Cây Trồng Thanh Long Mới Trên Đất Hải Đường (Nam Định)

Từ năm 2007, người dân xóm 9, xã Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định) đã đưa cây thanh long vào trồng thử nghiệm. Với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập và kinh nghiệm thâm canh của người dân nơi đây, cây thanh long đã sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.
Thanh long là cây trồng mới nên thời gian đầu chỉ có một số hộ trồng, tận dụng thân cây cau sẵn có trong vườn hoặc xây trụ đơn giản để thanh long leo. Qua thực tế, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thanh long đã cho thu nhập gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác, nhiều hộ trong xóm đã tập trung đầu tư trồng thanh long theo phương pháp mới, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo cho thanh long ra quả vào thời điểm thích hợp. Hiện trong xóm có 40 - 50 hộ đã cải tạo vườn tạp đầu tư xây cột trụ bê tông để trồng thanh long. Tổng diện tích trồng thanh long trên đất vườn của xóm đạt trên 5 mẫu, hộ thấp nhất 0,5 sào, phần lớn các hộ trồng từ 1,5 - 2,5 sào. Bình quân mỗi sào trồng thanh long đặt 55 - 60 trụ. Sau hai năm, cây thanh long cho thu vụ quả đầu tiên và thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 15 năm. Vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12 hằng năm với 5 - 7 lứa quả/năm.
Năm 2012, gia đình ông Phạm Văn Giang, xóm 9, xã Hải Đường (Hải Hậu) thu nhập 60-70 triệu đồng từ cây thanh long.
Trong 2 năm đầu, mỗi trụ cho thu khoảng 20kg, từ năm thứ 3 trở đi có thể đạt 30 - 35 kg/trụ. Mỗi năm, một sào thanh long cho thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng. Năm 2003, gia đình ông Phạm Văn Giang trồng thử nghiệm 1 sào thanh long kết hợp với duy trì các loại cây truyền thống như cam, chanh, hồng xiêm Hải Đường... Bước đầu do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ cây sống đạt thấp, không nản lòng, ông tích cực tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long. Năm 2006, ông Giang vào Bình Thuận tham quan những mô hình trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao.
Qua tìm hiểu, giống thanh long ruột đỏ là loại cây ăn quả có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) có năng suất và chất lượng cao hơn giống thanh long ruột trắng, mỗi năm cho thu 7 - 8 lứa quả. Ông Giang đã đưa hom giống thanh long ruột đỏ về trồng trên 2 sào vườn, năm 2009, gia đình ông thu được trên 3 tấn quả thanh long. Nhận thấy cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, ông Giang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Năm 2011, gia đình ông đã có 7 sào với 350 trụ cây thanh long, trong đó 220 trụ trồng thanh long ruột trắng, 130 trụ thanh long ruột đỏ. Năm 2012, gia đình ông thu nhập hơn 70 triệu đồng từ thanh long. Nhờ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật, ông Giang cho thanh long ra hoa trái vụ nên thanh long cho quả muộn hơn, mỗi kg thanh long trái vụ cho lãi gấp 2 - 3 lần chính vụ.
Đến nay, người dân xóm 9 không chỉ trồng thanh long trong vườn mà nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long. Nhiều hộ tiếp tục cải tạo vườn tạp, đưa giống thanh long ruột đỏ và áp dụng kỹ thuật cho thanh long ra quả trái vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện diện tích trồng thanh long ở xóm 9 vẫn tiếp tục được mở rộng. Ước tính năm nay bà con nông dân nơi đây có nguồn thu từ thanh long đạt trên 600 triệu đồng. Trong thời gian tới, nhiều hộ còn thu hoạch cao hơn so với hiện nay, do nhiều diện tích thanh long mới trồng cho thu hoạch. Nhiều hộ trong xóm trồng thanh long có thu nhập cao như hộ các ông: Nguyễn Hữu Hộ, Trần Hoàn, Trần Văn Đội…
Ông Trần Văn Long, xóm trưởng xóm 9 cho biết: “Cây thanh long gần giống cây xương rồng nên kỹ thuật trồng không khó, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, lại ít sâu bệnh, từ khi trồng, cây chỉ mắc một số bệnh như: nấm, thối lá nếu cắt bỏ phần mắc bệnh là cây phát triển bình thường". Sau hơn 5 năm, đến nay, có thể khẳng định cây thanh long phát triển tốt trên đất Hải Đường. Hiện nay, quả thanh long ở xóm 9 đã được nhiều khách hàng ưa chuộng, không chỉ tiêu thụ ở các chợ trong huyện mà còn được bán với số lượng lớn ở địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hà Nội…
Từ việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất ở xóm 9 xã Hải Đường, cây thanh long không chỉ mang lại cho nguồn thu đáng kể đối với các hộ nông dân mà còn tạo thêm cảnh quan, môi trường sinh thái. Hiện cây thanh long được xác định là cây chủ lực và đang được nhân rộng ra các xóm trong xã.
Có thể bạn quan tâm

Xã Tam Quan là địa phương chăn nuôi số lượng gia cầm lớn nhất huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) (khoảng 1 triệu con). Tuy nhiên, năm 2004 và năm 2011 2011 do dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Huyện Bát Xát (Lào Cai) được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu quý. Đó là điều kiện khí hậu nhiệt đới và bán ôn đới với độ ẩm cao, diện tích rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh chiếm 80% tổng diện tích rừng toàn huyện với thảm thực vật đa dạng, phong phú…

Những năm qua, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất và giá trị kinh tế trên ha canh tác. Một trong các giải pháp là đẩy mạnh ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào sản xuất, điều này đã phát huy hiệu quả ở một số loại cây như cây lúa cấy mật độ hợp lý, bí đỏ, ngô nếp, đặc biệt là cây cà chua ghép trên nhiều đồng đất tại Vĩnh Tường.

Những năm qua, một số loại cây trồng như sắn, điều… do không ổn định về giá cả, năng suất lại đạt thấp nên hoạt động thâm canh cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế đang là hướng đi của nhiều nông dân trong tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Định, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, tuy rất khó khăn về nguồn vốn ngân sách, nhưng Đồng Nai luôn ưu tiên vốn cho xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng rất linh động trong việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới.