Chỉ Thị Dẹp Vấn Nạn Tôm Bơm Tạp Chất

Lường trước những nguy cơ khiến sản vật hàng đầu của quốc gia mang ra thế giới có thể bị tụt hạng do lối làm ăn chụp giật, cơ hội, Thủ tướng đã kịp thời có Chỉ thị 20 để chấn chỉnh tình trạng đưa tạp chất vào tôm. Nhưng để Chỉ thị này thực sự phát huy tác dụng thì cần sự chung tay nghiêm túc vào cuộc của các bộ ngành liên quan.
Ngày 1.8.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Chỉ thị 20 được đánh giá là “phao cứu sinh” đối với ngành hàng có chất lượng hàng đầu của ngành nông nghiệp đang có nguy cơ bị mất giá, mất danh do những lùm xùm quanh việc tôm bị bơm tạp chất.
Sẽ không còn cảnh VASEP kêu ca rằng chỉ nói chuyện tình, chuyện lý với hội viên để không sử dụng tôm có tạp chất. Cũng không còn cảnh những người tâm huyết với ngành tôm đi “rình mò” dăm ba nhóm người tổ chức bơm tạp chất vào tôm… để rồi “xôi hỏng bỏng không”.
Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ đã giao đích danh cho 4 nhóm đơn vị kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Chỉ thị 20 đặc biệt nêu rõ: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và các Bộ NNPTNT, Công Thương nghiên cứu hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất để các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung tội danh mới trong Bộ luật Hình sự.
Đây chính là "thanh bảo kiếm" pháp lý với tính răn đe cao để có thể kết tội những kẻ gian lận thương mại và ảnh hưởng đến uy tín thương mại quốc gia. Tuy nhiên, để Chỉ thị có hiệu lực như kỳ vọng thì còn một khâu vô cùng quan trọng nữa là sự triển khai thực tế của các bộ, ngành, địa phương được “chỉ mặt, đặt tên” trong chỉ thị này..
Công cụ quan trọng nhưng... con người mới quyết định
Chỉ thị ra đời, có lẽ những người “16 năm đi nói chuyện đạo lý” mừng hơn cả khi đã có công cụ pháp lý. Khi được hỏi về việc kỳ vọng Chỉ thị này sẽ tạo chuyển biến như thế nào trong việc dẹp nạn đưa tạp chất vào tôm, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP nhận định: “Địa phương sẽ tìm cách đối phó trước khi triển khai”…
Theo cách “đọc” của ông Dũng, thì Chỉ thị đã đánh thẳng, đánh mạnh vào hiện tượng “bảo kê” lâu nay vẫn tồn tại ở nhiều địa phương. Hiện tượng này chủ yếu giúp các thương lái thực hiện trót lọt việc đưa tạp chất vào tôm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và thương mại quốc gia.
Trong Chỉ thị nêu rõ: “Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan và làm rõ, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức tiếp tay, bao che cho các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất”.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, trong câu chuyện xử lý tạp chất trong tôm này, còn có một việc nữa cũng cần phải mạnh tay, đó là hiện tượng “trù úm”. Hiện tượng này xuất hiện khi các doanh nghiệp không “bôi trơn” nhà quản lý chức năng đi kiểm tra tôm tại cơ sở chế biến để XK. Quy trình, thủ tục kiểm tra các sản phẩm tôm tại doanh nghiệp nếu không được thông báo rõ ràng, cụ thể thì chắc chắn vẫn có kẽ hở cho sự trù úm doanh nghiệp.
Trong 7 tháng đầu năm 2014, XK tôm đã thu về 1,8 tỷ USD, chiếm gần một nửa số tiền mà toàn ngành thủy sản thu về từ XK. Giá trị XK này cũng được công bố là tăng 62% so với cùng kỳ năm 2013.
Năm 2013, giá trị XK tôm năm 2013 đạt trên 3 tỷ USD được coi là con số thần kỳ và được đánh giá là do may mắn (nhiều nước XK tôm trong khu vực bị mắc dịch bệnh trong khi Việt Nam kiểm soát được dịch tốt nên XK thắng lợi về cả lượng và chất). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, khi thị trường “sòng phẳng” như nhau thì XK tôm vẫn bứt phá và mang về lợi nhuận lớn cho đất nước.
Kết thúc câu chuyện với lãnh đạo VASEP - một hiệp hội đại diện cho những doanh nghiệp năng động nhất trong ngành nông nghiệp, người viết có hỏi, liệu có mô hình nào hiệu quả cho việc triển khai công tác đảm bảo chất lượng nguyên liệu tôm của Việt Nam hay không, ông Dũng trả lời: “Mô hình nào cũng hay cả, nhưng quan trọng là con người. Con người đủ tâm, đủ tài thì không cần mô hình nào vẫn có những hiệu quả thực chất cho cộng đồng, cho xã hội”.
Có thể bạn quan tâm

Lên Tây Nguyên cắm chốt trong rừng cà phê, về đồng bằng đón hoa keo lá tràm, quanh năm sống tạm bợ trong lều tạm. Đấy là cuộc sống của những người nuôi ong lấy mật.

Từ ngày 18/10 đến 20/10/2013, Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại TP. tổ chức cho nông dân sản xuất giỏi, Hội viên Hội Làm vườn và khuyến nông viên các quận huyện tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm sản xuất trong phát triển rau VietGAP và an toàn thực phẩm, hoa kiểng kết hợp khai thác du lịch sinh thái cộng đồng ở các tỉnh miền Đông Nam bộ qua đó giúp cho nông dân TP.HCM có dịp trao đổi, học tập những mô hình hiệu quả kinh tế cao của các tỉnh về phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương. Trong 03 ngày đoàn được tham quan các mô hình như vườn hoa địa lan Anh Quỳnh với diện tích khoảng 6000m2, 20.000 chậu, 12 giống địa lan các loại được nhập từ các nước như Úc, Nhật…

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản của Bắc Giang rất lớn. Nếu khai thác diện tích mặt nước hợp lý kết hợp đưa giống mới, đầu tư thâm canh, gối vụ thì năng suất, giá trị thuỷ sản sẽ cao hơn rất nhiều.

Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk góp 95% vốn) vừa triển khai dự án chăn nuôi bò sữa quy mô lớn với hơn 2.490ha đất xây dựng hệ thống chuồng trại và trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho 20.000 con bò sữa.

Anh Chu Văn Thủy (trú tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), là ngư dân bắt được con cá lạ cho biết: “Vào khoảng 11 giờ 45 vào trưa ngày 31-10, trong lúc đang kéo lưới đánh cá ngoài khơi cách xã Kỳ Lợi chừng 4 hải lý thì thấy một vật nặng mắc vào lưới, khi kéo lên mới phát hiện vật nặng đó là một con cá rất to và lạ. Lần đầu tiên tôi thấy con cá lạ thế này nên tôi đã báo về cho gia đình tập trung ngư dân trong xã ra bắt. Sau 2 giờ vật lộn mới đưa được cá vào bờ”.