Chăn Nuôi Gia Cầm: Nguy Cơ Treo Chuồng

Từ đầu tháng 11 đến nay, ngành chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh miền Đông Nam bộ lao đao vì giá thịt và trứng rớt mạnh. Giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành khiến nhiều trang trại nuôi gà, vịt đã tính đến giải pháp “treo chuồng” để giảm lỗ.
Người nuôi gà lấy thịt tại nhiều khu vực tỉnh Đồng Nai đang đứng ngồi không yên khi giá gà xuất chuồng liên tục rớt và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ông Trần Bá Huynh - chủ trại gà ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất - cho biết, đầu tháng 11/2013, giá gà công nghiệp bán cho thương lái còn ở mức giá 26.000-27.000 đồng/kg, hiện nay chỉ còn 23.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi slỗ.
Bà Nguyễn Thị Hoa - ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán - chia sẻ, trại gà của bà có gần 8.000 con đã đến kỳ xuất chuồng nhưng thương lái đòi giảm giá thêm mới mua. Theo bà Hoa, khoảng giữa tháng 10/2013, giá gà còn ở mức 38.000 đồng/kg, tuy nhiên do sức tiêu thụ giảm, các công ty chăn nuôi lớn đồng loạt giảm giá để giải phóng lượng gà đã nuôi nên giá gà công nghiệp xuống nhanh. “Với giá gà xuất chuồng chưa đến 30.000 đồng/kg, người nuôi lỗ không dưới 10.000 đồng/kg, ai nuôi nhiều thì lỗ nặng” - bà Hoa buồn bã nói.
Không chỉ có gà, mà vịt nuôi lấy thịt tại Đồng Nai giá cũng xuống thấp chưa từng thấy. Tại huyện Thống Nhất và Trảng Bom, giá vịt vào giữa tháng 10/2013, bình quân 55.000-58.000 đồng/kg, hiện giảm còn 35.000-38.000 đồng/kg.
Ông Mã Đức Long - ngụ thị trấn Trảng Bom cho hay, sau nhiều năm nuôi heo lỗ nặng chuyển qua nuôi vịt. Lứa vịt 1.500 con xuất chuồng đầu tháng 10 thu lãi hơn 20 triệu đồng, lứa sau thả 4.000 con và đang đứng trước nguy cơ “treo chuồng” vì có khả năng lỗ hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, trứng gà, vịt cũng giảm mạnh đến khó tin, mặc dù nhu cầu thị trường không giảm. Ông Nguyễn Văn Thuận - chủ trại gà ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương - cho biết, cuối tháng, 10 giá trứng gà công nghiệp ở mức 17.000 đồng/chục, nay giảm còn 13.000 đồng/chục. Khoảng 2 tháng trước, người nuôi gà lấy trứng lãi khoảng 1.000 đồng/chục, với mức giá như hiện nay mỗi chục trứng bán ra lỗ khoảng 2.000-2.500 đồng.
Do đâu ngành chăn nuôi gia cầm rơi vào cảnh điêu đứng? Ông Trần Văn Nam - chủ trại trại chăn nuôi heo và gia cầm ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - bức xúc, người chăn nuôi gia cầm hiện đang chịu sự khắc nghiệt của thị trường, là nhà sản xuất không có quyền định giá sản phẩm mà do các đầu mối thu mua, phân phối, giết mổ và bán lẻ định đoạt. “Tôi nuôi gà đẻ trứng, giá bán chỉ bằng 1/2 so với giá mua ngoài chợ tại TP.HCM. Trong chuỗi sản xuất, đành rằng thu gom, phân phối, giết mổ có quyền tính lãi nhưng lãi ở phân khúc này chiếm đến 1/2 giá thành sản phẩm là một nghịch lý quá lớn mà người chăn nuôi đang chịu trận nhiều năm qua” - ông Nam nói.
Tại thị trường bán lẻ ở TP.HCM, trứng và thịt gia cầm không hề giảm giá. sức mua cũng không giảm. Tại chợ Tân Phú (quận Tân Phú), chợ Bà Qụeo, Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) trứng gà vẫn giữ nguyên giá 24.000-25.000 đồng/hộp 10 trứng. Thậm chí có điểm bán lẻ ở chợ Bà Quẹo, giá trứng gà còn bán cao hơn 300 đồng/chục, trứng vịt 1.000 đồng/chục, so với cách đây một tháng (thời điểm trứng gia cầm ở trại chăn nuôi chưa giảm giá).
Trứng gà tại siêu thị Co.opMart, BigC, Lotte Mart nhiều tháng nay vẫn ở mức 25.000 đồng/chục, cao hơn từ 70-90% giá bán tại các trại chăn nuôi.
Hiện nay, người chăn nuôi gia cầm đang lâm vào tình cảnh thất bát và có nguy cơ “treo chuồng” là do khâu trung gian (thu mua, phân phối, giết mổ, bán lẻ) làm giá và thụ hưởng quá nhiều trên giá thành của sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

“Khi đặt ra câu hỏi nông nghiệp có là động lực phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tương lai hay không? Tôi nghĩ, chắc chắn, nó phải là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, chính sách nông nghiệp chưa đủ độ vương để nông nghiệp trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế”.

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm bà con nông dân chuẩn bị tái đàn chăn thả lứa lợn, gà mới. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khuyến cáo, trước khi chăn nuôi lứa mới, bà con cần vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chuồng trại, đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh, giữ cho đàn vật nuôi khỏe mạnh.

Đến nay, các đối tượng trên không có biểu hiện hội chứng cúm trên người. Hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm đang được các địa phương ở tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện. Trong đó chú trọng công tác vệ sinh phòng bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng bệnh.

Năng động, chịu tìm tòi, học hỏi… Đặng Nhật Trường, 24 tuổi, ngụ ấp Đông Hòa, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã mạnh dạn đột phá khi đưa giống gà Đông Tảo về nuôi ở vùng nông thôn huyện Cờ Đỏ và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này mở ra hướng đi mới cho nhiều thanh niên nông thôn cơ hội vươn lên.

Với ưu điểm tốn ít vốn, dễ bán, nuôi dê trở thành “cứu cánh” của những hộ nghèo không có đất hoặc ít đất sản xuất. Trong điều kiện giá cả thức ăn công nghiệp ngày càng tăng, đầu ra của một số vật nuôi chủ lực bị hạn chế, mô hình chăn nuôi này đang thu hút nhiều gia đình ở nông thôn.