Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Vải Phương Nam Phát Huy Hiệu Quả Kinh Tế

Cây Vải Phương Nam Phát Huy Hiệu Quả Kinh Tế
Ngày đăng: 17/06/2014

Mặc dù, năm nay vải Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh) không được mùa so với mọi năm, nhưng những người trồng vải ở đây vẫn vui, vì giá vải mùa này khá ổn định; không những thế, bà con còn thêm một niềm vui nữa, đó là lần đầu tiên vải chín sớm Phương Nam có thương hiệu riêng trên thị trường tiêu thụ...

Theo lãnh đạo UBND phường Phương Nam cho biết, Phương Nam hiện có 288ha đất trồng giống vải chín sớm, trong đó tập trung nhiều nhất là ở các thôn Phong Thái, Cẩm Hồng, Đá Bạc và Hiệp Thanh... Giống vải này được trồng ở đây từ những năm 1966, 1967 và ưu điểm nổi trội của nó là thường chín sớm hơn so với các giống vải thiều chính vụ từ 2-3 tuần. Bên cạnh đó, vải chín sớm Phương Nam lại có quả to, mã sáng đẹp, lúc còn xanh quả rất chua, nhưng khi chín thì cùi dày và rất ngọt.

Vì vậy, vải chín sớm Phương Nam từ lâu đã được người tiêu dùng ưa thích, thương lái các nơi đổ về thu mua ngay tại vườn hay tại các điểm thu gom tập trung trong khu dân cư với giá cao mà không cần mang ra chợ bán. Hiện nay, cây vải chín sớm có giá trị thu nhập cao, ổn định hơn so với nhiều loại cây ăn quả khác. Giá bán bình quân mỗi kg vải tại vườn là 30.000-35.000 đồng, cao hơn nhiều so với vải chính vụ.

Chính vì vậy, từ chỗ chỉ có vài chục hộ trồng vải, đến nay ở Phương Nam đã có tới 960 hộ trồng vải. Năm được mùa, doanh thu từ quả vải đạt trên 20 tỷ đồng. Cây vải thực sự đã mang lại sự khởi sắc về kinh tế cho nhiều hộ nông dân tại phường Phương Nam. Mỗi vụ vải nếu trúng mùa, bà con có thể thu về trung bình từ 100 đến 200 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, do chủ yếu phát triển theo hộ gia đình, kỹ thuật chăm sóc phần lớn dựa trên kinh nghiệm nên chất lượng quả vải không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu thời tiết thuận lợi thì được mùa, bất lợi thì mất mùa, giá cả quả vải cũng lên xuống thất thường. Và nữa là việc tiêu thụ nhiều khi vẫn phải phụ thuộc vào thương lái, người nông dân luôn bị ép giá...

Chị Hà Thị Hương, một hộ trồng vải ở khu Phong Thái (phường Phương Nam) cho biết, nhà chị trồng vải từ năm 1994, đến nay gia đình chị trồng được khoảng 70 gốc vải. So với mọi năm, năm nay, thời tiết bất lợi hơn, lúc vải trổ hoa gặp mưa nhiều nên đậu quả ít.

Hơn nữa, các gốc vải nhà chị cũng đã già cỗi nên sản lượng vải không cao. Chị Hương nói thêm, năm nay thời tiết nắng nóng nhiều nên vải chín sớm hơn so với mọi năm, thời gian thu hoạch cũng ngắn hơn, chỉ trong khoảng hơn 1 tuần là bà con đã thu hoạch hết. Tuy nhiên, rất mừng là vải cũng được giá, thương lái vào tận gia đình thu mua, giá bán đầu vụ từ 40-45 nghìn/kg, sau mới giảm dần, xuống còn khoảng 35 nghìn/kg...

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Phương Nam, khẳng định: Mặc dù năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, sản lượng vải trên địa bàn phường chỉ đạt khoảng 70% (trên dưới 500 tấn), nhưng với những giá trị kinh tế nổi trội, cây vải chín sớm vẫn đang là một trong những loại cây trồng có thế mạnh, đóng vai trò chủ lực, tăng thu nhập của người dân...

Cũng theo ông Bùi Văn thành, mặc dù, vụ vải năm nay không được mùa so với mọi năm, nhưng bà con trồng vải vẫn rất vui, vì từ năm 2014 này vải chín sớm Phương Nam đã được công nhận thương hiệu riêng trên thị trường. Vải đã có tem, nhãn mác chứng nhận sản phẩm được bảo hộ độc quyền, trong đó ghi rõ xuất xứ, thông tin cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng.

Bà Phạm Thị Nhí (khu Phong Thái, phường Phương Nam) cho biết, những năm trước đây, do chưa được công nhận thương hiệu, vải chín sớm Phương Nam bị đánh đồng với vải của các địa phương khác, thậm chí còn bị lạm dụng để mang tên thương hiệu khác, gây ra nhiều bất lợi cho người dân. Năm nay, vải chín sớm Phương Nam đã có thương hiệu riêng nên ai cũng phấn khởi.

Nói về quá trình xây dựng thương hiệu Vải chín sớm Phương Nam, ông Trần Văn Dương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam, cho biết, từ cuối năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức cấp bằng bảo hộ độc quyền Nhãn hiệu tập thể vải chín sớm phường Phương Nam.

Chính quyền địa phương đã chủ động, tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động bà con trồng vải đăng ký xây dựng thương hiệu. Theo Quy chế xây dựng Nhãn hiệu tập thể vải chín sớm phường Phương Nam, các hộ tham gia đăng ký thương hiệu phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản quả vải...

Trong vụ vải 2014, phường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải; đồng thời tuyên truyền để bà con tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tập huấn quy trình, kỹ thuật dán tem, nhãn mác, đóng gói, bảo quản quả vải v.v.

Có thể nói, việc vải chín sớm Phương Nam được cấp giấy nhãn hiệu tập thể đã đánh dấu một mốc quan trọng trong việc phát triển cây vải của phường Phương Nam, nâng cao giá thành quả vải chín sớm, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của phường. Tuy nhiên, nhãn hiệu tập thể vải chín sớm Phương Nam được bảo hộ mới chỉ là bước khởi đầu.

Vấn đề là làm sao để khai thác và quản lý tốt nhãn hiệu tập thể vải chín sớm Phương Nam một cách bền vững và lâu dài. Đây là một quá trình mà cả chính quyền và nhân dân phường Phương Nam cần hết sức quan tâm. Theo lãnh đạo phường cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc cây vải.

Đồng thời, để giữ vững thương hiệu lâu dài, phường sẽ giao cho Hội Nông dân tham mưu để xây dựng quy chế quản lý thương hiệu. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục quy hoạch, mở rộng diện tích trồng vải chín sớm, dự kiến đến năm 2015-2016, diện tích đất trồng vải chín sớm trên địa bàn phường sẽ đạt khoảng 350ha...


Có thể bạn quan tâm

Kết Quả Ban Đầu Về Mô Hình Mới Trong Nuôi Tôm Kết Quả Ban Đầu Về Mô Hình Mới Trong Nuôi Tôm

Trước thực trạng diễn ra của bệnh tôm, đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm (viết tắt EMS hoặc AHPNS) chưa xác định tác nhân gây ra, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất người nuôi triển khai nuôi tôm theo mô hình mới. Gọi là mới vì mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác hẳn cách nuôi truyền thống và tuy chỉ là bước khởi động nhưng cho thấy dấu hiệu ban đầu đã kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế 100% hiện tượng tôm chết trong tháng đầu do hội chứng EMS.

20/08/2012
Đồng Bằng Sông Cửu Long Nuôi Tôm “Cầm Chừng” Đồng Bằng Sông Cửu Long Nuôi Tôm “Cầm Chừng”

Giá tôm trên thị trường hiện nay tại ở các tỉnh ĐBSCL đang ở mức khá cao. Tôm sú 30 con/kg, giá bán từ 190.000 – 195.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, 85.000 - 90.000 đồng/kg, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

02/08/2013
Giới Thiệu Sơ Lượt Về Cá Koi (Cá Chép Nhật) Giới Thiệu Sơ Lượt Về Cá Koi (Cá Chép Nhật)

Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.

15/04/2013
Giải Nguy Người Nuôi Cá Tra Giải Nguy Người Nuôi Cá Tra

Hiện nay, người nuôi cá tra ở ĐBSCL lâm vào cảnh điêu đứng, gian nan. Đã có người treo ao, bán đất vì làm ăn thua lỗ, nợ nần bủa vây. Một số người cố gắng duy trì nuôi cá theo hình thức gia công cho DN để trả nợ ngân hàng. Họ chờ đợi, và cầm cự. Trước mắt người nuôi cá mong muốn ngân hàng sớm vào cuộc giải cứu...

02/08/2013
Hiệu Quả Mô Hình Canh Tác Mè Trên Nền Đất Lúa Hiệu Quả Mô Hình Canh Tác Mè Trên Nền Đất Lúa

Trước đây ở ấp 2 và ấp 3, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chỉ sản xuất lúa 3 vụ/năm, hiệu quả thấp do thường gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh gây hại nhất là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Chính vì vậy, chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 1 vụ lúa trong năm, nhằm tăng nguồn thu nhập cho người dân.

22/08/2012