Chanh Không Hạt Cứu Cánh Của Người Nghèo

Những năm gần đây, người dân ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) ngày càng gắn bó với mô hình trồng chanh không hạt. Nhờ loại cây này, nhiều hộ dân trong xã đã ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Đầu năm 2012, xã Đông Phước A có 411 hộ nghèo, đến cuối năm giảm còn 283 hộ. Có được kết quả đó là cả quá trình phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương. Ngoài thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, như: xây dựng nhà ở, xét vay vốn ưu đãi, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế,… thời gian qua, địa phương còn kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ người dân thực hiện mô hình trồng chanh không hạt.
Các cán bộ kỹ thuật ở xã thường xuyên tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về cách thức trồng chanh không hạt cho người dân để mọi người có thêm kinh nghiệm, nhằm thu được năng suất và lợi nhuận cao khi thực hiện mô hình này. Vì vậy, nhiều hộ đã thoát được cảnh nghèo.
Nhờ trồng chanh không hạt mà đời sống của gia đình anh Hồ Duy Thanh, ở ấp Phước Long ổn định hơn. Giữa năm 2011, gia đình anh được chính quyền địa phương xét hỗ trợ 180 cây chanh không hạt. Gia đình anh đem trồng trên diện tích 1,5 công đất vườn.
Được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn chanh không hạt của anh sinh trưởng và phát triển tốt, sau 18 tháng bắt đầu cho trái. Bình quân mỗi tháng, gia đình anh xuất bán được vài chục kilôgam. Hiện nay, vào thời điểm mùa mưa, nên chanh không hạt được thu mua với giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg.
Nhưng đến mùa nắng, giá chanh không hạt có thể lên đến gần 30.000 đồng/kg. Chính vì vậy, người trồng chanh không hạt có thể thu lợi nhuận cao với mô hình làm ăn này. Theo anh Thanh, chanh không hạt rất dễ trồng, ít bị sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, nhưng cho lợi nhuận khá cao. Từ ngày trồng chanh không hạt, đời sống kinh tế gia đình anh đỡ vất vả hơn so với thời gian trước.
Vì vậy, anh luôn cố gắng chăm sóc tốt vườn chanh không hạt của mình, nhằm cải thiện thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống. Với đức tính cần cù, siêng năng chịu khó, đặc biệt là áp dụng mô hình làm ăn có hiệu quả vào sản xuất đã giúp đời sống gia đình anh Thanh ổn định và vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2012.
Không chỉ gia đình anh Thanh mà chị Hồ Thị Hồng Loan, ở ấp Phước Long cũng quyết tâm thoát nghèo với mô hình trồng chanh không hạt. Chị Loan tâm sự: “Thấy nhiều người trong khu vực thành công với cây chanh không hạt. Đặc biệt, một số hộ nghèo trở nên khấm khá hơn nhờ trồng chanh không hạt. Vì vậy, tôi quyết định đầu tư vào loại cây này, hy vọng có thể “đổi đời”, để có điều kiện chăm lo cuộc sống gia đình tốt hơn”.
Được biết, trước đây hoàn cảnh gia đình chị Loan hết sức khó khăn, hàng ngày hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Được chính quyền địa phương xét vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, chị liền mua 200 cây chanh không hạt về trồng.
Thấu hiểu được sự cơ cực, vất vả của cảnh nghèo, cho nên từ lúc trồng chanh không hạt, gia đình chị Loan luôn cố hết sức chăm sóc, tạo điều kiện để chanh phát triển tốt, nhằm thu được năng suất cao. Với mô hình trồng chanh không hạt này, chị Loan tin rằng, thu nhập gia đình sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Cho nên, chị đăng ký thoát nghèo trong năm 2013.
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phước cho biết, nhận thấy chanh không hạt là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, có giá bán tương đối ổn định trên thị trường, cho nên địa phương khuyến khích mọi người tham gia thực hiện mô hình này.
Từ những kết quả đạt được của mô hình trồng chanh không hạt, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này trong toàn xã để giúp bà con cải thiện thu nhập. Từ đó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được nâng cao về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, Vĩnh Long, thời gian này cá tra phát triển khá tốt, các cơ sở nuôi đang tiếp tục thả giống. Giá thu mua cá tra nguyên liệu trong tháng tăng nhẹ, dao động từ 24.500-25.500 đồng/kg, người nuôi có lãi.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau vừa phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình tổ chức buổi hội thảo đánh giá kết quả mô hình cánh đồng mẫu lớn luân canh lúa - tôm tại hộ ông Trần Thanh Bình, ở ấp Hà Phúc Ứng, xã Biển Bạch.

Có khá nhiều lô hàng tôm bán qua Nhật vi phạm bị trả về trong tháng 3 và 4-2014 khiến nhiều nhà nhập khẩu Nhật có xu hướng quay sang nhập khẩu tôm từ Indonesia và Ấn Độ.

Bà Tô Tuệ Lang - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận vừa cho biết: Hiện 100% sản phẩm mực khô của địa phương vẫn chưa vào lại được thị trường Nhật Bản.

Câu chuyện một doanh nghiệp trồng mía, mang đường từ Lào về Việt Nam với giá thành sản xuất thấp đã đánh một “hồi chuông báo động” cho ngành mía đường Việt Nam.