Chiêu Để Nông Dân Và Doanh Nghiệp Giữ Vững Liên Kết

Dù hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) được ký kết ngay từ đầu vụ nhưng đến khi thu hoạch, một trong hai bên có thể “bẻ kèo” khi giá lúa biến động nhiều. Để đảm bảo hợp đồng không bị phá vỡ, ngoài uy tín của DN, niềm tin của nông dân, vai trò điều tiết trung gian của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương rất quan trọng.
Lợi ích thấy rõ
An Giang được biết đến là địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn”. Năm 2014, có nhiều DN tham gia mô hình này với diện tích ước đạt 34.268 héc-ta. Hiệu quả của “Cánh đồng lớn” đã được chứng minh qua thực tiễn khi diện tích liên kết không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2011 chỉ có 6.650 héc-ta thì năm 2012 tăng lên 2.950 héc-ta, năm 2013 là 34.000 héc-ta.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), mô hình “Cánh đồng lớn” giúp cả “3 nhà” đều có lợi. Đối với nhà nông, gánh nặng về tài chính được giảm xuống khi họ không phải lo vay tiền mua vật tư phục vụ sản xuất vì đã được DN cung ứng từ đầu vụ, chỉ phải thanh toán vào cuối vụ (trừ vào tiền bán lúa).
Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, thuận lợi trong áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng nên đỡ thất thất thoát trong thu hoạch, giúp nông dân hạ giá thành sản xuất từ 10 – 20%, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đối với nhà DN, tham gia “Cánh đồng lớn” giúp hình thành vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa về độ đồng đều, không lẫn tạp, tỷ lệ tấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…
Nhiều DN đã xây dựng được thương hiệu và uy tín nhờ “Cánh đồng lớn”, giúp tăng giá trị xuất khẩu gạo từ 15 – 30 USD/tấn so với sản phẩm cùng loại mua tự do trên thị trường. Đối với Nhà nước, việc tập hợp nông dân vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để cùng gắn kết theo quy mô và chất lượng dễ dàng hơn do họ thấy được lợi ích chung.
Nhờ có “Cánh đồng lớn”, việc tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng thuận lợi, nhất là hoàn thiện hệ thống đê bao, giao thông nội đồng, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…
Câu chuyện về giá
Hiệu quả có thể nhận thấy nhưng tốc độ mở rộng diện tích “Cánh đồng lớn” vẫn chưa đạt mục tiêu như mong muốn. Nếu so với tổng diện tích lúa 628.769 héc-ta trong 3 vụ sản xuất của năm 2014 thì diện tích 34.268 héc-ta tham gia “Cánh đồng lớn” mới chiếm 5,45% - một tỷ lệ còn quá khiêm tốn.
Câu chuyện nhập nhằng giữa nông dân và DN chủ yếu xoay quanh về giá sau thu hoạch. Mặc dù có nhiều DN tham gia “Cánh đồng lớn” nhưng đến nay, chỉ có mỗi Công ty TNHH Angimex Kitoku (liên doanh giữa DN Nhật Bản – Việt Nam) là hợp đồng cụ thể giá bán với nông dân ngay từ đầu vụ.
Việc này cũng dễ hiểu bởi đối với lúa Nhật, nếu không biết trước giá bán, nông dân rất ngại tham gia vì đây là mặt hàng khá đặc biệt, khó bán tự do ra thị trường như các loại hàng hóa khác.
Là một nông dân từng tham gia liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa với nhiều DN, ông Nguyễn Văn Bé Năm (ấp Trung Phú 4, xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn), cho biết, đa phần các hợp đồng giữa DN và nông dân đều ghi phần giá thu mua là “căn cứ theo giá thị trường tại thời điểm”, cộng thêm từ vài chục đồng đến vài trăm đồng/kg lúa tùy theo thỏa thuận.
Mà “giá thị trường” lại khó xác định bởi căn cứ định giá chung vẫn chưa thống nhất. “Cách làm của nông dân nơi đây là trước thời điểm thu hoạch khoảng 4 – 5 ngày, công ty xuống thỏa thuận chốt giá với nông dân. Giá thị trường được tính bằng với giá thương lái thu mua tại các ruộng lúa gần đó. Việc chốt giá này có xác nhận của đại diện Ban ấp, nếu vài ngày sau giá lúa có lên xuống thì cũng không được thay đổi” – ông Bé Năm chia sẻ kinh nghiệm.
Những vụ gần đây, ông Bé Năm tham gia liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Khi gần đến thời điểm thu hoạch, công ty niêm yết giá công khai đối với từng loại lúa tại nhà máy và tổ chức ghe thu gom lúa tươi của nông dân. Sau khi đo độ ẩm, công ty sẽ trừ theo tỷ lệ phần trăm để quy thành lúa khô. Nếu nông dân chưa đồng ý bán có thể lưu kho miễn phí trong 1 tháng để chờ giá tốt hơn.
Trường hợp nông dân không hài lòng với giá công ty niêm yết, có thể bán cho thương lái. Cách làm này cũng giúp giữ mối quan hệ gắn kết giữa DN và nông dân.
Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết, bên cạnh các DN làm ăn đàng hoàng, cũng có một số DN vì muốn có “vùng nguyên liệu” theo quy định, đã đề nghị ký hợp đồng sản xuất nhưng các điều khoản không chặt chẽ.
“Khi DN muốn liên kết, phải nói rõ cần loại giống gì, nhu cầu bao nhiêu, điều kiện sản xuất, cách thức thu mua thế nào thì chúng tôi mới đồng ý cho thực hiện” – ông Phả nhấn mạnh. Cũng có trường hợp đến thời điểm thu hoạch, nhiều thương lái vì muốn “phá” vùng nguyên liệu của DN, đến thu mua lúa của một vài hộ tham gia liên kết với giá cao để nông dân dựa vào đó kèo giá với DN. Khi DN không chịu mua, họ lại hạ giá xuống để ép nông dân.
“Đối với trường hợp này, địa phương chỉ cần yêu cầu nông dân đưa thương lái đến cùng tham gia định giá, đề nghị thương lái thu mua toàn bộ vùng nguyên liệu với giá cao như đã mua với vài hộ dân, đảm bảo thương lái sẽ “bỏ chạy”.
Khi việc định “giá thị trường” có sự tham gia của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương, nông dân và DN sẽ dễ đạt được thỏa thuận, liên kết hợp tác cũng bền vững hơn” – ông Phả chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho vựa lúa quan trọng bậc nhất cả nước.

Trước sự việc một số hộ dân ở Cần Thơ đã tiêm phòng vaccine H5N1 cho đàn gia cầm nhưng gia cầm vẫn bị chết và kết quả kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy dương tính với virus H5N1, Cục Thú y cho biết, nhánh virus 2.3.2.1 đã xâm nhập vào các tỉnh phía Nam và gây bệnh.

Đến sinh sống, học hành và làm việc trên vùng đất Lâm Đồng từ năm 1971, tôi đã ngược xuôi từ Bảo Lộc về Đà Lạt không biết bao nhiêu lần mà kể. Thế mà cứ mỗi lần đến Km 178, qua cầu Đạ Le (Tam Bố), tôi chỉ nghe tiếng máy xập xình từ Mỏ Đá xen lẫn khói bụi.

Môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng hiện nay các vấn đề thu gom và xử lý rác thải, nước thải sản xuất và sinh hoạt gia đình, xử lý rác tại các chợ… đang khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

Khi các vườn điều chín rộ thì giá hạt điều xuống từng ngày và hiện chỉ còn 21,7 ngàn đồng/kg ở 2 xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), ở khu vực khác còn 19,5 ngàn đồng/kg. Dự báo được mùa, những “ông lớn” ngành điều đang âm thầm đóng cửa kho không “ăn hàng” để ép nông dân và kéo giá điều tươi xuống!