Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn nuôi quy mô nhỏ hiệu quả và định hướng

Chăn nuôi quy mô nhỏ hiệu quả và định hướng
Ngày đăng: 24/04/2015

Mặc dù chăn nuôi ở Dak Lak đang có sự chuyển dịch từ nhỏ lẻ, hộ gia đình sang chăn nuôi quy mô lớn, theo hình thức trang trại nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn tồn tại và chiếm ưu thế vì vốn đầu tư ít, tận dụng được lao động nhàn rỗi và nguồn phụ phẩm nông nghiệp trong nông thôn.

Tại huyện Ea Kar, là địa phương phát triển về chăn nuôi, nhưng chỉ có 40 trang trại, còn lại là chăn nuôi quy mô nông hộ. Nhiều hộ chăn nuôi ở huyện cho biết, từ nguồn thức ăn tự chế biến, con giống tự sản xuất và tận dụng công lao động nhàn rỗi nên nhiều hộ dân có thể tiết kiệm được nhiều chi phí trong chăn nuôi heo, gia cầm.

Bà H’liêm Niê (buôn Brông A, thị trấn Ea Kar) cho biết, để cải thiện thu nhập trong gia đình, bà đã đầu tư chăn nuôi gà thả vườn. Hằng ngày, từ thức ăn sẵn có như cơm thừa, lúa, ngô và trộn thêm khoảng 20% cám công nghiệp là bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gà phát triển tốt.

Trong vòng 3 tháng, đàn gà có thể xuất bán, sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận mang lại khoảng từ 20.000 - 30.000 đồng/con, tùy vào thời điểm bán ra. Chăn nuôi gà chỉ tốn tiền đầu tư giống ban đầu, về sau gia đình tự nhân giống bằng cách chọn những con mái to khỏe để lấy trứng ấp.

Cũng chăn nuôi quy mô nông hộ, chị Trần Thị Mai (thôn Hòa Thắng, xã Hòa Đông, huyện Krông Pak) cho hay, gia đình phát triển chăn nuôi từ rất lâu, chủ yếu là nuôi heo thịt, bình quân trong chuồng có khoảng 50 - 100 con. Trong 2 năm gần đây, giá cả tương đối ổn định nên giúp người chăn nuôi heo có lợi nhuận khá hấp dẫn, nhất là những hộ nuôi với số lượng nhiều.

Dịp Tết vừa rồi, gia đình xuất bán đàn heo thu được khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí, lãi được khoảng 40 triệu đồng. Theo cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Hòa Đông, các hộ dân ở đây chủ yếu trồng cà phê, chăn nuôi chỉ là nghề phụ, nhưng góp phần quan trọng trong nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình.

Để giảm chi phí, các hộ dân ở đây thường mua thức ăn công nghiệp về pha chế với cám gạo và tấm để làm thức ăn cho heo. Nhờ vậy, mà có thời điểm giá heo giảm xuống ở mức rất thấp, nhưng nhiều hộ không bị lỗ vốn nặng so với các trang trại.

Thực tế cho thấy, chăn nuôi quy mô nhỏ đã khẳng định được hiệu quả khá tốt trong việc phát triển kinh tế nông hộ, cải thiện thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên gặp nhiều rủi ro, nhất là khi chi phí đầu vào đang tăng mạnh và các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp.

Theo Phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT), mặc dù chăn nuôi nhỏ lẻ đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng đang là hình thức phổ biến, chiếm khoảng 65 - 70% về đầu con, trong khi chăn nuôi quy mô trang trại chưa phát triển mạnh do đòi hỏi nguồn vốn lớn, cùng các điều kiện về đất đai, môi trường…, hiện toàn tỉnh mới có khoảng 277 trang trại chăn nuôi và 72 trang trại tổng hợp.

Vì vậy, cần đánh giá lại vai trò chăn nuôi nông hộ theo một định hướng phù hợp, có kiểm soát về chất lượng, môi trường và có sự liên kết. Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, gần đây giá đầu ra các sản phẩm gia súc, gia cầm đang khá tốt, nên các mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ tại nông hộ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Song về lâu dài, phải hướng đến việc tổ chức liên kết các hộ nhỏ thành trang trại, tổ nhóm sản xuất hay HTX kiểu mới để nối kết với các nhà máy thức ăn, nguồn cung ứng giống và thị trường tiêu thụ. Một khi thực hiện được liên kết sẽ giúp các hộ chăn nuôi nhỏ tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi và vận chuyển.

Do vậy, trước mắt ngành nông nghiệp cần có định hướng khuyến khích nông dân thực hiện các mô hình liên kết và mời gọi các doanh nghiệp đến địa phương tham gia liên kết với nông dân. Việc phát triển tốt các mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ tại các nông hộ sẽ là nền tảng quan trọng để hình thành các mô hình chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học.


Có thể bạn quan tâm

Syngenta Được Khảo Nghiệm Giống Bắp Biến Đổi Gen Mới Syngenta Được Khảo Nghiệm Giống Bắp Biến Đổi Gen Mới

Ngày 16-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTT) có công văn số 2911/QĐ-BNN-KHCN đồng ý cho Công ty TNHH Syngenta Việt Nam khảo nghiệm giống bắp biến đổi gen mới là MIR 162. Đây là giống bắp biến đổi gen (GMO) kháng sâu gây hại bộ vảy (miệng nhai).

19/11/2012
Tẩy Rửa Lừ, Sáo, “Tẩy” Luôn Cá Tôm Tẩy Rửa Lừ, Sáo, “Tẩy” Luôn Cá Tôm

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) nổi tiếng bởi hệ sinh vật phong phú và hàng trăm loài thủy hải sản có giá trị. Vài năm trở lại đây, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi hóa chất của ngư dân sử dụng tẩy rửa lừ, sáo sau mỗi chuyến khai thác thủy sản về.

24/09/2013
Anh Trần Chút Trồng Cây Ăn Trái Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Anh Trần Chút Trồng Cây Ăn Trái Đạt Hiệu Quả Kinh Tế

Anh Trần chút, 38 tuổi cư ngụ tại thôn Lâm Hòa (xã lâm sơn, huyện Ninh Sơn) trồng cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng, bưởi, mít, xoài, măng cụt đạt hiệu quả kinh tế cao.

31/07/2013
Ruộng Khô, Cỏ Cháy Ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) Ruộng Khô, Cỏ Cháy Ở Đức Phổ (Quảng Ngãi)

Lẽ ra vào thời điểm này, bà con nông dân ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đang hối hả xuống giống vụ hè thu, nhưng hiện nay hàng nghìn héc ta đất canh tác trên địa bàn huyện phải bỏ hoang, ruộng khô cỏ cháy.

25/05/2013
Nuôi Vịt Đẻ Siêu Trứng - Đầu Tư Đúng Hướng Nuôi Vịt Đẻ Siêu Trứng - Đầu Tư Đúng Hướng

Xuất thân là một nông dân, cựu chiến binh Phan Ngọc Vui (thôn Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) thử sức với nhiều mô hình làm ăn nhưng đều không mấy hiệu quả. Gần đây, tính toán lợi ích, ông bàn với vợ phát triển chăn nuôi vịt lang cạnh trắng. Ban đầu, ông phát triển đàn vịt theo hướng lấy thịt và bán trứng.

25/09/2013