Chăn Nuôi An Toàn Từ CLB Gà Thả Vườn

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của xã Thanh Lương (TX. Bình Long - Bình Phước). Đặc biệt trong 4 năm gần đây, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học đang phát triển mạnh về số hộ nuôi và tổng đàn.
Toàn xã hiện có khoảng 30 hộ chăn nuôi gà thả vườn với quy mô 1.000-15.000 con/lứa. Trong đó phải kể đến Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình.
AN TOÀN SINH HỌC
Ban đầu các hộ dân ở xã Thanh Lương chăn nuôi theo kiểu tự phát, quy mô nhỏ, lẻ. Được sự hỗ trợ của Trạm khuyến nông thị xã, Hội Nông dân xã Thanh Lương, CLB chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình được thành lập tháng 10-2010, với quy mô chăn nuôi 2.000 - 10.000 con/lứa, tổng số gà thả vườn khoảng 250 ngàn con/năm.
Hình thức chăn nuôi chủ yếu là thả dưới tán cây điều, tiêu, cao su, sầu riêng. Để đảm bảo gà nuôi đạt an toàn sinh học toàn bộ quy trình phải đạt tiêu chuẩn từ chuồng trại, giống, thức ăn của cơ sở cung cấp, kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh khoa học. Vì vậy, Ban chủ nhiệm CLB đã xây dựng quy trình chung cho các thành viên cùng áp dụng. Chuồng trại thoáng mát, có hệ thống sưởi ấm cho gà con, sân vườn rộng, hệ thống máng ăn và uống bố trí hợp lý.
Nền chuồng là yếu tố quan trọng nên các hộ đều sử dụng đệm lót sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường. Khi hết lứa, các hộ vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại và để trống chuồng khoảng 15 ngày trước khi thả lứa mới. Giống gà CLB nuôi hiện nay là gà Minh Dư, gà nòi, có độ đồng đều cao, thịt ngon.
Ngoài vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh bằng vắc-xin là yếu tố quyết định để chống dịch bệnh trên đàn gà của CLB. Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho đàn gà khi thời tiết thay đổi, chỉ dùng kháng sinh khi cần thiết, đã làm giảm chi phí thuốc thú y trong chăn nuôi, tăng chất lượng thịt, an toàn cho người tiêu dùng.
HIỆU QUẢ TĂNG LÊN
Qua hơn 3 năm thực hiện, mô hình CLB nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình đã đạt hiệu quả cao như: Khâu tổ chức của CLB có sự gắn kết thống nhất cao; có định hướng phát triển rõ ràng; có sự phân công trong quản lý giữa các thành viên; tạo được quỹ CLB với số vốn 25 triệu đồng; trên 80% thành viên chăn nuôi theo mô hình chuẩn an toàn sinh học, dần hình thành khu vực chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap; số thành viên gia nhập tăng từ 12 lên 18 hộ.
Lợi nhuận thu được tính trên 1 con gà xuất bán tăng dần qua các năm: Năm 2010, lợi nhuận trung bình chỉ 8-10 ngàn đồng/con, năm 2011 là 13-15 ngàn đồng, năm 2012 là 18-20 ngàn đồng và đến năm 2013 là 25-30 ngàn đồng/con. Thu nhập của các thành viên trong CLB đạt từ 300 đến 700 triệu đồng/năm tùy theo quy mô chăn nuôi lớn hay nhỏ.
Hoạt động của CLB chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình đã biết tận dụng tối đa nguồn nhân lực và điều kiện của địa phương để đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác, tạo ra sản phẩm an toàn, bền vững, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi, doanh nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Có thể bạn quan tâm

Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, diện tích nhãn trồng ở miền Nam vào khoảng 34.000 ha, trong đó có nhiều diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhãn là loại cây có thể xử lý ra trái quanh năm, đáp ứng được số lượng lớn để xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện diện tích này đang bị bệnh chổi rồng làm giảm năng suất và diện tích.

Được đưa vào huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trồng từ năm 2005, sau 10 năm "bén duyên", giờ đây táo Đài Loan trở thành cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đối với các hộ nông dân. Đây cũng là đặc sản của vùng đất Lục Ngạn được người tiêu dùng gần, xa ưa thích.

Cây giảo cổ lam là dược liệu quý, sẵn có trong tự nhiên, với rất nhiều công dụng như bình ổn huyết áp, chống kết tụ tiểu cầu, làm tan huyết khối, ngăn ngừa sơ vữa mạch… Qua phân tích điều kiện tự nhiên, năm 2014, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã thực hiện mô hình trồng thí điểm cây giảo cổ lam tại xã Phương Viên.

Tết, dịp để nhiều người, nhiều nghề kiếm thêm thu nhập. Trong những ngày tết, hoa và rau là hai loại không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhiều nông dân cũng tận dụng cơ hội này để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, thị trường tết năm nào cũng có điều khiến nông dân này mừng nhưng nông dân khác thì lại lo.

Tại Phước Thuận, xã trồng nho nhiều nhất huyện với tổng diện tích 163 ha, người trồng nho Tết nơi đây cũng đang háo hức mong chờ ngày thu hoạch. Anh Nguyễn Đức Thuận, ở thôn Hiệp Hoà trồng 1,5 sào nho xanh, dự kiến nửa tháng nữa sẽ thu hoạch để bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.