Cây Chanh Đào Trồng Chơi, Ăn Thật

Ban đầu, ý tưởng trồng chanh đào của các chủ vườn trên địa bàn huyện Cao Phong (Hoà Bình) chỉ là để làm hàng rào bảo vệ cho diện tích cam nhờ vào những gai sắc nhọn của chanh. Tuy nhiên, sản lượng và giá trị kinh tế của loại cây có múi này làm nên điều khiến nông hộ bất ngờ!
Hộ ông Vũ Văn Tiến ở khu II, thị trấn Cao Phong nhận khoán đất của Nông trường trồng cam tính đến nay đã hàng chục niên vụ. Đất rộng, cam sai lại ở khá xa KDCnên vào mùa cam chín, việc trồng coi dù đã thuê người nhưng vẫn không xuể. Năm 2010, ông mua một ít giống chanh đào trồng theo cách tạo thành hàng rào che chắn cho diện tích cam.
Cũng vì xác định là cây rào nên ông chăm sóc sơ sài, thậm chí bón phân cho cam xong, còn ít phân nào thừa mới rắc đến chanh. Ấy vậy mà cây chanh đào vẫn phát triển mạnh, lá, gai quấn quýt. Đặc biệt là chỉ sau 2 năm trồng, các cây đã cho quả bói. Ở vụ đầu, ông thu được khoảng từ 20kg – 30 kg chanh quả/cây, giá bán tại vườn 30.000 đồng/kg.
“Trồng chơi, ăn thật” là cách mà hộ làm vườn vẫn nói đùa nhưng đủ để khẳng định giá trị kinh tế của cây chanh. Theo những chủ trang trại vườn đồi ở thị trấn Cao Phong, các xã Nam Phong, Tây Phong, Bắc Phong, nếu như việc chăm sóc, đầu tư kỹ thuật đối với cây cam đòi hỏi 5 phần, với cây chanh đào chỉ tốn một phần. Chanh cũng thích nghi ở cả khu đất xấu, mấp mô chứ không kén đất như các loại cây trồng có múi khác.
Thường thì với cam, thời gian từ kiến thiết đến lúc cho thu nhanh nhất 3 năm, không phải đến năm thứ tư nhưng chanh đào đến năm thứ hai là đã cho sản lượng. Từ năm thứ 3 trở đi, mỗi cây cho thu bình quân từ 50 – 60kg quả, với giá bán tại vườn ổn định sẽ mang lại không dưới 1,5 triệu đồng/cây/vụ trong khi chi phí đầu tư không đáng là bao.
5 - 6 năm trước, số hộ trồng chanh đào và chanh thường làm hàng rào còn lác đác nhưng đến hiện tại, hầu như toàn bộ diện tích cam trên địa bàn huyện đã được bao bọc bởi hệ thống cây hàng rào chanh. Theo đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN & PTNT huyện, rất khó thống kê diện tích chanh đã được bà con trồng trong ít năm gần đây bởi lý do cây trồng hàng rào, gần như chỉ trồng tận dụng đất chứ không chiếm diện tích.
Tuy nhiên, vượt xa mục đích ban đầu, sản lượng và giá trị của cây chanh đào đã khiến các hộ làm vườn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ở đây, hộ trồng ít thì vài chục cây, có hộ trồng nhiều từ 300 – 500 cây.
Cũng từ nhận thức hiệu quả kinh tế của chanh đào, có một số hộ như anh Nguyễn Văn Dũng ở khu I, thị trấn Cao Phong đã chuyển sang trồng với quy mô gia trại vườn đồi 170 gốc chanh đào, 130 gốc chanh trắng của gia đình anh đang bước vào vụ thu hoạch thứ 3. Anh Dũng quả quyết: Có chăm sóc, đầu tư hơn nên quả mọng, lứa quả dày. Năm ngoái, mình thu trên 5 tấn quả.
Đến năm nay, có thể sản lượng đạt gần gấp đôi. Thương lái đã đặt mua cả vườn với giá 180 triệu đồng nhưng mình không bán. Để minh chứng, anh dẫn chúng tôi “mục sở thị” hàng chục gốc chanh đào hiện đã vượt xa về sản lượng so với mức bình quân từ 50 – 60kg/cây. Ngay tại khu vườn đồi nhà anh, nhiều gốc chanh đào dự kiến cho thu 1,5 – 1,7 tạ quả.
Có cung ắt có cầu, ở vụ chanh đào năm trước, lái thương đến thu gom cho bà con chỉ chở bằng xe máy nhưng đến vụ này, người mua buôn đánh cả chuyến ô tô đến vườn. Chị Trần Thị Vân ở khu I thị trấn Cao Phong cho biết: Với chanh đào khi nào vỏ chín đỏ là lúc cho thu. Chanh thường chín theo đợt, kéo dài từ nay đến Tết. Càng gần Tết, chanh càng được giá, ví dụ như Tết năm ngoái mỗi kg có giá bán tại vườn đã 50.000 – 60.000 đồng.
Xu hướng hiện nay ở một số địa phương, chanh đào không chỉ làm hàng rào mà đang được nhân rộng trên diện tích, mang về lợi nhuận thậm chí cao hơn so với cây trồng có múi khác như bưởi, cam. Một số hộ hiện trồng chanh đào thành vườn hoặc trồng xen. Điển hình như trong mô hình liên kết trồng cam ở huyện Kim Bôi đã trồng khoảng 2 vạn cây, gồm cả diện tích trồng tập trung và hàng rào bảo vệ. Mô hình liên kết trồng cam ở xóm Mạc, xã Nam Phong trồng khoảng 1.200 cây…
Có thể bạn quan tâm

Tính đến hết tháng Tám, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đặt hàng tôm tăng tại thị trường Mỹ đã đẩy giá tôm tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam tăng lên trong nhiều tháng qua.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9/2014, trong hai tuần đầu tháng 10, giá xuất khẩu cao su trung bình tiếp tục giảm, chỉ đạt 1.500 USD/tấn, giảm 76 USD/tấn (4,8%) so với mức trung bình trong tháng 9/2014 và giảm 865 USD/tấn (36,6%) so với tháng 10/2013. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2014, ngành cao su xuất khẩu được 713.000 tấn, đạt khoảng 1,26 tỷ USD, giảm nhẹ về lượng 1,4% và giảm mạnh 26,2% về giá trị do giá giảm sâu 25,2%.

Ngày 22-10, ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá ngừ đại dương đi Mỹ gặp khó khăn, bị trả hàng liên tục vì cá nhiễm vi sinh như khuẩn E.Coli, Salmonella…

Đáng chú ý là tình hình sản xuất cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đang có dấu hiệu khả quan, giá cá tra tăng nên người nuôi đã bắt đầu có lãi. Cụ thể, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL trong 10 tháng đầu năm ước đạt hơn 7.000 ha với sản lượng 890 ngàn tấn.

Tuần qua, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng các loại đồng loạt tăng giá khoảng 5.000 đồng/kg và có xu hướng tiếp tục tăng sau khi giảm giá hơn 10.000 đồng/kg vào cuối tháng 9 vừa qua. Trước tình hình này, nông dân có ao tôm nuôi chuẩn bị thu hoạch vô cùng phấn khởi bởi hứa hẹn một vụ tôm được mùa trúng giá.