Chăn nuôi vào vụ tết

Người chăn nuôi gà đang tăng đàn để đón vụ tết
Tăng đàn gia súc, gia cầm
Theo nhiều hộ chăn nuôi, những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của thị trường tăng mạnh nhất, đặc biệt vào các dịp lễ noel, tết dương lịch và tết cổ truyền.
Chính vì vậy, hiện hầu hết hộ chăn nuôi ở các địa phương đã bắt đầu tăng đàn, vào vụ chăn nuôi tết.
Bà Trần Thị Thanh Hoa ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa), cho biết: Gia đình tôi vừa thả lứa heo mới với 20 con giống, đây là lứa heo nuôi để bán vào dịp tết cổ truyền sắp tới.
Còn trước đó, gia đình bà Hoa cũng đã nuôi một lứa khác, khoảng 2 tháng nữa sẽ xuất chuồng, kịp cung ứng cho thị trường tiêu thụ dịp tết dương lịch.
Tương tự, ông Đỗ Thành ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), cho hay: Để chuẩn bị cho vụ heo tết, hơn 1 tháng trước, tôi đã đặt mua 30 con giống tại một số hộ chuyên nuôi heo sinh sản ở địa phương.
Vài ngày nữa, tôi sẽ cho nhập đàn, nuôi thúc đến tháng 11 (âm lịch) là kịp xuất bán cho vụ tết.
Theo ông Tống Văn Đường, Trưởng Trạm Thú y huyện Tuy An, các loại vật nuôi như heo, gà, vịt thường có thời gian nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất bán.
Vì vậy, mỗi năm cứ khoảng tầm tháng 9 (âm lịch) là các hộ chăn nuôi ở địa phương bắt đầu bước vào vụ tết.
Bà con tranh thủ tăng đàn để kiếm thêm thu nhập vào dịp cuối năm.
Chính nhu cầu tăng đàn của người chăn nuôi tăng cao nên giá heo giống cũng rục rịch tăng theo.
Hiện heo giống được mua bán, trao đổi trong dân có giá khoảng 60.000 đồng/kg hơi, tăng khoảng 7.000 đồng/kg so với các tháng trước đây.
Còn tại các trang trại, heo giống được bán với giá 87.000 đồng/kg.
Ông Võ Hoài Văn, chủ trang trại heo giống siêu nạc Đông Hòa ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho biết: Hiện tôi đang đầu tư nuôi 120 con heo nái, bình quân mỗi tháng cung ứng cho thị trường khoảng 300 con giống.
Những tháng trước, ngoài cung ứng cho người chăn nuôi trong tỉnh, trang trại còn cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi ở các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa.
Hiện nhu cầu heo giống tại tỉnh đang tăng mạnh, trang trại tập trung cung ứng giống cho người chăn nuôi của tỉnh, không chuyển ra tỉnh ngoài nữa.
Đón đầu vụ tết, không riêng các hộ chăn nuôi heo tăng đàn mà các hộ chăn nuôi gia cầm cũng mạnh dạn đầu tư tăng đàn.
Ông Nguyễn Văn Lan ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, cho biết: Để cung ứng thực phẩm cho thị trường cuối năm, hiện gia đình tôi đã tăng thêm 1.500 con gà giống, nâng tổng đàn lên 3.000 con.
Ông Võ Trí Tâm ở xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) cũng đã đầu tư thêm dãy chuồng mới và thả 2.000 con gà ta giống.
Dự kiến, lứa gà này sẽ kịp cung ứng thị trường vào dịp tết cổ truyền.
Chú trọng phòng dịch
Bên cạnh việc tập trung tăng đàn, đón vụ tết, hiện người chăn nuôi cũng quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Theo bà Lê Thị Nhàn ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, để bảo đảm an toàn cho đàn heo, lần này gia đình bà đặt mua giống tại trại heo giống siêu nạc Đông Hòa.
Mặc dù giá giống ở đây cao hơn nhiều so với heo giống trôi nổi ngoài thị trường nhưng đổi lại, con giống được đảm bảo sạch bệnh, khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt, khả năng chống chịu với mầm bệnh cao, khi nuôi sẽ ít bị rủi ro vì dịch bệnh.
Ngoài việc đầu tư con giống, người chăn nuôi ở các địa phương cũng rất chú trọng đến việc vệ sinh môi trường và tiêm phòng vắc xin.
Theo ông Nguyễn Văn Lan, để đảm bảo vệ sinh môi trường, ngoài việc vệ sinh chuồng nuôi còn phun thuốc tiêu độc môi trường định kỳ 2 lần/tuần.
Công việc này khá đơn giản nhưng hiệu quả phòng dịch mang lại rất cao vì môi trường chăn nuôi sạch sẽ, mầm bệnh cũng hạn chế phát sinh.
Còn ông Trần Văn Thành ở xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), cho hay: Gia đình tôi chuyên nuôi bò vỗ béo để bán thịt.
Mỗi con bò giống khi mua về có giá khoảng 25 triệu đồng, sau khoảng 3 đến 4 tháng nuôi thúc sẽ bán được khoảng 30 triệu đồng.
Gia đình tôi cũng đang đầu tư nuôi vỗ béo 5 con bò thịt với giá trị hơn 120 triệu đồng, đây là tài sản lớn của gia đình.
Vì vậy tôi rất chú trọng đến khâu phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để tăng sức đề kháng cho đàn bò.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Đang là thời điểm người chăn nuôi bắt đầu bước vào vụ tết, đàn gia súc và gia cầm sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên nguy cơ phát sinh mầm bệnh sẽ rất cao.
Để hạn chế dịch bệnh xảy ra, ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi phải mua con giống ở các trại giống uy tín; thực hiện tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi theo quy định; vệ sinh chuồng nuôi, tiêu độc sát trùng môi trường theo định kỳ ít nhất 1 lần/tuần; tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất cho vật nuôi…
Có thể bạn quan tâm

Trao đổi về tình hình sản xuất khoai lang trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tuy Đức cho biết: “Từ tháng 6/2012, huyện Tuy Đức đã xây dựng vườn ươm giống khoai lang Nhật Bản bằng phương pháp nuôi cấy mô với diện tích 2 ha. Bắt đầu từ năm 2013, mỗi 1 ha cung cấp cây giống thế hệ F1 đủ trồng cho 30 ha.

Giống lúa là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng thu hoạch trên diện tích canh tác. Vì vậy, vụ mùa năm 2014 Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình triển khai sản xuất thử giống lúa thuần TBR225 tại xã Pom Lót (huyện Điện Biên).

Huyện Thống Nhất có khoảng 3.300 hécta đất đồi đá thuộc các xã: Quang Trung, Gia Tân 3... trước đây chủ yếu chuyên canh cây chuối vì chịu được khô hạn. Từ khi chương trình nông thôn mới đưa điện về tận các thôn, ấp, đảm bảo phục vụ sản xuất, người dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích những cây trồng cho hiệu quả cao.

Trong các năm qua, nguồn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có chính sách hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL như: cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá, chính sách cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch để khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị nông nghiệp.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm. Tuy nhiên kết quả vẫn còn thiếu chặt chẽ và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.