Chị Viên làm giàu từ chăn nuôi

Theo chân cán bộ xã Quyết Thắng, chúng tôi đến tham quan mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Nông Thị Viên. Được “mục sở thị” trang trại chăn nuôi quy mô, khoa học với đàn lợn lên đến gần 200 con, chúng tôi cảm phục chị hơn.
Năm 2008, vợ chồng chị Viên ra ở riêng. Nhưng do ruộng ít lại không có vốn nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, chị đã bàn bạc cùng chồng, học hỏi kinh nghiệm phát triển chăn nuôi lợn. Năm 2009, chị vay 1,5 triệu đồng tiền quỹ của Hội phụ nữ xã mua một con lợn về nuôi.
Sau khi được xuất chuồng, gia đình tiếp tục đầu tư nuôi số lượng lợn nhiều dần. Đến năm 2012, gia đình thường xuyên duy trì nuôi gần 100 con lợn/năm.
Để chủ động nguồn giống tốt, từ năm 2013, chị mở rộng quy mô nuôi thêm lợn nái. 2 năm trở lại đây, chị luôn duy trì đàn lợn nái 15 con. Số lợn con được sinh ra đều được giữ lại nuôi thành lợn thịt. Từ năm 2013 đến nay, năm nào gia đình cũng nuôi và xuất chuồng khoảng 300 con lợn.
Chị Viên chăm sóc đàn lợn nái
Để có thêm kinh nghiệm chăn nuôi, ngoài tham gia tập huấn ở xã, chị còn thường xuyên tìm hiểu trên sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng về cách chăm sóc, phòng trừ bệnh cho đàn lợn.
Cùng với đó, năm 2014, chị quyết định đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại quy mô, khoa học, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, có đầy đủ hệ thống nước uống, máng ăn, rãnh thoát nước. Đồng thời, xây dựng khu chuồng để nuôi lợn nái riêng.
Chỉ với hai vợ chồng nhưng do công việc chăm sóc đàn lợn được sắp xếp khoa học, hợp lý nên chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ, đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh lớn xảy ra.
Từ hai bàn tay trắng nhưng với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, chị Viên đã thành công trong chăn nuôi, làm giàu trên vùng đất khó với thu nhập năm 2014, sau khi đã trừ chi phí đạt gần 300 triệu đồng.
Không chỉ vậy, chị Viên còn luôn tận tình, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn với các hộ gia đình trong thôn, xã.
Năm 2014, gia đình chị còn phát triển thêm chăn nuôi bò thịt, mở rộng sang lĩnh vực trồng trọt với mô hình trồng bưởi Diễn. Hiện nay, đàn bò, vườn bưởi Diễn 100 cây đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Triệu Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã cho biết: chị Nông Thị Viên là tấm gương điển hình giàu nghị lực, không quản ngại khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay. Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Viên đang được xã tuyên truyền nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm

Thuộc diện hộ nghèo của xã Cam Thủy (Cam Lộ), gia đình ông Lê Phước Hoàng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất ở vùng kinh tế mới Cam Thủy Bắc để phát triển sản xuất. Có đất đai và sức lao động nhưng vì không có vốn đầu tư sản xuất nên thời gian đầu ông Hoàng chỉ trồng được vài giống cây ngắn ngày.

Hồ tiêu là một trong những loại cây chủ lực xóa đói giảm nghèo ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, khoảng từ năm 2009-2012 vì lý do cây bị bệnh chết nhanh, giá cả không ổn định nên nhiều người dân tạm ngừng trồng tiêu, chuyển sang trồng các loại cây khác.

Xây dựng hình ảnh một "đại gia" trong ngành cà phê thế giới nhưng chỉ có 5% trong tổng lượng cà phê xuất khẩu từ VN là qua chế biến, 95% là xuất thô.

Ông Thi cho hay, hơn 15 năm trước, ông cùng gia đình sống bằng nghề trồng rau, cây rau bó xôi vốn gắn bó với ông từ nhỏ. Dù vậy, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đã vậy, khi lập gia đình, bố mẹ cho mượn 3 sào đất để sản xuất cũng bị giải tỏa, ông đành cùng vợ đi buôn bán rau kiếm sống. Gom góp được ít vốn, năm 1999, ông vào thôn Đạ Nghịt tìm mua đất sản xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Tâm ở ấp Long Hòa, xã Long Thới, huyện Chợ Lách cho biết: Có nhiều người khá giả từ nghề trồng cau vàng xen trong vườn dừa.