Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Trồng Nghèo Lên Ngôi: Khoai Deo Đẩy Nghèo

Cây Trồng Nghèo Lên Ngôi: Khoai Deo Đẩy Nghèo
Ngày đăng: 08/03/2012

Đó là khẳng định của chị Hoàng Thị Liễu, Chủ nhiệm HTX chế biến khoai deo Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Theo chị, củ khoai giờ đã “lên ngôi”, trở thành món đặc sản, được khá nhiều du khách đến Quảng Bình tìm mua về làm quà. Đó là khoai deo, sản vật quê mà người dân địa phương chế biến ra từ củ khoai lang. 
Hải Ninh vốn ở vùng biển bãi ngang nên người dân trước đây rặt chỉ xếp vào loại nghèo hoặc cận nghèo. Ngư dân đi biển thì chỉ bắt được cá vụn, trồng cây thì nắng nóng làm chết... Mỗi năm, cả xã thiếu ăn từ 3- 4 tháng, con cái trong các gia đình chủ yếu là… thất học. Cái đận đói oặt người phải ăn cả cây xương rồng trước đây cũng chính là từ Hải Ninh này mà ra. Hơn năm năm trở lại đây, từ khi đặc sản khoai deo Hải Ninh có thương hiệu trên thị trường, người dân nghèo vùng cát này mới đỡ vất vả, nhiều gia đình đã làm giàu..

Đất đai trong xã được tận dụng triệt để trồng khoai. Diện tích từ 30 ha nay lên hơn 100 ha, 100% hộ dân trồng khoai. Hộ nào không chế biến deo thì cung cấp củ cho hộ chế biến cũng đưa lại thu nhập đều đặn quanh năm cho người dân. Chị Nguyễn Thị Luyên, một nông dân làm khoai deo ở thôn Tân Định cho hay: “Gia đình tôi trồng 5 sào khoai (mỗi sào 500 m2). Trước đây thu hoạch xong là chở ra chợ bán củ được hơn 2 triệu đồng. Nay ngoài số  khoai của gia đình thu hoạch, tôi mua thêm của các hộ khác về chế biến thành khoai deo bán lãi kha khá. Sản phẩm khoai deo chế biến ra không đủ nhập cho khách lấy sỉ đến từ Hà Tĩnh, Hà Nội, Nghệ An, Huế…”- chị Luyên nói. 
Kinh nghiệm của người dân Hải Ninh để khoai deo có được cái ngon của đặc sản, thì phải trồng và tìm mua được giống khoai ngọn đỏ, là giống khoai đặc thù của vùng cát nóng. Khoai được trồng vào cuối năm và dỡ củ vài khoảng tháng 3- 4. Nhiều nơi có làm khoai deo, nhưng chỉ có ở Hải Ninh lát deo mới dẻo quẹo, càng nhai càng ngọt càng bùi, mềm đến nỗi cứ như là tự tan mỗi khi cắn vào. 
Khoai lang thu hoạch về, để nguyên củ dàn ra sân phơi nắng trong hai ngày liền, cho vỏ củ săn lại. Sau đó, đưa vào nhà ủ kín khoảng 10 ngày để củ khoai chuyển tinh bột thành đường. Tiếp theo là đem luộc, nhưng khác với luộc ăn bình thường, mà gần như là hầm khoai từ 2- 3 giờ liền với mức nước đổ đến ngập củ, làm cho khoai mềm ra, rồi tới thái lát mỏng theo chiều dọc của khoai, phơi nắng. 
Cầm nắm khoai deo mềm như bánh trên tay, chị Liễu cho biết thêm: “Quan trọng nhất là căn lượng được thời gian phơi nắng và ủ khoai. Để làm sao đó từ một củ khoai ứ bột trở thành củ khoai khi đã tháo lát ra là nhìn cứ trong vắt, bỏ vào miệng là dẻo quẹo và ứa mật. Đó mới là khoai deo Hải Ninh của làng biển”. 
Công đoạn phơi khoai deo cũng đã trở thành “công nghệ làng” hẳn hoi. Theo chị Liễu, dàn phơi phải cao ráo trên cát, mặt sàn phơi được lót bằng một lớp cây rười (một loại cây cỏ cao khoảng 1m, mọc trên vùng cát) thì khoai mới không bị dính. Thời gian phơi từ 7- 10 ngày thì lát khoai mới thành lát deo được. Lát deo thành phẩm, khi cầm thấy mềm, có cảm giác ươn ướt, nhưng không hề dính tay chút nào.

Ông Mai Văn Buôi, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh: Với thu nhập khoảng 7 tỷ đồng từ trồng khoai lang và chế biến sản phẩm khoai deo mỗi năm, đại phương sẽ không còn cảnh nghèo. Sản phẩm làm ra đến đâu được bao tiêu hết đến đó, góp phần phát triển cây khoai lang thành hàng hóa trên vùng cát trắng hoang hoá.

Khoai deo, món ăn quê kiểng của người dân vùng cát Hải Ninh bây giờ đã theo chân du khách và người Quảng Bình đi khắp nơi, với số lượng hàng chục tấn mỗi năm. Ở các chợ trong tỉnh, nhiều quầy hàng chỉ bán mỗi một mặt hàng là khoai deo. Ven quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Quảng Ninh, hoặc cụ thể hơn nữa là đoạn qua Dinh Mười, du khách luôn mua được đặc sản khoai deo chính hiệu Hải Ninh ở các quán nhỏ bên đường. 
Để tạo dựng được thương hiệu khoai deo Hải Ninh là cả một quá trình dài. Nhưng sự tính toán cho thu nhập có thể thấy rõ. “Một cân khoai lang củ trước đây bán ở chợ 3- 4 ngàn đồng, từ khi nghề làm khoai deo phát triển thì người trồng khoai đã bán ngay trong xã được 5- 6 ngàn đồng. Cứ 3- 4kg khoai củ chế biến được 1 kg deo, giá thành deo bán tại lò đã là 50- 65 ngàn đồng (tuỳ theo sản phẩm loại 1, 2). Khi đưa bán tại TP Đồng Hới hay các nơi khác có giá thành lên đến 100 ngàn đồng/kg. HTX mỗi năm chế biến trên 20 tấn deo, thu lãi khoảng 200 triệu đồng", chị Liễu tính toán. 
Ngoài lò chế biến deo của HTX, các hộ gia đình cũng lập tổ chế biến với 3- 5 hộ chung nhau một lò. Tổ chị Luyên, chị Liên, chị Vưng... mỗi vụ làm được 1- 2 tấn deo, thu 80- 100 triệu đồng, trừ đi tiền mua khoai củ thêm, sau chia lãi mỗi người cũng có trên chục triệu.


Có thể bạn quan tâm

Tôm nước lợ vượt khó Tôm nước lợ vượt khó

Vụ tôm 2015, ngay từ đầu năm, người nuôi đã phải đối mặt với các khó khăn do thời tiết gây ra.

06/10/2015
Thạch Văn nỗ lực cán đích nông thôn mới Thạch Văn nỗ lực cán đích nông thôn mới

Nằm trong nhóm 26 xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thạch Văn (Thạch Hà) đã và đang triển khai nhiều phong trào thi đua, nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm hoàn thành 19 tiêu chí NTM trong năm 2015.

06/10/2015
Tập trung 4 hóa trong sản xuất, tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân Tập trung 4 hóa trong sản xuất, tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân

Sáng 26/9, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng BCĐ nông thôn mới (NTM) Hà Tĩnh Võ Kim Cự đi kiểm tra một số mô hình phát triển sản xuất tại 2 xã Ân Phú, Đức Lĩnh và làm việc với cán bộ chủ chốt các xã, huyện Vũ Quang về tiến độ thực hiện chương trình NTM.

06/10/2015
Người dân ven biển thu nhập khá nhờ chăn nuôi Người dân ven biển thu nhập khá nhờ chăn nuôi

Không có điều kiện sắm tàu thuyền ra khơi hay mua đất làm rẫy, trong khi đất đai lại khô cằn, pha cát không phù hợp với việc trồng trọt, nên nhiều hộ dân vùng ven biển đã chuyển hướng đầu tư vào các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

08/11/2015
Thu nhập cao, ổn định từ nuôi lợn gia công Thu nhập cao, ổn định từ nuôi lợn gia công

Trong những thời điểm chăn nuôi gặp khó khăn do thiếu vốn, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ, gia đình bà Trần Thị Hường, ở thôn Châu Thành, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp, Đắk Nông) vẫn “đứng vững” nhờ biết liên kết với doanh nghiệp, áp dụng mô hình chăn nuôi lợn gia công theo kỹ thuật tiên tiến.

08/11/2015