Cây Dứa Trên Đất Háng Lìa

Nhận thấy dứa là cây dễ trồng, vốn đầu tư ít, thời gian canh tác ngắn, quả dứa lại dễ tiêu thụ và được giá, năm 2014, nhiều hộ dân bản Háng Lìa, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) tự bỏ vốn sang tỉnh Lào Cai mua dứa giống về trồng trên những nương đất bạc màu và những khoảnh nương trồng cây khác nhưng kém hiệu quả. Đến nay, toàn bản đã có gần 30 hộ trồng dứa. Nhà trồng ít gần 10 nghìn cây, nhà trồng nhiều 60.000 – 70.000 cây...
Người đi đầu trong việc đưa cây dứa về trồng trên đất bản Háng Lìa là anh Lý A Kỷ. Hiện nay, gia đình anh có diện tích trồng dứa lớn nhất với 70.000 cây và thu nhập từ bán dứa cao nhất bản.
Vụ dứa năm 2014 vừa qua, gia đình anh Kỷ bán được 120 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi 100 triệu đồng. Anh Kỷ cho biết: Mấy năm gần đây, một số hộ dân tộc Mông xã Na Sang có thu nhập cao nhờ trồng dứa, vợ chồng tôi đến tìm hiểu và học tập.
Tham quan vườn dứa của một số gia đình xã Na Sang tôi nhận thấy, dứa thích nghi với đất bản Háng Lìa, dứa cho thu hoạch 1 vụ/năm, dễ bán, từ khi trồng đến lúc được thu hoạch nhanh. Có đầy đủ thông tin và địa chỉ, năm 2012 vợ chồng tôi đến gia đình anh Giàng A Dình, ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai học tập cách trồng dứa và mua giống.
Vợ chồng tôi làm cỏ dứa cho gia đình anh Dình 1 tuần để đổi công lấy giống, thêm tiền mua 24.000 cây dứa giống về trồng. Năm 2013 gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán dứa. Vụ dứa năm 2014 gia đình bán dứa thu được hơn 100 triệu đồng.
Gia đình chị Giàng Thị Mo, bản Háng Lìa năm 2013 đầu tư trồng 10.000 cây dứa, vụ năm 2014 bán được 20 triệu đồng.
Học tập cách trồng dứa của gia đình anh Kỷ để phát triển kinh tế, năm 2013 bản Háng Lìa có 7 hộ đầu tư phát triển cây dứa. Hộ trồng ít là 6.000 cây, hộ trồng nhiều 20.000 – 30.000 cây. Vụ dứa vừa qua, những gia đình này có thu nhập 15 – 40 triệu đồng/hộ từ bán dứa, đây là số tiền trước đó họ không bao giờ có được. Cuối tháng tư vừa qua đã có hơn 20 hộ dân bản Háng Lìa sang tỉnh Lào Cai mua dứa giống về trồng.
Khi chúng tôi đến công tác huyện Mường Chà, tình cờ gặp 5 hộ dân bản Háng Lìa sang tỉnh Lào Cai mua dứa giống vừa về đến nơi. Gia đình các anh: Hồ A Dế mua 7.000 cây; Lý A Cơ mua 15.000 cây; Giàng A Dếnh mua 6.000 cây; Sùng Thị Dếnh 6.000 cây; Ly A Thào 5.000 cây.
Anh Dế cho biết: Năm 2013, cả 5 hộ chúng tôi đã mua dứa giống trồng, vụ năm 2014 cho thu nhập từ 15 – 30 triệu đồng/hộ. Thấy dứa cho hiệu quả kinh tế cao, năm nay chúng tôi đầu tư mua tiếp mở rộng diện tích. Năm 2013 gia đình tôi trồng 8.000 cây, đầu năm 2014 cho thu hoạch, bán được 20 triệu đồng.
Chúng tôi đi thăm nương dứa của một số gia đình bản Háng Lìa vào thời điểm cuối vụ, trong bản còn vài gia đình đang thu hoạch dứa, những gia đình khác đã thu hoạch xong và bán hết sản phẩm. Đây đó, một số hộ đang nhổ cỏ, chuẩn bị cho vụ dứa tới. Ai cũng phấn khởi vì dứa được mùa và được giá, đời sống những gia đình trồng dứa đã nâng lên nhiều.
Trao đổi về triển vọng phát triển cây dứa trên đất Háng Lìa, Trưởng bản Chớ Nụ Sùng, cho biết: Nếu trồng 1ha lúa nương, thời tiết thuận lợi cho thu hoạch 11 tạ, trị giá 6 – 7 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Nhưng trồng lúa lại phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, bị sâu bệnh, thú rừng phá hoại. Nếu trồng 1ha dứa sẽ cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng. Ngay gia đình anh cũng đầu tư trồng 10.000 cây dứa.
Người dân bản Háng Lìa tự bỏ vốn đi xa hàng trăm cây số để mua cây giống, tìm hiểu kiến thức kỹ thuật, đưa cây dứa về trồng để phát triển kinh tế hộ đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Còn quá sớm để khẳng định dứa là cây xóa đói giảm nghèo ở bản Háng Lìa và xã Sa Lông nhưng thực tế đã cho thấy khi người dân chủ động thoát nghèo, dám nghĩ, dám làm nếu có sự chung tay đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội thì mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh bền vững không phải là quá khó.
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong hai năm 2015 và 2016, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hẹp dần diện tích nuôi cá tra cho phù hợp với tình hình tiêu thụ trong và ngoài nước.

Thông thường, các thương nhân Trung Quốc mua gạo tại biên giới Muse và vận chuyển vào nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, việc các nhà chức trách liên tục kiểm tra và bắt giữ thương nhân Trung Quốc đã khiến các thương nhân ngừng nhập khẩu gạo từ biên giới Muse.

Tại buổi tọa đàm, GS. Nguyễn Thơ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam, đã nêu việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân làm bộc phát dịch hại và gây nhiễm thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, gây hại đến sức khỏe con người và ảnh hưởng xấu đến môi trường hiện đã ở mức báo động.

“Bao nhiêu năm gắn với nghề nông, tôi cảm nhận sâu sắc một điều, mặc dù là người trực tiếp làm ra hạt lúa nhưng chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội quyết định giá sản phẩm mình làm ra. Câu chuyện “tới mùa rớt giá” đã trở thành thông lệ khiến nông dân lao đao. Từ đó tôi quyết tâm tìm một hướng đi mới cho mình, cùng bà con nông dân cải thiện thu nhập”.

Trong nhiều năm qua, mô hình phát triển kinh tế gia đình được nhân dân xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) nhân rộng. Với kế hoạch xây dựng và phát triển nền kinh tế xã nhà, đây được xem là một trong những chiến lược phát triển kinh tế lâu dài nhằm nỗ lực xóa đói, giảm nghèo cho người dân.