Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chỉ có 10% cà phê Việt được tiêu thụ trong nước

Chỉ có 10% cà phê Việt được tiêu thụ trong nước
Ngày đăng: 20/10/2015

Hiện nay phát triển thương mại nông-lâm-thủy sản chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu, chưa quan tâm đúng mức tới thị trường trong nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhìn nhận như vậy tại báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Con số được Bộ trưởng nêu để minh chứng cho nhận định trên là tỷ lệ tiêu thụ trong nước đối với cà phê là 10%, điều 5%, chè 50%, cao su 25%, cá tra 5-7%.

Báo cáo khái quát, hình thức giao dịch nông lâm thủy sản phổ biến là mua bán tự do, giao hàng ngay, việc mua bán hàng hóa thông qua ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân chưa phổ biến.

Mua bán giao dịch qua chợ đầu mối, trung tâm giao dịch còn hạn chế.

Phần lớn hàng hóa nông lâm thủy sản được giao dịch, phân phối thông qua kênh truyền thống là các chợ.

Tỷ lệ hàng hóa được giao dịch phân phối qua các cửa hàng hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) còn thấp và chủ yếu mới tập trung tại các đô thị lớn.

Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông, lâm, thủy sản là một trong nhiều yêu cầu của Quốc hội với các vị tư lệnh ngành có liên quan, trong đó có Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu, song theo báo cáo thì xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động xuất khẩu chủ yếu vẫn là các sản phẩm nông sản thô, chưa có sản phẩm nông sản mũi nhọn có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh, Bộ trưởng khái quát.

Về thị trường xuất khẩu, hàng hóa nông lâm thủy sản của Việt Nam mới chỉ tập trung vào những thị trường - ngành hàng lớn còn ít chú ý phát triển các thị trường - ngành hàng có nhiều tiềm năng.

Dẫn số liệu từ tháng 8/2013,báo cáo cho biết các thị trường lớn, truyền thống và các mặt hàng có lợi thế chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản: Mỹ (2,7%), Trung Quốc (2,4%), Nhật (1,3%); gỗ và các sản phẩm gỗ (18,7%), gạo (11,8%), cà phê (11,5%), tôm (9,5%), cao su (8%), cá tra (6,3%), hạt điều (5,9%).

Báo cáo cũng nêu một số kết quả cụ thể, như kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2014 đạt gần 30,54 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2013.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,35 tỷ USD, tăng 9,9%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt 7,83 tỷ USD, tăng 17,1%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt 6,56 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2013.

Đến nay đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, gồm có gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản.

Năm 2010 hàng hóa nông lâm thủy sản của Việt Nam đã chỉ có mặt ở 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến năm 2014 đã tăng lên là 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, Bộ trưởng thông tin thêm.

Định hướng phát triển thị trường nông lâm thủy sản được nêu tại báo cáo là giai đoạn 2015-2020 phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức 10-15%.

Vẫn lấy mốc đến năm 2020, Bộ trưởng xác định tỷ lệ hàng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng chiếm 25-30%; tỷ trọng hàng nông lâm thủy sản qua hệ thống kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích đạt 20-30%.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ chú trọng hơn vào phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nông thôn (chiếm tới hơn 70% dân số và là nhóm tiêu thụ nhóm lương thực, thực phẩm gấp 1,42-1,44 lần so với thành thị), theo thông tin từ Bộ trưởng.

Hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phục vụ xuất khẩu là một trong nhiều giải pháp phát triển thị trường nông lâm thủy sản được Bộ trưởng đề cập.

Theo đó, sẽ có chính sách ưu đãi về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng: Mở rộng định mức vay và giãn thời hạn trả nợ vay ngân hàng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Xem xét khoanh nợ cho các doanh nghiệp (kể cả các khoản vay từ ngân hàng thương mại).

Mặt khác, cho phép thành lập một số quỹ phát triển ngành hàng, trước mắt cho các ngành hàng chủ lực như cà phê, cá tra, tôm...

để góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, báo cáo viết.


Có thể bạn quan tâm

Khó Khăn Trong Quản Lý Tôm Giống Ở Cà Mau Khó Khăn Trong Quản Lý Tôm Giống Ở Cà Mau

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất nước, với 296.551 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm quảng canh 161.932 ha, công nghiệp gần 6.000 ha, quảng canh cải tiến gần 40.000 ha, diện tích còn lại nuôi tôm kết hợp với các đối tượng khác.

17/02/2014
Mô Hình Lúa Cá Cho Lợi Nhuận Gấp Đôi Mô Hình Lúa Cá Cho Lợi Nhuận Gấp Đôi

Sau Tết Nguyên đán, nông dân xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) rất phấn khởi vì mô hình sản xuất trồng lúa kết hợp với nuôi cá phát triển tốt, ước lợi nhuận sản xuất sẽ tăng gấp đôi so với sản xuất chỉ có cây lúa trước đây.

17/02/2014
Festival Thủy Sản Việt Nam 2014 Tổ Chức Tại Phú Yên Từ Ngày 28-3 Đến 2-4 Festival Thủy Sản Việt Nam 2014 Tổ Chức Tại Phú Yên Từ Ngày 28-3 Đến 2-4

Ngày 16-2, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Phú Yên công bố việc đăng cai tổ chức Festival thủy sản Việt Nam 2014. Theo đó, Festival sẽ diễn ra từ ngày 28-3 đến 2-4-2014 tại tỉnh Phú Yên với chủ đề "Thủy sản Việt Nam - hội nhập và phát triển". Sự kiện nổi bật trong Festival là Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1-4-1959 - 1-4-2014) và 29 năm Ngày giải phóng tỉnh Phú Yên.

17/02/2014
Bảo Hiểm Nông Nghiệp Cho Từng Loại Cây Trồng Bảo Hiểm Nông Nghiệp Cho Từng Loại Cây Trồng

Đó là khẳng định của ông Mai Anh Tuấn, quyền Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ABIC), Chi nhánh Cần Thơ, tại hội nghị “Phát triển kênh phân phối kết hợp Ngân hàng - Bảo hiểm khu vực ĐBSCL” diễn ra vào ngày 1-11. Ông Tuấn nhìn nhận: Loại hình bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đang khó triển khai tại ĐBSCL.

04/11/2013
Bắt Giữ Đối Tượng Thu Mua Rắn Hổ Mang Chúa Về Nuôi Bắt Giữ Đối Tượng Thu Mua Rắn Hổ Mang Chúa Về Nuôi

Cơ quan chức năng bước đầu xác định, 23 con rắn hổ mang chúa mà Khanh vận chuyển đều là rắn tự nhiên, bị săn bắt từ khu vực phía Nam nước ta.

17/02/2014