Chăn Nuôi Trên Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Và Thân Thiện Với Môi Trường

Mô hình chăn nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học mà bà con nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) áp dụng đã hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như tăng hiệu quả kinh tế. Đây là phương pháp sử dụng chế phẩm Balasa N01 (dùng để khử độc, mùi hôi phát sinh từ chất thải chăn nuôi) kết hợp với mùn cưa, trấu, hoặc bột bắp… tạo ra quần thể vi sinh xử lý chất thải của vật nuôi, hạn chế mầm bệnh.
Ưu điểm của chăn nuôi theo phương pháp dùng đệm lót sinh học là không phải tắm vật nuôi, rửa chuồng nên tiết kiệm được chi phí điện, nước và công lao động. Có hơn 10 năm chăn nuôi heo thịt với số lượng hơn 100 con mỗi năm, chị Nguyễn Thị Nhuần, ở xã Bình Ba cho biết, được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Bình Ba, đầu năm 2012, chị mạnh dạn chuyển đổi từ cách nuôi truyền thống sang sử dụng đệm lót sinh học.
Qua 1 năm triển khai, cách chăn nuôi này đã giúp gia đình chị giảm công vệ sinh chuồng trại hàng ngày; giảm chi phí phòng trừ bệnh cho heo, nhất là đối với heo con. Heo không bị thối bàn chân hoặc què chân, lông da bóng mượt và sạch, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường (mùi hôi, ruồi, muỗi…).
Ngoài ra, việc chăn nuôi giảm được 60% công lao động ở khâu dọn vệ sinh, tắm heo và rửa chuồng; giảm bệnh tật cho heo… “Với 3 đợt nuôi heo thịt đầu tiên theo mô hình đệm lót sinh học, chúng tôi đã tăng khoảng 20% lợi nhuận so với phương pháp nuôi heo truyền thống. Cách làm và vận hành đệm sinh học không phức tạp, các hộ chăn nuôi ở quy mô lớn hay nhỏ đều áp dụng được” - chị Nguyễn Thị Nhuần cho biết.
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi theo mô hình này, chi phí đầu tư ban đầu cho đệm lót sinh học khoảng 70.000 - 75.000 đồng/m2 đệm, thời gian sử dụng được khoảng hơn 1 năm. Việc nuôi gà cũng giống như mô hình nuôi heo. Tuy nhiên, do lượng chất thải của gà không quá lớn nên người nuôi chỉ cần phủ lớp đệm dày khoảng 10 - 12cm nên chi phí thấp hơn. Là một trong nhiều hộ nuôi gà với số lượng lớn nên ngay từ khi được giới thiệu mô hình 2 năm về trước, ông Đỗ Văn Tam, ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba đã cải tạo chuồng trại để nuôi đàn gà hơn 10.000 con.
Đến nay, toàn bộ chi phí đầu tư ông Tam đã thu hồi được nhờ bán cho các hộ nông dân để làm phân bón cho các loại cây trồng. Gia đình bà Bùi Thị Thơm, ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba cũng cho biết, trước đây nuôi gà theo cách truyền thống rất ô nhiễm, nhà ở gần khu chăn nuôi lúc nào cũng chịu cảnh ruồi, muỗi bay đặc quánh, hàng xóm thì không chịu nổi.
Sau 2 năm gia đình bà Thơm triển khai mô hình này, với chi phí khoảng gần 2 triệu đồng cho việc mua trấu, cám gạo và men vi sinh Balasa N01, bây giờ khu chuồng chăn nuôi gà của gia đình bà không còn mùi hôi, không ruồi nhặng, tỷ lệ gà hao hụt ít, chỉ khoảng 5 - 10 con/1.000 con gà.
Theo ông Vũ Ngọc Hoán, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ba, đến thời điểm này có thể khẳng định mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học phù hợp với sự phát triển chăn nuôi trong điều kiện đông dân cư hiện nay, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Qua 2 năm triển khai, nhiều hộ dân xã Bình Ba đã tin tưởng và chủ động nhân rộng mô hình này. Cụ thể, đến thời điểm này toàn xã có 13 hộ nuôi heo và 10 hộ nuôi gà quy mô lớn áp dụng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Các hộ dân chăn nuôi đang chăn nuôi theo hình thức truyền thống đang có nguyện vọng được hỗ trợ phần nào về chi phí chuyển đổi từ mô hình chuồng trại truyền thống sang đệm lót sinh học và hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng mô hình này trong chăn nuôi theo quy mô lớn.
Có thể bạn quan tâm

Sử dụng chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ vi sinh thay thế dần phân hóa học đang được Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai khuyến cáo vì nhiều tác dụng hữu ích. Trước tiên, phân hữu cơ vi sinh cung cấp nguồn vi sinh vật có lợi giúp cải tạo đất, làm đất tươi xốp, giữ độ ẩm và dưỡng chất cho đất… nên kích thích sự ra rễ, cây trồng sẽ phát triển mà hạn chế được sâu bệnh tấn công

Chạch lấu phân bố nhiều nơi từ Bắc, Trung, Nam, ưa sống ở các khe đá, ăn động vật là chính gồm các loại giun, ấu trùng côn trùng và côn trùng trưởng thành, tôm tép, cá con, mùn bã hữu cơ

Thực hiện Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả tôm nuôi giai đoạn 2011 - 2015, xã Hiệp Tùng (Cà Mau) đang dần mở ra phương thức sản xuất mới, xây dựng các tổ hợp tác (THT) nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.

Ở Quảng Ngãi, dịch bệnh liên tục hoành hành trên tôm. Người đau thì cần bác sỹ, tôm bệnh thì cần thú y thủy sản. Thế nhưng chẳng thấy bóng dáng cán bộ thú y thủy sản đâu, người nuôi tôm đơn độc chống chọi dịch bệnh trong vô vọng.

Tôi bắt tay nghiên cứu cách cho ếch sinh sản qua tài liệu, sách báo, đồng thời đến những trang trại nuôi ếch nổi tiếng trong và ngoài tỉnh để học hỏi. Năm 2006, tôi đã cho ếch mẹ sinh sản thành công. Mỗi năm, đàn ếch bố mẹ của tôi sinh sản khoảng 6 vạn con giống, thu về 120 triệu đồng