Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn nuôi vào vụ tết

Chăn nuôi vào vụ tết
Ngày đăng: 21/10/2015

Người chăn nuôi gà đang tăng đàn để đón vụ tết

Tăng đàn gia súc, gia cầm

Theo nhiều hộ chăn nuôi, những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của thị trường tăng mạnh nhất, đặc biệt vào các dịp lễ noel, tết dương lịch và tết cổ truyền.

Chính vì vậy, hiện hầu hết hộ chăn nuôi ở các địa phương đã bắt đầu tăng đàn, vào vụ chăn nuôi tết.

Bà Trần Thị Thanh Hoa ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa), cho biết: Gia đình tôi vừa thả lứa heo mới với 20 con giống, đây là lứa heo nuôi để bán vào dịp tết cổ truyền sắp tới.

Còn trước đó, gia đình bà Hoa cũng đã nuôi một lứa khác, khoảng 2 tháng nữa sẽ xuất chuồng, kịp cung ứng cho thị trường tiêu thụ dịp tết dương lịch.

Tương tự, ông Đỗ Thành ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), cho hay: Để chuẩn bị cho vụ heo tết, hơn 1 tháng trước, tôi đã đặt mua 30 con giống tại một số hộ chuyên nuôi heo sinh sản ở địa phương.

Vài ngày nữa, tôi sẽ cho nhập đàn, nuôi thúc đến tháng 11 (âm lịch) là kịp xuất bán cho vụ tết.

Theo ông Tống Văn Đường, Trưởng Trạm Thú y huyện Tuy An, các loại vật nuôi như heo, gà, vịt thường có thời gian nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất bán.

Vì vậy, mỗi năm cứ khoảng tầm tháng 9 (âm lịch) là các hộ chăn nuôi ở địa phương bắt đầu bước vào vụ tết.

Bà con tranh thủ tăng đàn để kiếm thêm thu nhập vào dịp cuối năm.

Chính nhu cầu tăng đàn của người chăn nuôi tăng cao nên giá heo giống cũng rục rịch tăng theo.

Hiện heo giống được mua bán, trao đổi trong dân có giá khoảng 60.000 đồng/kg hơi, tăng khoảng 7.000 đồng/kg so với các tháng trước đây.

Còn tại các trang trại, heo giống được bán với giá 87.000 đồng/kg.

Ông Võ Hoài Văn, chủ trang trại heo giống siêu nạc Đông Hòa ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho biết: Hiện tôi đang đầu tư nuôi 120 con heo nái, bình quân mỗi tháng cung ứng cho thị trường khoảng 300 con giống.

Những tháng trước, ngoài cung ứng cho người chăn nuôi trong tỉnh, trang trại còn cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi ở các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa.

Hiện nhu cầu heo giống tại tỉnh đang tăng mạnh, trang trại tập trung cung ứng giống cho người chăn nuôi của tỉnh, không chuyển ra tỉnh ngoài nữa.

Đón đầu vụ tết, không riêng các hộ chăn nuôi heo tăng đàn mà các hộ chăn nuôi gia cầm cũng mạnh dạn đầu tư tăng đàn.

Ông Nguyễn Văn Lan ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, cho biết: Để cung ứng thực phẩm cho thị trường cuối năm, hiện gia đình tôi đã tăng thêm 1.500 con gà giống, nâng tổng đàn lên 3.000 con.

Ông Võ Trí Tâm ở xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) cũng đã đầu tư thêm dãy chuồng mới và thả 2.000 con gà ta giống.

Dự kiến, lứa gà này sẽ kịp cung ứng thị trường vào dịp tết cổ truyền.

Chú trọng phòng dịch

Bên cạnh việc tập trung tăng đàn, đón vụ tết, hiện người chăn nuôi cũng quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Theo bà Lê Thị Nhàn ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, để bảo đảm an toàn cho đàn heo, lần này gia đình bà đặt mua giống tại trại heo giống siêu nạc Đông Hòa.

Mặc dù giá giống ở đây cao hơn nhiều so với heo giống trôi nổi ngoài thị trường nhưng đổi lại, con giống được đảm bảo sạch bệnh, khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt, khả năng chống chịu với mầm bệnh cao, khi nuôi sẽ ít bị rủi ro vì dịch bệnh.

Ngoài việc đầu tư con giống, người chăn nuôi ở các địa phương cũng rất chú trọng đến việc vệ sinh môi trường và tiêm phòng vắc xin.

Theo ông Nguyễn Văn Lan, để đảm bảo vệ sinh môi trường, ngoài việc vệ sinh chuồng nuôi còn phun thuốc tiêu độc môi trường định kỳ 2 lần/tuần.

Công việc này khá đơn giản nhưng hiệu quả phòng dịch mang lại rất cao vì môi trường chăn nuôi sạch sẽ, mầm bệnh cũng hạn chế phát sinh.

Còn ông Trần Văn Thành ở xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), cho hay: Gia đình tôi chuyên nuôi bò vỗ béo để bán thịt.

Mỗi con bò giống khi mua về có giá khoảng 25 triệu đồng, sau khoảng 3 đến 4 tháng nuôi thúc sẽ bán được khoảng 30 triệu đồng.

Gia đình tôi cũng đang đầu tư nuôi vỗ béo 5 con bò thịt với giá trị hơn 120 triệu đồng, đây là tài sản lớn của gia đình.

Vì vậy tôi rất chú trọng đến khâu phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để tăng sức đề kháng cho đàn bò.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Đang là thời điểm người chăn nuôi bắt đầu bước vào vụ tết, đàn gia súc và gia cầm sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên nguy cơ phát sinh mầm bệnh sẽ rất cao.

Để hạn chế dịch bệnh xảy ra, ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi phải mua con giống ở các trại giống uy tín; thực hiện tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi theo quy định; vệ sinh chuồng nuôi, tiêu độc sát trùng môi trường theo định kỳ ít nhất 1 lần/tuần; tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất cho vật nuôi…


Có thể bạn quan tâm

Thí Điểm 2 Trại Sản Xuất Giống Tôm Thẻ Chân Trắng Thí Điểm 2 Trại Sản Xuất Giống Tôm Thẻ Chân Trắng

Hiện nay 2 trại này đang sản xuất thử nghiệm, gồm trại sản xuất tôm giống Hoàng Thái, xã Hàng Vịnh và Công ty sản xuất tôm giống Thảo Nguyên, xã Hàm Rồng.

13/03/2014
Kinh Nghiệm Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn Dịch Bệnh Của Một Chủ Gia Trại Ở Đông Sơn (Thanh Hóa) Kinh Nghiệm Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn Dịch Bệnh Của Một Chủ Gia Trại Ở Đông Sơn (Thanh Hóa)

Gần 20 năm nay, gia đình ông Phan Xuân Đức, ở đội 7, xã Đông Minh (Đông Sơn - Thanh Hóa) liên tục chăn nuôi có lãi, bởi ông có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm nên trải qua bao đợt dịch bệnh lớn, đàn gia cầm của gia đình ông vẫn an toàn... Với quy mô chăn nuôi gia trại gần 1.000 vịt sinh sản và 300 gà thịt..., mỗi năm thu nhập mang lại cho gia đình hàng chục triệu đồng.

13/03/2014
Nấm Rơm Tăng Giá Nấm Rơm Tăng Giá

Giá nấm rơm tăng do nguồn cung năm nay ít mà nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu chính làm nấm là rơm ngày một hiếm do bà con đa phần thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp và đốt rơm tại ruộng, từ đó, số hộ theo nghề trồng nấm rơm cũng ít dần.

13/03/2014
Sắn Héo, Mía Khô Do Nắng Hạn Sắn Héo, Mía Khô Do Nắng Hạn

Gần 4 tháng qua, trên địa bàn huyện Sông Hinh (Phú Yên) không có mưa, thời tiết hanh khô kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong đó thiệt hại nặng nhất là các loại cây trồng cạn, đặc biệt là sắn và mía - 2 cây trồng chủ lực của huyện.

13/03/2014
Người Trồng Chuối Thu Hơn 40 Tỷ Đồng/năm Người Trồng Chuối Thu Hơn 40 Tỷ Đồng/năm

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường Khương (Gia Lai), cây chuối mô trên địa bàn cho nguồn thu hơn 40 tỷ đồng/năm.

13/03/2014