Cay Như Ớt!

Vợ chồng anh Ba Lệ Bắc trú xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên có 10 sào đất màu chuyên canh các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Năm ngoái, họ dành nửa diện tích trồng ớt, còn nửa tỉa bắp lai. Nhờ đất giàu dinh dưỡng, nước tưới dồi dào, cây sinh trưởng tốt nên anh Ba hái được tổng cộng 7 tấn quả tươi từ 5 sào ớt.
Anh Ba nói: “Vụ đó nhờ đường xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và các nước lân cận rất thuận lợi nên giá ớt luôn ổn định ở mức cao. Lứa nào cũng vậy, hễ tui hái ớt trút lên bờ là cả chục thương lái từ khắp nơi kéo đến tranh nhau mua với giá 1kg tươi không dưới 9 nghìn đồng. Mùa trước tôi thu về 63 triệu đồng, lãi xấp xỉ 40 triệu đồng”.
Thấy giá trị kinh tế cao, vụ này anh Ba quyết định chuyển luôn 5 sào đất chuyên sản xuất bắp lai sang trồng ớt. Nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn giống chất lượng, phòng trừ hiệu quả các loại sâu bệnh nguy hiểm nên tất cả 10 sào ớt của anh Ba đều rất được mùa. Thế nhưng, từ đầu tháng 4 đến nay giá thu mua loại nông sản ấy cứ liên tục giảm mạnh. Anh Ba Lệ Bắc cho biết: “Vụ ni, tổng sản lượng ớt tui thu được từ 10 sào đất chắc sẽ không dưới 14 tấn quả tươi.
Tuy nhiên, do giá bán 1kg khoảng 3 nghìn đồng nên kiếm được chỉ chừng 42 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trả công làm đất, hái quả đã tốn hết 50 triệu đồng. Gần 5 tháng bám với ruộng ớt, cuối cùng lại bị thua lỗ, hỏi sao không cay lòng, chú Tư”.
Cuối tuần qua, về một số vùng trọng điểm trồng ớt ở Duy Xuyên, ở đâu Tư tôi cũng thấy nỗi buồn hiện rõ trên những khuôn mặt đen sạm vì nắng và gió của nhà nông. Ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên phòng NN&PTNT huyện cho biết, vụ này nông dân địa phương sản xuất gần 100ha ớt, tập trung chủ yếu tại xã Duy Châu và Duy Trinh. Nhờ nhiều yếu tố thuận lợi nên vụ ớt năm nay được mùa trên diện rộng.
Thống kê cho thấy, năng suất bình quân 1 sào đạt khoảng 1,5 tấn quả tươi. Ông Ánh nói: “Với sản lượng đó, nếu giá ớt vẫn giữ mức ổn định 9 nghìn đồng/kg như năm ngoái thì mỗi sào nông dân thu được 13,5 triệu đồng. Trừ mọi khoản chi, họ sẽ lãi 8,5 triệu đồng. Thế nhưng, vì thời điểm này giá bán giảm còn 3 nghìn đồng/kg nên tổng giá trị thu về từ 1 sào ớt chỉ đạt 4,5 triệu đồng.
Ngần đó tiền không đủ bù lại vốn đầu tư đã bỏ ra”. Theo ông Ánh, giá thấp đã đành, những ngày qua nông dân càng điêu đứng hơn vì thương lái không chịu thu mua sản phẩm. Do sợ ớt hư thối, không ít người phải ngậm ngùi hái quả phơi khô. Đúng là cay… như ớt rớt giá!
Có thể bạn quan tâm

Người đàn ông chúng tôi nhắc tới ở trên là ông Nguyễn Huy Sáng, quê ở thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội. Nghe người dân xã Sơn Đà đồn đại rất nhiều về khả năng bắt lươn của ông, nay tình cờ gặp ông ra trung tâm Thủ đô thăm con cháu kết hợp đánh lươn, chúng tôi có dịp chứng kiến ông trổ tài.

Tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2013-2014 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2014-2015 diễn ra ngày 5/12, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, dự kiến niên vụ 2014-2015, sản lượng cà phê cả nước sẽ giảm khoảng 20% so với niên vụ trước.

Để đảm bảo cho việc chăn nuôi được an toàn, không xảy ra dịch bệnh, Chi cục Thú y tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo người dân nêu cao ý thức phòng bệnh, đặc biệt là việc chuẩn bị con giống, chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, tiêm phòng đủ các mũi vắc xin, bổ sung nguồn thức ăn tinh cho đàn vật nuôi.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt và công bố ứng dụng kết quả dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi kết hợp ốc hương với tu hài trên biển theo hướng bền vững tại vịnh Vân Phong”. Dự án do Thạc sĩ Huỳnh Kim Khánh (Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh) làm chủ nhiệm; nhận chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III.

Hiện tại, nông sản sạch vẫn gặp khó về đầu ra vì giá bán còn cao. Sản xuất với quy mô lớn nhằm giảm giá sản phẩm được xem là giải pháp cho vấn đề trên.