Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Macca Loại Cây Trồng Giàu Tiềm Năng

Cây Macca Loại Cây Trồng Giàu Tiềm Năng
Ngày đăng: 26/01/2015

Hiện nay, nhiều cây lấy hạt ở Việt Nam đã đạt đỉnh cao về kinh tế (như cà phê, hồ tiêu...) lại đang phải đối diện với thách thức do sự già cỗi của các vườn cây. Trong bối cảnh ấy, cây macca nổi lên như một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao với ưu thế vòng đời lên đến hơn 60 năm.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về “Macadamia Việt Nam-Tiềm năng phát triển và cơ hội hợp tác” tổ chức ngày 24/1 tại Hà Nội.
Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, macca (mắc ca) là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cây cà phê, cây điều và lại có thị trường tiêu thụ rất lớn, hiện mức cung không đủ cầu.
Sau hơn 10 năm đưa vào trồng tại Việt Nam, diện tích mới đạt trên 2000 ha và có khoảng 10 giống macca được đánh giá phù hợp với vùng Tây Nguyên, Tây Bắc.
Hiện nay, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đang thực hiện đề án cho nông dân vay 10.000 tỷ đồng để trồng loại cây này. Cty CP Vinamacca cũng đang thực hiện dự án tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây macca, xây dựng 3 vườn ươm quy mô lớn tại huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình), huyện Krông Năng và Cty Cà phê 715B M’ Drak (tỉnh Đắk Lắk; Cty CP Macadamia (tỉnh Điện Biên) đã triển khai dự án trồng 3.400 ha rừng kinh tế kết hợp trồng cây macca tại địa bàn huyện Tuần Giáo.
Thực tế canh tác cho thấy 1 cây macca có thể cho tới 70 kg quả, và với giá hiện khoảng 15 USD/kg hạt thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm. Cũng vì thế, người ta gọi macca là cây "tỷ đô", ông Ngọc cho biết.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Bộ NN&PTNT hết sức ủng hộ việc trồng cây macca. Bộ đã tổ chức nghiên cứu, công nhận 10 giống và đưa vào sản xuất là cây đa mục đích trồng trên đất lâm nghiệp.
Tuy vậy, ông Ngãi cũng cho rằng việc đánh giá nhu cầu của thị trường quốc tế chỉ nên được xem là tiềm năng để sản xuất loại hạt mới này. Vì vậy, cần có được kênh thị trường thiết thực, từ đó làm cơ sở quy hoạch sản xuất và chế biến macca.
Tham luận tại hội nghị, ông Đào Văn Hạnh, Chủ nhiệm dự án “Xây dựng mô hình nhân giống và trồng thâm canh cây macadamia tại Sơn La” cho biết dự án đã trồng 360 cây macca; khoảng 8 năm là cây khép tán và không bị chết cây nào. Đặc biệt, trong suốt thời gian trồng, macca không cần tưới nước và bón lót mà chỉ cần bón thúc hàng năm nhưng vẫn cho khoảng 40 - 50kg quả tươi/cây.
Với hiệu quả trên thực tế, ông Hạnh kiến nghị các bộ liên quan tiếp tục nghiên cứu, phát triển cây macca trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng như các địa phương khác trên cả nước.
Tại hội thảo, ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết với điều kiện tự nhiên của Việt Nam, với chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng Đề tài khoa học "Nghiên cứu, phát triển cây macca vào vùng Tây Bắc", trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng Đề án phát triển cây macca vào vùng Tây Bắc.
Việc nghiên cứu phát triển cây macca không chỉ vì cây trồng này mà còn vì cả Tây Bắc. Quan trọng nhất cần có những nghiên cứu khoa học cẩn trọng, cụ thể hơn để có thể đưa ra quy hoạch bao nhiêu là đủ. Cùng với đó, các đơn vị cũng cần nghiên cứu việc chế biến sâu để có thể khai thác đạt giá trị cao nhất.
Ông Cừ khẳng định Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia phát triển cây macca trên địa bàn Tây Bắc.


Có thể bạn quan tâm

Anh Lương Văn Ghế Trồng Thanh Long Trên Bờ Bao Vuông Tôm Anh Lương Văn Ghế Trồng Thanh Long Trên Bờ Bao Vuông Tôm

Năm 2011, sau khi xem chương trình khuyến nông trên truyền hình chỉ dẫn cách trồng và chăm sóc thanh long, anh Ghế rất tâm đắc. Anh cải tạo diện tích đất bỏ trống sau nhà, đổ trụ bê-tông và nhờ người quen tìm mua hom thanh long giống. Lúc đầu anh trồng thử 15 trụ thanh long. Nhờ chăm sóc tốt, sau 1 năm trồng, 15 trụ thanh long đã cho trái.

15/01/2015
“Vườn Dâu Nhà” Của Cặp Kỹ Sư Trẻ “Vườn Dâu Nhà” Của Cặp Kỹ Sư Trẻ

Từ nhiều năm nay, dâu tây là một trong những loại đặc sản gắn liền với thương hiệu Đà Lạt. “Vườn dâu nhà” của cặp vợ chồng kỹ sư nông nghiệp trẻ Nguyễn Hữu Giới - Bùi Thị Hằng tại địa chỉ 157 Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt, hiện cho doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng, là một minh chứng về thành công của việc làm giàu nhờ ứng dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.

15/01/2015
Bao Tiêu Bưởi Da Xanh Giúp Nông Dân Yên Tâm Sản Xuất Bao Tiêu Bưởi Da Xanh Giúp Nông Dân Yên Tâm Sản Xuất

Vừa qua, Cơ sở thu mua, xuất khẩu bưởi da xanh Hương Miền Tây (gọi tắt là Hương Miền Tây) địa chỉ số 12, ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre đã chính thức tổ chức mua bưởi da xanh theo hình thức bao tiêu sản phẩm cho các nhà vườn xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, chủ yếu là của các thành viên Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh, do Hội Nông dân xã Tân Mỹ Chánh quản lý.

15/01/2015
Mít Bến Tre Được Thị Trường Hàn Quốc Ưa Chuộng Mít Bến Tre Được Thị Trường Hàn Quốc Ưa Chuộng

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng nhóm nông dân hợp tác xuất khẩu trái cây xã Tiên Long, huyện Châu Thành cho biết: Tổ hợp tác xuất khẩu trái cây xã Tiên Long sẽ kết hợp với nhà vườn địa phương tiếp tục sản xuất trái cây “sạch” để cung ứng cho thị trường ngoài nước, tạo cơ hội đầu ra cho trái cây Việt Nam.

15/01/2015
An Giang Trồng Xoài Xuất Khẩu, Mang Ngoại Tệ Về Cho Tỉnh An Giang Trồng Xoài Xuất Khẩu, Mang Ngoại Tệ Về Cho Tỉnh

Nông dân 3 xã cù lao của huyện Chợ Mới (An Giang), gồm: Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp đang trồng xoài cát hồng, Đài Loan… để xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước trong khu vực.

15/01/2015