Chăn nuôi vào vụ tết

Người chăn nuôi gà đang tăng đàn để đón vụ tết
Tăng đàn gia súc, gia cầm
Theo nhiều hộ chăn nuôi, những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của thị trường tăng mạnh nhất, đặc biệt vào các dịp lễ noel, tết dương lịch và tết cổ truyền.
Chính vì vậy, hiện hầu hết hộ chăn nuôi ở các địa phương đã bắt đầu tăng đàn, vào vụ chăn nuôi tết.
Bà Trần Thị Thanh Hoa ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa), cho biết: Gia đình tôi vừa thả lứa heo mới với 20 con giống, đây là lứa heo nuôi để bán vào dịp tết cổ truyền sắp tới.
Còn trước đó, gia đình bà Hoa cũng đã nuôi một lứa khác, khoảng 2 tháng nữa sẽ xuất chuồng, kịp cung ứng cho thị trường tiêu thụ dịp tết dương lịch.
Tương tự, ông Đỗ Thành ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), cho hay: Để chuẩn bị cho vụ heo tết, hơn 1 tháng trước, tôi đã đặt mua 30 con giống tại một số hộ chuyên nuôi heo sinh sản ở địa phương.
Vài ngày nữa, tôi sẽ cho nhập đàn, nuôi thúc đến tháng 11 (âm lịch) là kịp xuất bán cho vụ tết.
Theo ông Tống Văn Đường, Trưởng Trạm Thú y huyện Tuy An, các loại vật nuôi như heo, gà, vịt thường có thời gian nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất bán.
Vì vậy, mỗi năm cứ khoảng tầm tháng 9 (âm lịch) là các hộ chăn nuôi ở địa phương bắt đầu bước vào vụ tết.
Bà con tranh thủ tăng đàn để kiếm thêm thu nhập vào dịp cuối năm.
Chính nhu cầu tăng đàn của người chăn nuôi tăng cao nên giá heo giống cũng rục rịch tăng theo.
Hiện heo giống được mua bán, trao đổi trong dân có giá khoảng 60.000 đồng/kg hơi, tăng khoảng 7.000 đồng/kg so với các tháng trước đây.
Còn tại các trang trại, heo giống được bán với giá 87.000 đồng/kg.
Ông Võ Hoài Văn, chủ trang trại heo giống siêu nạc Đông Hòa ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho biết: Hiện tôi đang đầu tư nuôi 120 con heo nái, bình quân mỗi tháng cung ứng cho thị trường khoảng 300 con giống.
Những tháng trước, ngoài cung ứng cho người chăn nuôi trong tỉnh, trang trại còn cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi ở các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa.
Hiện nhu cầu heo giống tại tỉnh đang tăng mạnh, trang trại tập trung cung ứng giống cho người chăn nuôi của tỉnh, không chuyển ra tỉnh ngoài nữa.
Đón đầu vụ tết, không riêng các hộ chăn nuôi heo tăng đàn mà các hộ chăn nuôi gia cầm cũng mạnh dạn đầu tư tăng đàn.
Ông Nguyễn Văn Lan ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, cho biết: Để cung ứng thực phẩm cho thị trường cuối năm, hiện gia đình tôi đã tăng thêm 1.500 con gà giống, nâng tổng đàn lên 3.000 con.
Ông Võ Trí Tâm ở xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) cũng đã đầu tư thêm dãy chuồng mới và thả 2.000 con gà ta giống.
Dự kiến, lứa gà này sẽ kịp cung ứng thị trường vào dịp tết cổ truyền.
Chú trọng phòng dịch
Bên cạnh việc tập trung tăng đàn, đón vụ tết, hiện người chăn nuôi cũng quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Theo bà Lê Thị Nhàn ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, để bảo đảm an toàn cho đàn heo, lần này gia đình bà đặt mua giống tại trại heo giống siêu nạc Đông Hòa.
Mặc dù giá giống ở đây cao hơn nhiều so với heo giống trôi nổi ngoài thị trường nhưng đổi lại, con giống được đảm bảo sạch bệnh, khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt, khả năng chống chịu với mầm bệnh cao, khi nuôi sẽ ít bị rủi ro vì dịch bệnh.
Ngoài việc đầu tư con giống, người chăn nuôi ở các địa phương cũng rất chú trọng đến việc vệ sinh môi trường và tiêm phòng vắc xin.
Theo ông Nguyễn Văn Lan, để đảm bảo vệ sinh môi trường, ngoài việc vệ sinh chuồng nuôi còn phun thuốc tiêu độc môi trường định kỳ 2 lần/tuần.
Công việc này khá đơn giản nhưng hiệu quả phòng dịch mang lại rất cao vì môi trường chăn nuôi sạch sẽ, mầm bệnh cũng hạn chế phát sinh.
Còn ông Trần Văn Thành ở xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), cho hay: Gia đình tôi chuyên nuôi bò vỗ béo để bán thịt.
Mỗi con bò giống khi mua về có giá khoảng 25 triệu đồng, sau khoảng 3 đến 4 tháng nuôi thúc sẽ bán được khoảng 30 triệu đồng.
Gia đình tôi cũng đang đầu tư nuôi vỗ béo 5 con bò thịt với giá trị hơn 120 triệu đồng, đây là tài sản lớn của gia đình.
Vì vậy tôi rất chú trọng đến khâu phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để tăng sức đề kháng cho đàn bò.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Đang là thời điểm người chăn nuôi bắt đầu bước vào vụ tết, đàn gia súc và gia cầm sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên nguy cơ phát sinh mầm bệnh sẽ rất cao.
Để hạn chế dịch bệnh xảy ra, ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi phải mua con giống ở các trại giống uy tín; thực hiện tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi theo quy định; vệ sinh chuồng nuôi, tiêu độc sát trùng môi trường theo định kỳ ít nhất 1 lần/tuần; tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất cho vật nuôi…
Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi nhiều mặt hàng nông sản chính có suy giảm về cả lượng và giá trị xuất khẩu thì xuất khẩu hạt điều vẫn duy trì đà tăng trưởng khá.

Giống dưa hấu có vỏ đốm vàng như hình mặt trăng và ngôi sao li ti khiến không ít người mê mẩn tìm mua.

Mấy năm gần đây, cứ đến mùa mưa là “đốm nâu” phát triển lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn cho người trồng thanh long. Năm 2014, lúc cao điểm toàn tỉnh Bình Thuận có trên 12,7 ngàn ha, chiếm trên 53% diện tích thanh long bị nhiễm bệnh. Năm nay tuy mới bước vào đầu mùa mưa cũng đã có trên 7,7 ngàn ha bị bệnh, cao hơn cùng kỳ 2014 gần 400 ha. Diện tích bị bệnh chủ yếu là vùng trồng thanh long tập trung ở Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc.

Mùa nước nổi, cua đồng ở các huyện biên giới Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) được xếp vào hàng đặc sản luôn được thị trường săn đón nên dù giá cao vẫn luôn ở tình trạng "cháy hàng".

Sau một thời gian đứng ở mức cao, gần đây giá nhiều loại thực phẩm tươi sống tại thị trường TP Cần Thơ đã "hạ nhiệt" so với trước. Nguồn hàng dồi dào, giới kinh doanh dự đoán nhiều loại thủy sản, thịt gia cầm và thịt heo sẽ còn tiếp tục giảm giá hoặc bình ổn trong thời gian tới.