm giống OM 6600 đang trong giai đoạn làm đòng và trổ bông.

Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, dịch tai xanh (DTX) đã bùng phát tại Hà Nội. Theo Chi cục Thú y Hà Nội, từ cuối tháng 4 đến nay, DTX đã xuất hiện tại một số xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây.

Giá ớt tươi tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đang ở mức cao. Thêm vào đó, nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất, sản lượng ớt tăng, nông dân có nguồn thu nhập không nhỏ...

Nhiều ngày nay, ở Quảng Trị, người nuôi tôm ở các xã Trung Giang, huyện Gio Linh và Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh đang điêu đứng vì tôm đột nhiên nhiễm bệnh, chết hàng loạt khi chưa đến thời điểm thu hoạch

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang vừa thực nghiệm thành công Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất ở tỉnh An Giang”. Dự án do Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trường đại học Cần Thơ thực hiện tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP.Long Xuyên). Kết quả, sau 6 tháng nuôi, thu hoạch đạt hơn 1 tấn tôm càng xanh, giá bán từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, trừ chi phí đạt lợi nhuận 100 triệu đồng (1 lời 1), mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm càng xanh trong ao đất.