Cay Như Ớt!

Vợ chồng anh Ba Lệ Bắc trú xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên có 10 sào đất màu chuyên canh các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Năm ngoái, họ dành nửa diện tích trồng ớt, còn nửa tỉa bắp lai. Nhờ đất giàu dinh dưỡng, nước tưới dồi dào, cây sinh trưởng tốt nên anh Ba hái được tổng cộng 7 tấn quả tươi từ 5 sào ớt.
Anh Ba nói: “Vụ đó nhờ đường xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và các nước lân cận rất thuận lợi nên giá ớt luôn ổn định ở mức cao. Lứa nào cũng vậy, hễ tui hái ớt trút lên bờ là cả chục thương lái từ khắp nơi kéo đến tranh nhau mua với giá 1kg tươi không dưới 9 nghìn đồng. Mùa trước tôi thu về 63 triệu đồng, lãi xấp xỉ 40 triệu đồng”.
Thấy giá trị kinh tế cao, vụ này anh Ba quyết định chuyển luôn 5 sào đất chuyên sản xuất bắp lai sang trồng ớt. Nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn giống chất lượng, phòng trừ hiệu quả các loại sâu bệnh nguy hiểm nên tất cả 10 sào ớt của anh Ba đều rất được mùa. Thế nhưng, từ đầu tháng 4 đến nay giá thu mua loại nông sản ấy cứ liên tục giảm mạnh. Anh Ba Lệ Bắc cho biết: “Vụ ni, tổng sản lượng ớt tui thu được từ 10 sào đất chắc sẽ không dưới 14 tấn quả tươi.
Tuy nhiên, do giá bán 1kg khoảng 3 nghìn đồng nên kiếm được chỉ chừng 42 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trả công làm đất, hái quả đã tốn hết 50 triệu đồng. Gần 5 tháng bám với ruộng ớt, cuối cùng lại bị thua lỗ, hỏi sao không cay lòng, chú Tư”.
Cuối tuần qua, về một số vùng trọng điểm trồng ớt ở Duy Xuyên, ở đâu Tư tôi cũng thấy nỗi buồn hiện rõ trên những khuôn mặt đen sạm vì nắng và gió của nhà nông. Ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên phòng NN&PTNT huyện cho biết, vụ này nông dân địa phương sản xuất gần 100ha ớt, tập trung chủ yếu tại xã Duy Châu và Duy Trinh. Nhờ nhiều yếu tố thuận lợi nên vụ ớt năm nay được mùa trên diện rộng.
Thống kê cho thấy, năng suất bình quân 1 sào đạt khoảng 1,5 tấn quả tươi. Ông Ánh nói: “Với sản lượng đó, nếu giá ớt vẫn giữ mức ổn định 9 nghìn đồng/kg như năm ngoái thì mỗi sào nông dân thu được 13,5 triệu đồng. Trừ mọi khoản chi, họ sẽ lãi 8,5 triệu đồng. Thế nhưng, vì thời điểm này giá bán giảm còn 3 nghìn đồng/kg nên tổng giá trị thu về từ 1 sào ớt chỉ đạt 4,5 triệu đồng.
Ngần đó tiền không đủ bù lại vốn đầu tư đã bỏ ra”. Theo ông Ánh, giá thấp đã đành, những ngày qua nông dân càng điêu đứng hơn vì thương lái không chịu thu mua sản phẩm. Do sợ ớt hư thối, không ít người phải ngậm ngùi hái quả phơi khô. Đúng là cay… như ớt rớt giá!
Có thể bạn quan tâm

Mấy ngày gần đây, thương lái từ các tỉnh phía Bắc vào Đồng Nai lùng mua heo mỡ có cân nặng từ 110 kg/con trở lên, kéo giá heo hơi tăng theo.

Theo thống kê của ngành lâm nghiệp tỉnh, năm 2010, Lào Cai có 7.785 ha sắn, đến cuối năm 2012 diện tích tăng lên là 9.305 ha sắn và trong năm 2013, con số này được đánh giá là tương đương.

Nằm trong hợp phần B của Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ, liên minh sản xuất cà phê bền vững Chư Prông (Gia Lai) giữa Tổ hợp tác gồm 100 hộ nông dân các xã Ia Phìn, Ia Băng, Ia Kly và thị trấn Chư Prông được triển khai thực hiện năm 2010.

Anh Lâm Văn xuyến, 58 tuổi, ở thôn đầu suối A (xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc) trồng thí điểm 3.000 cây chuối trên 3 ha đất rẫy.

Là huyện miền núi ven biển có gần 70% là người dân tộc thiểu số, 5/6 xã là vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế, nên việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa không chỉ đối với đời sống người dân mà còn là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế huyện Thuận Bắc phát triển.