Chặt nhãn, đốn chôm chôm để trồng chanh không hạt

Khoảng 2 năm trở lại đây, chanh (đặc biệt là chanh không hạt) tăng giá mạnh khiến nhà vườn vui ra mặt. Lúc đầu, chanh dao động chỉ ở mức khoảng 10.000 đồng/kg sau đó leo lên 15.000 đồng/kg. Từ Tết Nguyên đán đến nay, chanh giấy và chanh không hạt bán tại vườn luôn nằm ở mức từ 18.000- 20.000 đồng/kg nhưng nguồn cung cũng không đủ cầu.
Một thương lái thu mua chanh ở chợ Cái Chanh, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (TP Cần Thơ), cho biết do thời gian gần đây, khu vực phía Bắc tiêu thụ chanh tăng đột biến nên lượng chanh ở miền Tây đáp ứng không đủ. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu giải khát tăng cao, dẫn đến việc chanh bắt đầu “sốt” giá theo nhiệt độ thời tiết.
Theo các nhà vườn, với giá chanh ở mức 20.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta (ha) sẽ đem về thu nhập trên 150 triệu đồng, cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa và các loại cây khác.
Chính vì nhận thấy việc trồng chanh “ngon ăn” nên thời gian gần đây, hàng loạt nhà vườn ở miền Tây đua nhau tăng diện tích trồng chanh, đặc biệt là chanh không hạt. Thậm chí, có nông dân còn sẵn sàng phá bỏ vườn nhãn, chôm chôm hoặc bỏ lúa để lên bờ trồng chanh không hạt.
Ông Võ Văn Còn, một nông dân ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, cho biết ông vừa cải tạo gần 3 công đất lúa để trồng chanh không hạt. Hiện, ông đang liên hệ với những nơi cung cấp giống chanh này để mua về trồng nhưng chưa tìm được giống ưng ý. “Nhớ lại thời điểm khoảng năm 2011, chanh có lúc chỉ còn 200 đồng/kg. Ai ngờ bây giờ chanh đã tăng giá gấp… 100 lần. Giá chanh cao thì tội gì mình không trồng”- ông Còn cho biết.
Nhà vườn miền Tây đang đua nhau tăng diện tích trồng chanh. Ảnh: Công Tuấn
Ông Nguyễn Trung Thành, một người chuyên cung cấp cây giống ở thị xã Cai Lậy (Tiền Giang), cho biết chanh không hạt giống (cao khoảng 50cm) có giá từ 14.000- 18.000 đồng/cây. Muốn mua số lượng nhiều thì phải đặt trước cả tháng mới có.
Chính vì thế, giá chanh giống cũng đang ở mức cao từ 14.000- 18.000 đồng/cây. Ảnh: Công Tuấn
Theo Khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, cây chanh không hạt được nhập từ Mỹ vào nước ta hơn 10 năm nay. Cây có thể mọc cao đến 6m, thân cây không có gai, có tán lá tròn, trái chùm, không có hạt (hoặc chỉ có vài hạt). Chanh không hạt được nhiều người ưa chuộng và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị do chanh có vỏ mỏng, nước ít chua và không có vị đắng như chanh giấy (nhưng không có mùi thơm đặc trưng bằng chanh giấy), chanh núm.
Loại chanh này hầu như có trái quanh năm, có ít gai, năng suất khoảng 150– 200 kg/năm/cây (tương đương 30 tấn/ha/năm), có sức kháng bệnh rất cao nên ít nhiễm bệnh vàng lá gân xanh như các loại cây có múi khác. Sau khoảng 18 tháng gieo trồng, chanh sẽ bắt đầu cho trái.
Mỗi cây chanh không hạt có thể cho từ 150- 200kg/năm. Ảnh: Công Tuấn
Long An và Tiền Giang là 2 tỉnh có diện tích trồng chanh dẫn đầu khu vực ĐBSCL, với gần 5.000 ha/tỉnh. Cũng nhờ chanh tăng giá trong 2 năm qua nên nhiều triệu phú đã xuất hiện ở 2 địa phương này. Trong khi đó, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) hiện có khoảng 1.000 ha chanh, trong đó đa phần là chanh không hạt. Huyện Châu Thành (Hậu Giang) cũng đang trồng gần 500ha chanh không hạt.
Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang, cho rằng do nhận thấy chanh không hạt là loại cây có nhiều triển vọng và thích hợp với vùng đất huyện Châu Thành nên ngành nông nghiệp của tỉnh đang hướng dẫn bà con nông dân tại đây sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP, gắn với việc tìm đầu ra bền vững.
Trong khi đó, các thương lái thu mua chanh và lãnh đạo ngành nông nghiệp một số địa phương đang tỏ ra e ngại trước việc diện tích chanh đang tăng đột biến, tiềm ẩn nguy cơ bí đầu ra như hành tím Vĩnh Châu và ổi lê Kế Sách ở Sóc Trăng vừa qua.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, nông dân huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đang thu hoạch cá rô đầu vuông, giá bán cho thương lái 29.000 đồng/kg, tăng 6.000-7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi. Với mức giá trên, người nuôi có thu nhập khoảng 700-800 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, số lượng hầm nuôi trong huyện không nhiều.

Cứ mỗi mùa se se gió bấc, khi những cây me chua đất và những nương trồng ném (còn được gọi là hành tăm) đã lên xanh tốt, thì cũng là lúc vào mùa cá cháo (hay còn gọi là cá khoai). Vụ cá cháo năm nay được mùa, những chiếc thuyền nan đầy ắp cá cập bờ, mang lại niềm vui cho nhiều ngư dân vùng bãi ngang Quảng Trị.

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài là nguyên nhân có thể làm cho nhiều loài cá bị chết ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Ngành chức năng và các địa phương đã và đang tăng cường chỉ đạo người dân chống rét nhằm giảm thiểu những thiệt hại do rét gây ra.

Hội thảo báo cáo hiệu quả mô hình nuôi tôm nước đứng của hộ ông Đoàn Thành Công ở xã Đất Mới và mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến của hộ ông Nguyễn Tấn Thành, ở xã Hàm Rồng. 2 mô hình trên cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng một năm.

Ngày 10/12/2013, tại Việt Nam, Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) đã tổ chức 1 buổi hội thảo trực tuyến “Hội chứng tôm chết sớm (EMS): Quản lý dịch bệnh gây tôm chết hàng loạt. Hội thảo có phần trình bày của Chủ tịch GAA, Giáo sư George Chamberlain và trả lời hỏi đáp của Giáo sư Donald Lightner từ Đại học Arizona (Hoa Kỳ) về EMS.