Châu Thành Hướng Đến Nền Nông Nghiệp Phát Triển Toàn Diện Theo Hướng Bền Vững Trong Năm 2014

Năm 2013 là năm có nhiều khó khăn trong lĩnh vực sản xuất nông ngư nghiệp. Tuy nhiên, từ sự dự báo và sự phòng trị, phòng chống kịp thời, hữu hiệu cùng với việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ chuyên giao khoa học kỹ thuật, nhất là nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa theo chuẩn xuất khẩu…nhìn chung, trong năm, giá trị sản xuất trên lĩnh vực này có tăng nhẹ, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm không xảy ra trên diện rộng và giảm bớt thiệt hại do sụt giảm giá.
Năm qua, diện tích lúa xuống giống 2.171 ha chỉ đạt 85,14% so Nghị quyết, tuy nhiên năng suất đạt khá 45,24 tạ/ha, sản lượng 9.822 tấn. Diện tích trồng ca cao hiện có là 1.659,4 ha, giảm 1.088 ha, nguyên nhân do giá thu mua giảm mạnh và người dân đốn bỏ diện tích ca cao không có năng suất.
Diện tích cây dừa, cây ăn trái giữ ổn định. Việc xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mô hình trồng xen, mô hình cải thiện nâng cao thu nhập trong canh tác được quan tâm, không để xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, năm 2013, một số mặt hàng thiết yếu cùng tình hình vật giá biến động theo hướng tăng trong lúc một số mặt hàng nông sản, thực phẩm chủ lực nhất là giá dừa, giá cá nguyên liệu, giá lúa không ổn định, có lúc xuống thấp với diễn biến thời tiết bất lợi, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Năm 2014, huyện Châu Thành hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, với chỉ tiêu nông ngư nghiệp chiếm 18,5%, diện tích lúa đạt 1.800 ha (gồm 3 vụ: Đông Xuân – Hè thu và vụ mùa), năng suất bình quân ước 46,6 tạ/ha, sản lượng 8.388 tấn; diện tích rau màu 450 ha, sản lượng 7.000 tấn; diện tích nuôi thủy sản là 1.100 ha, trong đó nuôi cá là 800 ha, nuôi tôm 300 ha; tổng đàn heo 22.000 con, gia cầm 400.000 con.
Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trên, năm 2014, huyện Châu Thành sẽ chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng: nông nghiệp chất lượng cao.
Theo đó, huyện tập trung cho mũi nhọn kinh tế vườn và nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hoàn thiện quy trình, mô hình thâm canh, xen canh hợp lý theo hướng tiết kiệm, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích; xây dựng và phát triển mô hình nghiên cứu - ứng dụng – chuyển giao và mô hình nông nghiệp công nghệ cao, để hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, an toàn, chất lượng cao gắn với xuất khẩu cho các loại cây ăn trái đặc sản như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh….
Đồng thời, phát triển diện tích vườn dừa theo hướng có quy hoạch, song song với việc cải tạo trẻ hóa, nâng cao chất lượng vườn dừa; tiếp tục thực hiện dự án trồng xen gắn với phong trào xây dựng vườn xanh – sạch – đẹp có hiệu quả kinh tế cao; phát triển đàn gia súc, gia cầm, tạo điều kiện hỗ trợ các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi có quy mô công nghiệp và bán công nghiệp; phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh; tiếp tục khai thác tiềm năng kinh tế thủy sản, nâng cao sản lượng nuôi trồng, bảo vệ tốt môi trường vùng nuôi, đảm bảo diện tích nuôi trồng, sản lượng và chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2013 toàn tỉnh đã thực hiện được 10 cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, với tổng diện tích 280 ha.

Để việc triển khai cánh đồng mẫu lớn đạt kế hoạch và hiệu quả cao, huyện chủ động yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị đủ lượng giống cần thiết để cung ứng cho nông dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn, triển khai quy trình sản xuất và lịch thời vụ theo quy định của ngành Nông nghiệp tỉnh. Để việc tiêu thụ thuận lợi, hiện Công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định ký kết hợp đồng bao tiêu củ mì với nông dân.

Sau khi thu hoạch tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tính đến nay, nông dân các xã vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã gieo cấy được 9.779 ha lúa, đạt 88,9% so kế hoạch, các xã có diện tích xuống giống đạt chỉ tiêu từ 100% trở lên là: Thạnh Phú, Gia Hòa 2, Tham Đôn, Thạnh Quới. Ngoài các giống lúa chủ lực như: ST5, OM 4900, OM 6162… năm nay nông dân còn chọn các giống ngắn ngày có khả năng chịu mặn để đưa vào sản xuất.

Tiêu chết nhanh, chết chậm (thối gốc, rễ) luôn là nỗi ám ảnh lớn của người nông dân bởi đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một biện pháp nào để khắc phục hiệu quả căn bệnh này. Với người trồng tiêu huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, năm nay lại là một mùa vụ buồn khi mà diện tích tiêu tàn lụi ngày một tăng. Thậm chí, ở nhiều hộ gia đình, số lượng tiêu sống chỉ còn vài trụ.

Mô hình trồng nấm bào ngư xuất hiện ở TX. Gò Công (Tiền Giang) khoảng 2 - 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do người mua phôi nấm không rõ nguồn gốc, người bán không chịu trách nhiệm về chất lượng; đầu ra sản phẩm nấm bấp bênh, dễ bị thương lái ép giá… nên không ít người trồng lâm vào cảnh lỗ vốn, bỏ nghề.