Chăm Sóc Lúa Đông Xuân Đảm Bảo Ăn Chắc

Vụ lúa đông xuân 2014 - 2015, nông dân TP Cần Thơ xuống giống hơn 87.000 ha, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, thời tiết đang trong mùa lạnh, thuận lợi cho một số loại sâu bệnh hại lúa phát triển, do đó lúa đông xuân cần được quan tâm chăm sóc và quản lý dịch hại tốt, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán 2015…
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, vụ đông xuân 2014 - 2015 toàn thành phố xuống giống 87.285 ha, đạt 100,4% kế hoạch. Hiện nay, hơn 62.000 ha (chiếm trên 70% diện tích) lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng, hơn 4.000 ha trổ bông, chắc xanh hơn 1.500 ha và còn lại là đẻ nhánh hơn 19.000 ha. Trà lúa đông xuân 2014 - 2015 trên địa bàn thành phố đang phát triển tốt, ít sâu bệnh so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Tính đến ngày 7-1, dịch hại lúa đông xuân trên địa bàn thành phố chủ yếu là bệnh đạo ôn và rầy nâu nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Trong đó, hơn 700 ha nhiễm rầy nâu mức độ nhẹ và trung bình, khoảng 800ha nhiễm bệnh đạo ôn có tỷ lệ phổ biến từ 5 - 15%. Ngành nông nghiệp đang hướng dẫn nông dân phòng trị.
Hiện nay, thời tiết lạnh thích hợp cho cây lúa sinh trưởng và phát triển, nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn và rầy nâu phát triển. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, nông dân tăng cường thăm đồng thường xuyên, không được chủ quan lơ là, kịp thời phát hiện dịch hại, triển khai các giải pháp phòng trị hiệu quả, kiểm soát tốt dịch hại.
Quan điểm của ngành nông nghiệp thành phố là kiểm soát dịch hại theo hướng tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường, khuyến cáo người dân không phun ngừa bệnh đạo ôn và rầy nâu, khi nào thấy có dấu hiệu bệnh cần thiết mới can thiệp bằng thuốc hóa học nhưng phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, khuyến khích nông dân sử dụng nấm xanh…
Theo ngành nông nghiệp thành phố, một số diện tích lúa đông xuân 2014 - 2015 gieo sạ sớm hiện nay đang trổ và chắc xanh sẽ thu hoạch trước Tết Nguyên đán 2015, còn lại là phần lớn diện tích nông dân xuống giống đồng loạt lúa đang trong giai đoạn làm đòng (hơn 62.000 ha) sẽ thu hoạch đông ken, tập trung thời điểm vừa sau Tết Nguyên đán, áp lực thu hoạch lúa lớn. Do đó, Sở NN&PTNT thành phố đang chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương rà soát lại số máy gặt đập liên hợp để chủ động trong thu hoạch.
Trường hợp thiếu máy các địa phương chủ động liên hệ với các tỉnh bạn như: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang... để khâu thu hoạch cho người nông dân kịp thời. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo tăng cường thu hoạch lúa đông xuân bằng cơ giới nhằm giảm thất thoát, chi phí và không bị động do thiếu nhân công, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất lúa. Thành phố phấn đấu thu hoạch lúa đông xuân bằng cơ giới đạt gần 100%, chỉ trừ trường hợp diện tích máy khó vào thu hoạch…
Đông xuân 2014 - 2015 là vụ lúa chính và quan trọng nhất trong năm, các địa phương chuyên sản xuất lúa hàng hóa lớn của thành phố như: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai… đã tập trung triển khai xuống giống, chăm sóc lúa nhằm đảm bảo thắng lợi. Tại huyện Vĩnh Thạnh, nông dân xuống giống vụ lúa đông xuân 2014 - 2015 hơn 25.236 ha, đạt 100,1% kế hoạch; toàn huyện cũng đã xây dựng được 37 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 7.500 ha (tăng 11 cánh đồng lớn so với năm 2014), diện tích bao tiêu hơn 1.000 ha.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, trà lúa tại địa phương đang phát triển tốt, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh hơn 3.600 ha, làm đòng hơn 19.600 ha, trổ hơn 1.000 ha và chắc xanh gần 1.000 ha; tình hình dịch bệnh hại lúa tương đối ổn định. Còn tại huyện Cờ Đỏ, địa phương xuống giống vụ lúa đông xuân 2014-2015 được hơn 25.376 ha, đạt 101% so với kế hoạch; cơ cấu giống chủ yếu là Jasmine 85 chiếm 87,8% diện tích, còn lại là VD20, OM 4218, OM 5451; lúa chủ yếu đang trong giai đoạn đẻ nhánh với hơn 18.800 ha...
Ông Lâm Minh Trí, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết: Tình hình dịch hại lúa đông xuân trên địa bàn huyện tương đối ổn định. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương không chủ quan, đang tăng cường thăm đồng, hướng dẫn nông dân phòng trị đạt hiệu quả cao. Hiện nay, Phòng NN&PTNT đã lên kế hoạch bố trí lực lượng tăng cường thăm đồng thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2015, chủ yếu là quan tâm đến bệnh đạo ôn và rầy nâu hại lúa…
Kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại 2 huyện Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ mới đây, Phó Chủ tịch Đào Anh Dũng cho rằng: Vụ lúa đông xuân rất quan trọng, có năng suất cao và sản lượng lớn, quyết định thắng lợi cho sản xuất lúa cả năm của thành phố. Do đó, ngành nông nghiệp thành phố và các địa phương này từ nay đến Tết Nguyên đán 2015 tăng cường công tác thăm đồng thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại lúa, kịp thời có giải pháp phòng trừ đảm bảo vụ lúa đông xuân 2014 - 2015 “ăn chắc”.
Vụ đông xuân năm nay nông dân xuống giống đồng loạt nên ngay từ bây giờ cũng phải tính toán đến vấn đề thu hoạch lúa đảm bảo. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm đến xuống giống màu phục vụ Tết Nguyên đán, chuyển rau màu trên đất lúa trong vụ xuân hè…
Có thể bạn quan tâm

Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, vụ hè thu 2013, chi cục phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây tiến hành gieo sạ khảo nghiệm 20 giống lúa chịu mặn trên diện tích 1.000m2 tại xã An Ninh Tây (Tuy An). Bộ giống do Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế tuyển chọn từ Viện lúa Quốc tế (RIRI) chuyển giao.

Nông dân vùng mặn ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đang đẩy mạnh nuôi tôm sú - cua kết hợp, nuôi cua trên ruộng muối cho thu nhập khá cao.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Trước nay, nhiều hộ dân trồng rau màu ở Đức Trọng (Lâm Đồng) đã phải chịu cảnh “Được mùa rớt giá, được giá mất mùa” và thường bị thương lái ép giá với những lý do về chất lượng sản phẩm. Từ khi áp dụng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, đầu ra ổn định và kinh phí đầu tư cũng giảm.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, đến ngày 22/5 trên địa bàn tỉnh có gần 33 ha tôm nuôi bị chết; trong đó chuyên tôm sú gần 14 ha ở huyện Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Trà và tôm chân trắng 19 ha ở huyện Phong Điền, Phú Lộc.