Chanh Không Hạt Hậu Giang

Ưu điểm của chanh không hạt là cho trái quanh năm, người trồng rất yên tâm về đầu ra.
Hàng chục hộ xã viên của HTXNN Thạnh Phước đang có nguồn thu nhập khá nhờ mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sản phẩm làm ra không chỉ được DN ký kết hợp đồng thu mua cung cấp cho các siêu thị mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Sản phẩm thời hội nhập
Nằm giữa vùng chuyên canh cây ăn trái nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, HTX Thạnh Phước (xã Đông Thạnh, Châu Thành) được nhiều người biết đến nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào SX, mang lại hiệu quả cao cho xã viên.
Ông Nguyễn Văn Chiến (Hai Chiến), Chủ nhiệm HTX Thạnh Phước cho biết: “HTX có 84 xã viên, với diện tích canh tác 97 ha chuyên trồng chanh không hạt. Trong đó, có 17 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đây là mô hình SX an toàn cho người lao động, tuân thủ theo các quy định về ATVSTP.
Tham gia mô hình, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật của chương trình đưa ra như cắt tỉa trái đúng cách, bón phân hợp lý theo nhu cầu sinh trưởng của cây, sử dụng các biện pháp hợp lý để cho trái to, da bóng, bán được giá cao”.
Hiện chanh không hạt của HTX được các đơn vị, doanh nghiệp như Cty Samsan TP HCM; Liên hiệp HTX Co.op (hệ thống siêu thị Co.opMart), Cty Ecofarm (Kiên Giang) ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Theo ông Hai Chiến, lúc đầu áp dụng chương trình cũng gặp một số khó khăn, do bà con đã quen với tập quán SX truyền thống nên khi chuyển sang SX theo quy trình, nhiều hộ có cảm giác bị gò bó.
Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai, bước đầu đã đem lại nhiều kết quả khả quan, giúp cho người nông dân xác định được hướng phát triển kinh tế gia đình bền vững.
Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết, khi bắt tay vào SX theo chuẩn VietGAP, xã viên HTX được cán bộ của phòng hướng dẫn thực hiện. Trong đó, tập trung vào 4 tiêu chí lớn gồm kỹ thuật SX, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc.
Ngoài ra, để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho các hộ dân, huyện còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang".
Khi SX theo chuẩn VietGAP, sản phẩm làm ra được thu mua tại chỗ, được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, được quảng bá và tăng giá trị sản phẩm trên 30%. Ngoài ra, người nông dân còn được hỗ trợ vật tư như cây giống, phân hữu cơ, thuốc BVTV…
Không chỉ làm theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều xã viên của HTX còn mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu là GlobalGAP. Hiện nay, HTX Thạnh Phước đã có 15/17 ha chanh không hạt được Cty The Fruit - Republic (100% vốn của Hà Lan) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài.
Đồng tình
Ông Đặng Văn Việt, xã viên HTX Thạnh Phước cho biết: “Với 1 ha đất vườn, trước kia gia đình chỉ trồng lêkima và lê, nhưng sau nhiều năm trồng không hiệu quả, thấy HTX trồng chanh không hạt cho năng suất và lợi nhuận kinh tế cao nên đã mạnh dạn xin tham gia và mua cây giống về trồng. Hiện gia đình đã trồng được 500 gốc chanh trên 5 công vườn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vào thời điểm này, chanh đang cho thu hoạch lứa đầu, cứ 1 tháng hái trái 2 -3 lần, mỗi lần thu hoạch được 200 - 300 kg, bán với giá 10.000 đ/kg, sau khi trừ đi các khoản chi phí, gia đình thu lợi nhuận trên 18 triệu đồng. Chắc chắn khi cây đã trưởng thành, thu nhập sẽ còn cao hơn nhiều”.
Theo ông Việt, chanh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tuy tốn nhiều công sức hơn nhưng bù lại giá bán sẽ tăng lên 30% so với SX truyền thống và có đầu ra ổn định. Do thời gian này, cây còn tơ nên cho năng suất chưa cao, nhưng năm sau, sản lượng trái sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba lần.
Ưu điểm của chanh không hạt là cho trái quanh năm nên nhiều người trong vùng đã phá cây tạp để đưa cây chanh vào thay thế. Hiện nay, người trồng chanh không hạt ở HTX rất yên tâm về đầu ra, vì sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu, đóng gói và đưa đi tiêu thụ.
Theo các thành viên HTX Thạnh Phước, SX theo VietGAP không quá khó, chỉ cần chịu khó ghi chép sổ nhật ký và tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật mỗi khi phun thuốc hay bón phân là được. Lúc đầu, tuy có bỡ ngỡ nhưng dần dần đã trở thành thói quen. Ngoài ra, khi tham gia HTX, ngoài việc được hỗ trợ, cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng, còn được học hỏi kinh nghiệm từ các nhà khoa học.
Bên cạnh đó, được hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm thông qua các buổi tập huấn được duy trì hàng tháng tại HTX. Sau mỗi cuộc họp, còn tổ chức tham quan vườn và trực tiếp hướng dẫn, trao đổi kiến thức về chăm sóc cây, phòng trừ sâu bệnh trên từng đối tượng cụ thể. Từ đó, giúp cây phát triển tốt, ít bị vàng lá, lợi nhuận tăng lên đáng kể, nên nông dân rất yên tâm sản xuất.
Ông Lê Văn Đời, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho rằng, SX theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người SX và tiêu dùng khi tiếp cận sản phẩm. Ngoài ra, chương trình này còn bảo vệ môi trường không làm ảnh hưởng đến tài nguyên đất và nước, không những cho thế hệ này mà cả mai sau. SX theo VietGAP sẽ tạo cho sản phẩm đồng đều, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với các mặt hàng khác trong thời kỳ hội nhập.
Có thể bạn quan tâm

Ông Thành cho biết: Giống điều ghép có sức đề kháng tốt, có khả năng chống lại nhiều loại nấm bệnh gây hại nên cho sản lượng cao. Nếu giống điều thường trồng trên địa bàn xã cho năng suất cao nhất từ 2-3 tấn/ha thì điều ghép đạt từ 3,3-4 tấn/ha.

Nông dân Ba Tri (Bến Tre) được mùa, lúa đạt năng suất bình quân gần 6 tấn/ha. Giá lúa hiện nay từ 5.400-5.700 đồng/kg, trong khi giá thành cũng ở khoảng đó, khiến cho đa số hộ chỉ hòa vốn.

Những năm gần đây nông dân ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A, Cái Bè, Tiền Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Chẳng hạn như mô hình trồng dưa leo của anh Võ Văn Đông mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp gia đình anh phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty ca cao Nguyên Lộc (TX.Long Khánh, Đồng Nai) - đơn vị hợp tác với Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai tổ chức nhân giống ca cao và thử nghiệm mô hình trồng xen canh ca cao với các loại cây trồng khác - cho biết, năm 2013 công ty đã cung cấp trên 100 tấn hạt ca cao đã lên men cho Tập đoàn Grand – Place.

Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL – Trường Đại học Cần Thơ tổ chức nghiệm thu và chuyển giao cho nông dân ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín gắn với mô hình canh tác màu tiết kiệm nước.