Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây chuối Cà Mau nguồn thu phụ - Lợi nhuận lớn

Cây chuối Cà Mau nguồn thu phụ - Lợi nhuận lớn
Ngày đăng: 18/11/2015

Nông dân Cà Mau thu hoạch chuối.

Chuối là loại cây cho quả ngọt và nhiều dinh dưỡng mọc nhiều ở miệt đồng mặn phèn chua Cà Mau.

Trước kia chuối được người dân trồng rải rác khắp nơi nhưng những năm gần đây, nhiều hộ mở rộng diện tích, trở thành vùng chuối tập trung, giúp cho nhiều nông hộ có thêm nguồn thu, xóa đói, giảm nghèo.

Bất ngờ tăng giá

Hơn hai tháng nay, thương lái chạy xuồng, len lỏi vào các tuyến kênh, rạch… vùng ngọt hóa ở Cà Mau thu mua chuối.

Bà Châu Thị Tuyết, ở ấp Rạch Lùm A (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) cho biết: Thương lái tìm đến tận nhà mua chuối của gia đình và những người trong xóm với giá từ 4.300 đến 4.500 đồng/nải chuối.

“Tôi đốn chuối bỏ sẵn dưới bến sông trước nhà, có bao nhiêu thương lái cũng mua hết”.

Ngược về phía tây bắc là vùng chuối nguyên liệu miệt rừng U Minh hạ.

Chuối mọc um tùm trên các bờ bao, quanh nhà… hộ dân miệt rừng tràm.

Bất chấp trời mưa, vợ chồng bà Lê Thị Mai (ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) chia nhau dọn lá, chăm sóc đợt chuối mới để mau cho trái.

Tháng trước, gia đình bà Mai thu hoạch vườn chuối được 1.000 nải bán được gần năm triệu đồng.

Số tiền ấy bằng tiền công vợ chồng bà đi cấy lúa thuê cả tháng.

“Cái thứ tưởng bỏ đi mà khi gom bán số nhiều được khá tiền.

Người mua nói giá chuối sắp tới còn tăng, cho nên vợ chồng tôi giờ đây không đi làm thuê nữa mà về chăm bẵm vườn chuối”, bà Mai chia sẻ.

Theo nhận định của nhiều nông dân, đây là đợt chuối tăng giá đầu tiên trong năm 2015.

Bởi, các công ty chế biến chuối khô trong nước cần nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2016.

Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc nhập khẩu chuối trở lại, kéo theo tình trạng khan hàng, tranh mua.

Ngoài chuối thương phẩm, thương lái còn mua bắp chuối (hoa chuối) giá từ 5.000 đến 6.000 đồng mỗi bắp.

Có lẽ thấy được lợi ích ấy mà ông Nguyễn Văn Thắng (ấp 12, xã Khánh Thuận) mạnh dạn thuê cơ giới lên liếp, trồng thêm hơn 1.000 cây chuối, nâng số chuối trồng trong vườn nhà lên 4.000 cây như hiện nay.

“Nhờ chuối tăng giá mà vừa rồi tôi thu về hơn sáu triệu đồng, có tiền mở rộng diện tích vườn chuối”, ông Thắng cho biết.

Đồng bưng miệt rừng U Minh hạ lắm phèn nhưng chuối phát triển khá tốt, nhất là ở các xã có lâm phần rừng tràm như: Khánh Thuận, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh An, Khánh Hòa… Chuối giống không tốn tiền mua, cần ít công chăm sóc, chỉ mất chi phí đầu tư lên bờ bao.

Sau từ bảy đến tám tháng trồng, chuối bắt đầu ra hoa, trổ buồng và không lâu thì trái lớn, cho thu hoạch.

Ngoài bán cho các công ty chuyên sản xuất chuối sấy ngoài tỉnh, thời điểm cận Tết hằng năm, nhiều nông hộ chừa chuối chín để làm bánh, mứt… cung ứng thị trường trong nước và để gia đình mời khách.

Một số nông hộ còn tận dụng thân cây chuối để làm thức ăn cho gà, vịt, lợn… tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập.

Bí thư Huyện ủy U Minh Lê Thanh Triều cho biết, cây chuối tuy là nguồn thu phụ nhưng không ít gia đình nhờ đó đã vượt qua những lúc khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Cần đầu ra bền vững

Các huyện vùng mặn của Cà Mau, nơi nào đất rửa được mặn, cây chuối có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

Song, nhà nông những vùng ấy ít chú trọng đến trồng chuối mà canh tác cây con khác cho thu nhập cao hơn.

Diện tích có chuối nhiều của tỉnh chủ yếu ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời và một phần của huyện Thới Bình, với hơn 5.700 ha, năng suất từ 15 đến 20 tấn/ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn mỗi năm.

Ông Bùi Minh Tấn, thương lái mua chuối đến từ tỉnh Bình Dương cho biết, một buồng chuối có ít nhất sáu nải chuối, cân nặng từ 8 đến 12kg.

Nếu mua theo cân thì hiện chuối có mức 2.500 đồng/kg.

Nhẩm tính theo thời giá hiện tại mà ông Tấn đang thu mua, với diện tích và sản lượng của tỉnh như hiện nay, mỗi năm thu về không dưới 250 tỷ đồng, bằng tổng thu ngân sách của khoảng ba huyện ở Cà Mau trong một năm.

Lợi nhuận lớn như vậy nhưng một thời, nhiều nhà nông đã ruồng bỏ cây chuối.

Dọc tuyến lộ nhựa từ trung tâm huyện U Minh về xã Khánh An, cư dân miệt rừng không chỉ trồng tràm, keo lai thâm canh mà giờ đây bắt đầu trồng chuối thâm canh, trồng giống chuối ngoại xen lẫn với keo lai hoặc cây cam sành, bình quân mỗi ha trồng khoảng 500 gốc chuối.

Chuối phát triển nhanh hơn cam và keo lai, mỗi buồng hàng chục ki-lô-gam.

“Chúng tôi chỉ thu hoạch chuối một lần rồi đốn bỏ để chừa diện tích cho keo lai phát triển.

Một gốc chuối, chúng tôi chỉ cần thu một buồng chuối 10kg thôi thì với mỗi ha chuối, chúng tôi thu về khoảng 100 triệu đồng”, một chủ trang trại trồng chuối kết hợp keo lai ở xã Nguyễn Phích cho biết.

Ngành nông nghiệp Cà Mau có hướng mở rộng diện tích trồng chuối đến năm 2020 lên 6.000 ha.

Để đạt được mục tiêu về diện tích và cả lợi ích lâu dài cho nhà nông, ngoài xây dựng mô hình vườn chuối thâm canh chất lượng và năng suất, ngành chức năng Cà Mau cần tổ chức liên kết bốn nhà để giúp người trồng chuối nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra bền vững.

Đồng đất Cà Mau có hai loại chuối đặc trưng là chuối xiêm đen và xiêm trắng.

Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy, chuối được trồng ở Cà Mau có độ đường cao và đặc ruột hơn chuối trồng ở đồng đất khác khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Để chất lượng chuối như mong muốn, nhà nông địa phương nên trồng thâm canh, chú trọng khâu chọn giống chất lượng tốt, bón phân bổ sung và thường xuyên tỉa lá, làm vệ sinh cho cây chuối.


Có thể bạn quan tâm

Người Nuôi Cá Nước Lạnh Lao Đao Người Nuôi Cá Nước Lạnh Lao Đao

Sa Pa được mệnh danh là “thiên đường” của loài cá nước lạnh bởi khí hậu đặc trưng và nguồn nước dồi dào. Nhiều tỉ phú phất lên từ nghề nuôi cá nước lạnh, nhưng rồi nghề “bạc tỷ” này không tránh khỏi quy luật thăng, trầm.

13/02/2014
Chuẩn Bị Tốt Các Điều Kiện Cho Vụ Nuôi Thủy Sản Xuân Hè Chuẩn Bị Tốt Các Điều Kiện Cho Vụ Nuôi Thủy Sản Xuân Hè

Trong những ngày đầu xuân mới, cùng với bà con nông dân trồng lúa đã tích cực xuống đồng, các hộ nuôi và các doanh nghiệp nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định đang tích cực cải tạo ao, đầm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết bước vào vụ nuôi xuân hè.

13/02/2014
Thừa Thiên Huế Giúp Dân Vào Vụ Nuôi Mới Thừa Thiên Huế Giúp Dân Vào Vụ Nuôi Mới

Sau mỗi vụ nuôi, lượng mùn bã hữu cơ của vật nuôi tích tụ lắng đọng nhiều ở đáy ao, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Công tác cải tạo ao nuôi đóng vai trò rất quan trọng, do đó người nuôi cần phải tiến hành nhiều biện pháp cải tạo ao hồ sau đó mới thả nuôi.

13/02/2014
Cá Tra Đi Mỹ Chưa Bị Ảnh Hưởng Trong Năm Nay Cá Tra Đi Mỹ Chưa Bị Ảnh Hưởng Trong Năm Nay

Ngày 7-2-2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định thông qua dự luật nông nghiệp năm 2014 của Mỹ, trong đó có nội dung đưa cá tra/basa Việt Nam vào chương trình thanh tra, giám sát của họ. Theo nhận định của một số nhà chuyên môn, điều này ít nhiều sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ nhưng nhanh nhất cũng phải đầu năm 2015.

13/02/2014
Xuất Khẩu Cá Ngừ Hạn Chế Vì Thiếu Nguyên Liệu Xuất Khẩu Cá Ngừ Hạn Chế Vì Thiếu Nguyên Liệu

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), trong năm 2013, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 526 triệu USD, giảm 7,2% so với năm 2012.

13/02/2014