Chàng Thanh Niên Mê Cây Cà Phê

Nguyễn Ngọc Tứ, bản Hua Nguống, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng được mọi người gọi bằng cái tên “Chàng thanh niên mê cây cà phê”.
Anh hiện là một trong 30 chủ trang trại cà phê lớn của huyện Mường Ảng và là thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế của Huyện đoàn, đoạt giải Lương Định Của - giải dành cho nhà nông trẻ xuất sắc trong năm 2010.
Nguyễn Ngọc Tứ tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên. Năm 2004 anh ra trường về công tác tại Trường THCS Ẳng Nưa. Trong quá trình công tác tại trường, anh luôn là người thầy mẫu mực, song do sự đam mê làm kinh tế, chàng trai thế hệ 8X này đã quyết định xa nghề để đến với cây cà phê.
Năm 2006, Nguyễn Ngọc Tứ trồng 10ha cà phê. Anh vừa làm vừa khai hoang diện tích để mở rộng trang trại. Mặc dù ngày đầu làm cà phê anh Tứ gặp nhiều khó khăn: vốn liếng không có, tuổi đời trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, kỹ thuật canh tác cũng không. Vừa trồng anh vừa rút kinh nghiệm sau mỗi vụ.
Đợt nào sâu bệnh, rụng lá… anh đều ghi chép vào sổ, tìm hiểu nguyên nhân. Anh thường xuyên tra cứu những sách hướng dẫn về trồng cà phê; trang Website nói về cây cà phê. Đến các chủ trang trại làm cà phê lâu năm học hỏi kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn do huyện tổ chức. Vì vậy, vườn cà phê của anh phát triển nhanh và cho những đợt quả bói đầu tiên.
Theo anh Tứ thì đất Mường Ảng rất phù hợp trồng cà phê, chính vì vậy, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng cùng với số tiền tích cóp được sau bao năm lao động vất vả đầu tư mở rộng diện tích cà phê. Đến nay, trang trại cà phê của anh Tứ đã phát triển thành 20ha, cho thu nhập 800 triệu đồng. Trang trại cà phê của anh đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương mỗi khi vào vụ thu hoạch cũng như đến kỳ làm cỏ, bón phân, cắt tỉa cành.
Ngoài trồng cà phê, Nguyễn Ngọc Tứ còn đào 2.000m2 ao nuôi cá; nuôi gà thả vườn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Giờ đây, không chỉ là thanh niên làm cà phê giỏi, Nguyễn Ngọc Tứ còn thường xuyên giúp đỡ bà con trong bản Hua Nguống về kỹ thuật chăm sóc cà phê; tham gia công tác xã hội từ thiện do các cấp, đặc biệt các phong trào do Huyện đoàn phát động…
Có thể bạn quan tâm

An toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, để có nông sản thực phẩm an toàn đòi hỏi có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và các cấp quản lý, giám sát chất lượng các sản phẩm nông sản (rau, củ, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm…) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Đến nay ngoài Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (ALC II) đổ bể, lại có Công ty Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su VN) bị đề nghị giải thể, để lại khoản lỗ trên 1.770 tỉ đồng.

Tuy không phải vụ chính nhưng sản xuất cây vụ đông ở huyện Định Hóa những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện rõ nét qua sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con với việc mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng có năng suất cao vào sản xuất...

Tuy tiềm lực không thể so sánh với các Cty có vốn ngoại, nhưng một số Cty chăn nuôi có vốn nội cũng đã và đang mạnh dạn phát triển theo hướng trở thành một Cty thực phẩm, khép kín từ đầu vào, chăn nuôi tới giết mổ, chế biến và tiêu thụ. Một ví dụ điển hình là Cty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood).

Với 20 xã nông thôn, đến hết tháng 10, bình quân tiêu chí của huyện đã đạt 13,7 tiêu chí/xã, tăng 8,9 tiêu chí/xã so với năm 2011. Đây là mức tăng mạnh không chỉ với Thái Nguyên mà còn với nhiều địa phương khác của các tỉnh trung miền núi phía Bắc (bình quân tiêu chí của các địa phương trong vùng chỉ tăng từ 5-6 tiêu chí).