Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học Hạn Chế Dịch Bệnh

Chăn Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học Hạn Chế Dịch Bệnh
Ngày đăng: 04/11/2013

Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi vịt ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã thực hiện mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học (ATSH) nhằm hạn chế dịch bệnh, cung ứng nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực.

CHO LÃI CAO, ÍT DỊCH BỆNH

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, tổng đàn vịt của huyện hiện có khoảng 480.000 con, trong đó có hơn 200.000 con vịt đẻ trứng, đây là đàn vịt được nuôi duy trì suốt năm. Các nơi có nghề nuôi vịt khá tập trung là xã Hòa Xuân Đông, thị trấn Hòa Vinh… Nghề nuôi vịt đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân của địa phương. Tuy nhiên, vì người nuôi vịt có tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi chạy đồng, ít chú trọng đến công tác tiêm phòng và phòng ngừa dịch bệnh nên nghề chăn nuôi vịt đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có thể lây sang người. Trước thực trạng này, nhiều ngành chức năng đã quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi vịt địa phương những biện pháp chăn nuôi hiệu quả, an toàn. Trong đó, nuôi vịt ATSH là mô hình được nhiều người dân tin tưởng và lựa chọn.

Tháng 4/2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình điểm nuôi vịt sinh sản ATSH tại xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa). Qua đó, người dân được tuyên truyền, hướng dẫn để thay đổi thói quen chăn nuôi, hướng đến hình thức chăn nuôi bán công nghiệp với mô hình ATSH, cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.

Ông Đặng Văn Chức ở thôn Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Đông), một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: “Trước đây, chúng tôi thường nuôi vịt theo kiểu chạy đồng, ít quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, vệ sinh môi trường nên đàn vịt thường bị dịch bệnh. Đồng thời, việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc chưa đúng, cho vịt ăn thất thường nên thời điểm bước vào sinh sản không đồng đều, tỉ lệ trứng thấp. Từ khi tham gia mô hình, được cán bộ hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng dịch, vệ sinh môi trường, đàn vịt có tỉ lệ sinh sản đạt hơn 85%, tỉ lệ cho trứng khoảng 90%, trứng to, trọng lượng vịt tăng… vượt trội so với cách nuôi trước đây nên lợi nhuận thu được cũng tăng cao. Bình quân mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng/1.000 con vịt sinh sản, nguồn thu nhập này sẽ tăng thêm nếu số lượng nuôi nhiều hơn”. Còn ông Trần Hoa ở thôn Phú Khê 1 (xã Hòa Xuân Đông) cho hay: Mặt nổi trội nhất của mô hình nuôi vịt ATSH là dịch bệnh được hạn chế đáng kể. Trong gần 2 năm nuôi vịt theo mô hình này, đàn vịt không hề bị nhiễm bệnh gì. Theo ông Hoa, khi nuôi theo mô hình ATSH, ngay từ đầu vào đàn vịt đã được chọn giống tốt, cộng với việc không cho chạy đồng, thực hiện đầy đủ việc tiêm vắc xin phòng bệnh, xử lý chất thải nên dịch bệnh được hạn chế, rủi ro cũng giảm hẳn.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Nhận thấy hiệu quả mà mô hình nuôi vịt ATSH mang lại, nhiều hộ chăn nuôi vịt trên địa bàn và những địa phương khác đã học tập, làm theo. Ông Chức cho biết: Thời gian qua, có nhiều hộ chăn nuôi vịt đến tham quan và học hỏi. Sau khi được gia đình hướng dẫn, nhận thấy hiệu quả nên nhiều người đã đăng ký mua giống về nuôi. Đến nay, tôi đã cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 con giống Khaki Campbell từ mô hình cho người chăn nuôi. Trong đó, 7.000 con được cung ứng cho các hộ nuôi trên địa bàn huyện, hiện vẫn còn nhiều hộ tiếp tục đặt mua giống để nuôi theo mô hình này. Ông Nguyễn Tín ở xã Hòa Xuân Đông cho hay: Qua tham quan, học tập, nhận thấy hiệu quả và những lợi ích thiết thực từ mô hình mang lại, trong vụ tới tôi sẽ chuyển sang đầu tư nuôi vịt theo mô hình ATSH nhằm hạn chế dịch bệnh và cung ứng nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Theo ông Phan Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông, từ những mô hình điểm chăn nuôi vịt ATSH được triển khai trên địa bàn, đến nay nhiều hộ nuôi vịt của địa phương đã tiếp cận được quy trình nuôi này. Nhận thấy những hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại nên nhiều hộ chăn nuôi đã thay đổi được thói quen, giảm hẳn tình trạng nuôi vịt chạy đồng. Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Với những kết quả đạt được từ mô hình điểm ở huyện Đông Hòa, trung tâm đang tiếp tục triển khai mô hình này ở huyện Phú Hòa với mục đích đưa đến cho người dân những mô hình chăn nuôi bền vững, hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ môi trường.


Có thể bạn quan tâm

Phong Trào Phát Triển Kinh Tế Ở Xã Mường Nhé Phong Trào Phát Triển Kinh Tế Ở Xã Mường Nhé

Hiện nay, nông dân ở hầu hết các xã trong huyện Mường Nhé đều gặp khó khăn về phát triển kinh tế hộ gia đình, do chưa được tiếp cận những kiến thức mới trong làm ăn và không có vốn đầu tư.

13/07/2013
Chấn Chỉnh Kinh Doanh Giống Thủy Sản Chấn Chỉnh Kinh Doanh Giống Thủy Sản

Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về quản lý giống thủy sản (gọi tắt là Thông tư 26) có hiệu lực từ ngày 5.7 là cơ sở để Quảng Nam chấn chỉnh hoạt động sản xuất, mua bán con giống thủy sản trên địa bàn.

13/07/2013
Ninh Bình Được Cấp 20 Tấn Hóa Chất Phòng, Chống Dịch Bệnh Tôm Nuôi Ninh Bình Được Cấp 20 Tấn Hóa Chất Phòng, Chống Dịch Bệnh Tôm Nuôi

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1119/QĐ-TTg, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp &PTNT xuất cấp (không thu tiền) 20 tấn hóa chất Chlorine thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh Ninh Bình phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.

15/07/2013
Trao Giấy Chứng Nhận Nhãn Hiệu Cá Rô Hậu Giang Trao Giấy Chứng Nhận Nhãn Hiệu Cá Rô Hậu Giang

Mới đây, tại UBND huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu cá rô Hậu Giang cho Hợp tác xã thương mại, dịch vụ nông nghiệp - cá rô đồng Long Mỹ, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn.

15/07/2013
Bùng Phát Dịch Tai Xanh Ở Đắk Lắk Bùng Phát Dịch Tai Xanh Ở Đắk Lắk

Việc khống chế dịch được các ngành chức năng sớm vào cuộc, nhưng do nguồn vaccine được nhà nước hỗ trợ về địa phương chậm, đã làm cho dịch bệnh bùng phát mạnh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

15/07/2013