Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chất cấm trong chăn nuôi nhập từ Trung Quốc, dùng tràn lan

Chất cấm trong chăn nuôi nhập từ Trung Quốc, dùng tràn lan
Ngày đăng: 26/11/2015

Trong quá trình tìm đường đi của chất cấm trong chăn nuôi Thanh tra Bộ NN&PTNT tiếp tục phát hiện thêm nhiều chiêu trốn tránh của doanh nghiệp.

Tiếp tục truy

Đến ngày 24/11, Cty TNHH thức ăn chăn nuôi (TACN) Trường Phú (có nhà máy tại Km 50, thành phố Hải Dương) - đơn vị bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng chất cấm trong cám vẫn phải tạm dừng mọi hoạt động.

Cty này đã sử dụng chất cấm tạo nạc “bung đùi, nở mông” Salbutamol và chất nhuộm màu công nghiệp vàng ô để tạo màu cho cám.

Đặc biệt, có những mẫu cám, tỷ lệ dư lượng Salbutamol vượt trên 75 lần mức cho phép.

Đây là hai chất bị cấm sử dụng trong chế biến TACN và có khả năng gây ung thư.

“Vào các bệnh viện, nhìn các cháu ung thư mà quá thương tâm, nên phải lên án việc sử dụng chất cấm.

Cùng với việc đề nghị Quốc hội đưa hành vi sử dụng chất cấm vào xử lý hình sự, việc có nhiều người dân tố giác những đối tượng vi phạm sẽ giúp cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”. Ông Phạm Tiến Dũng Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành - Thanh tra Bộ NN&PTNT

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Văn Thênh, Giám đốc Cty Trường Phú cho biết, công ty đang cho thu hồi các lô cám “dính” chất cấm theo yêu cầu của đoàn thanh tra liên ngành.

“Thấy người ta nói dùng các chất đó thì màu cám đẹp, lợn gà ăn sẽ tăng trọng, dân thích dùng thì chúng tôi làm, chứ chưa lường hết được tác hại của nó.

Chúng tôi đang tuân thủ các yêu cầu từ đoàn thanh tra”- ông Thênh phân bua.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, các lô hàng vi phạm của Cty Trường Phú, sau khi thu hồi sẽ tổ chức tiêu hủy toàn bộ, không cho chuyển đổi mục đích sử dụng, tái chế vì mức độ nghiêm trọng.

Mức độ xử phạt vi phạm trong sử dụng 2 loại chất cấm trên có thể lên tới 280 triệu đồng.

Hiện phía Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đang yêu cầu ông Thênh giải trình, để điều tra nguồn gốc chất cấm.

Trong khi đó, liên quan vụ phát hiện 1 thùng phuy chứa 20 kg chất vàng ô và 10 vỏ thùng phuy hóa chất tạo màu công nghiệp giấy tại kho của Nhà máy Chế biến TACN và Thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên) vẫn chưa có phương án xử lý.

Các thùng hóa chất trên đều có xuất xứ “Made in China”, không được dùng cho chế biến thực phẩm và TACN.

Các mẫu cám lấy tại khu vực sản xuất trên đang chờ kết quả phân tích chất cấm.

Đại diện Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, nhà máy Chế biến TACN và Thủy sản Thăng Long là nơi gia công cho Cty CP Dinh dưỡng Việt Nhật (địa chỉ tại Yên Mỹ, Hưng Yên).

Hai công ty này đang “đổ lỗi” cho nhau.

Do vậy, việc truy các thùng chất cấm đã sử dụng đang gặp khó khăn.

Hiện thùng 20 kg chứa chất vàng ô đang bị niêm phong, chờ xử lý.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, quá trình điều tra, còn phát hiện các công ty sử dụng chất Auramine (một loại phẩm màu công nghiệp) để nhuộm cám như chất vàng ô.

Đây là những chất làm cho cám vàng như bột ngô, đánh lừa người tiêu dùng.

Ngoài ra, chất tạo màu trên còn có công dụng diệt khuẩn, chống nấm mốc, giúp bảo quản được lâu hơn.

Đặc biệt, loại cám màu mè trên, chuyển lên các vùng núi, trung du rất nhiều, vì nhìn màu là người dân thích.

Đường dây nóng đang “nóng” dần

Mới đây, đoàn thanh tra liên ngành tiếp tục kiểm tra các công ty cám ở Bắc Giang và Bắc Ninh và hiện chờ kết quả phân tích mẫu về chất cấm.

“Có hiện tượng là doanh nghiệp lập công ty nhưng không có nhà máy, mà nhờ các nhà máy khác làm gia công, nên hôm nay họ chỗ này, ngày mai có thể chuyển sang làm chỗ khác.

Với các công ty gia công thì khó quản lý, vì bắt chỗ này họ có thể gia công chỗ khác”- đại diện Cục chăn nuôi nói.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, sau hơn một tuần công bố, đường dây nóng tiếp nhận các thông tin vi phạm về chất cấm và an toàn thực phẩm (ATTP) đang “nóng” lên từng ngày.

Theo ông Dũng, sau khi “thông” đường dây nóng, Bộ đã nhận được nhiều tin nhắn, email thông báo về các vi phạm.

Cùng với các thông tin về chất cấm, có cả thông tin báo về: Tình trạng bơm nước trâu bò khi giết mổ; giết mổ lợn chết để bán; nhập lậu nội tạng từ nước ngoài, sau đó dùng hóa chất tẩy trắng.

Sau khi sàng lọc, có khoảng 15 nguồn thông tin có thể triển khai điều tra, chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Hải Dương, Hưng Yên…“Thanh tra Bộ đã xin ý kiến Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, và sẽ có văn bản gửi các giám đốc sở NN&PTNT các tỉnh, phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là công an để xử lý”- ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, sau một thời gian “mạnh tay”, các đối tượng vi phạm về chất cấm có dấu hiệu “thụt vào”, hoạt động ngầm.

Việc bóc dỡ đường dây chất cấm gặp khó khăn, tuy nhiên Thanh tra Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với công an tiếp tục truy các đường dây trên.


Có thể bạn quan tâm

Thành công nhờ liên kết trong sản xuất Thành công nhờ liên kết trong sản xuất

5 năm qua, hàng ngàn lượt hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, Khánh Hòa được đánh giá là một trong số ít tỉnh huy động và sử dụng vốn Quỹ HTND hiệu quả nhất nước.

14/09/2015
Người hồi sinh thung lũng Cọ Phiêng Dìa Người hồi sinh thung lũng Cọ Phiêng Dìa

Không chỉ hồi sinh thung lũng Cọ Phiêng Dìa hoang hóa, anh Lò Văn Nghĩ (bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La) còn trực tiếp hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn bằng chính mô hình trang trại của mình.

14/09/2015
Lạ đời giống gà ta có lông mọc dưới chân Lạ đời giống gà ta có lông mọc dưới chân

Dù chỉ là giống gà ta bình thường chứ không phải loại quý hiếm như gà Tò "tiến vua" ở Quỳ Phụ (Thái Bình) nhưng cặp gà gồm 1 trống, 1 mái của bà Nguyễn Thị Nga (52 tuổi, ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) vẫn có lông phủ từ khuỷu đến tận bàn chân.

14/09/2015
Về thông tin tẩm độc sầu riêng ở Đăk Lăk Coi chừng nông dân vạ lây Về thông tin tẩm độc sầu riêng ở Đăk Lăk Coi chừng nông dân vạ lây

Nhiều cơ sở thu mua sầu riêng tại Đăk Lăk vừa bị phát hiện dùng hóa chất tẩm cho sầu riêng chín nhanh, đều. Chưa biết tác hại thực sự của việc làm này đến đâu, song rõ ràng đã ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Đăk Lăk.

14/09/2015
Thoát cảnh ăn sáng lo trưa, khấm khá hơn nhờ cừu Thoát cảnh ăn sáng lo trưa, khấm khá hơn nhờ cừu

15 năm về trước, kinh tế gia đình anh Nguyễn Thành Nga (thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) rất khó khăn, tình cảnh “ăn sáng lo trưa”. Gia đình anh chỉ khá lên kể từ khi anh vay được nguồn vốn của Ngân hàng NNPTNT huyện Thuận Bắc để làm ăn.

14/09/2015