Cây Bưởi Hồng Trên Đất Sỏi Cơm

Tuy chỉ cách quốc lộ 20 vài cây số, nhưng đường vào vườn bưởi của ông Phạm Trí Việt ở ấp 94, xã Túc Trưng (huyện Định Quán, Đồng Nai) lại khá vất vả vì chỉ có con đường mòn đầy sỏi đá, lên dốc xuống đèo.
Khu vực này chỉ có thể dùng xe máy chở bưởi ra ngoài đường lớn, nhưng vài năm nay thương lái vẫn nườm nượp tìm đến tận vườn để thu mua vì chất lượng trái ngon. Ông Phạm Trí Việt là người đã góp phần mang lại tiếng thơm cho giống bưởi da xanh ruột hồng ở Định Quán với thành tích đạt nhiều giải cao tại Hội thi trái ngon - an toàn Nam bộ.
* Cải tạo đất cằn
Ông Việt vốn là con nhà nghèo, không được học hành nhiều nên phải ra đời sớm, và cũng chỉ biết đến nghề nông. Lập gia đình cũng không có bao nhiêu vốn nên vợ chồng ông phải mượn nợ mua vùng đất đồi hẻo lánh. Bao nhiêu năm, gia đình phải đốt đèn dầu sống trong rẫy để bám đất, bám vườn. Khoảng 10 năm trở lại đây, ông mới kéo nhờ được nguồn điện cho sinh hoạt, nhưng vẫn phải chạy máy dầu phục vụ cho tưới tiêu, sản xuất.
Theo ông Việt, cực nhất vẫn là tìm ra nguồn nước tưới. Ở đây là vùng đất đồi, sỏi đá nên với diện tích đất vườn gần 3 hécta, ông phải khoan đến 4 giếng nước thì chỉ có 2 giếng cho nước. “Giếng nước là cả gia tài của nông dân, những ngày đầu lập nghiệp, tôi phải chắt chiu từng chút vốn, vay mượn thêm mới có tiền khoan giếng” - ông Việt chia sẻ.
Hiện tại, khu vườn cằn cỗi ngày nào giờ đã rất phát triển với từng hàng bưởi, sầu riêng sum suê. Ông Việt tự hào khoe: “Tôi đã mất bao năm chăm chút, cải tạo để vùng đất đồi này được màu mỡ như bây giờ. Hiện toàn bộ vườn cây đã được lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động”.
* Chọn hướng chuyên canh
Mấy mươi năm làm nông, ông Việt đã thử nghiệm đủ loại cây trồng, từ cà phê, chôm chôm đến xoài, quýt... Mỗi khi phát hiện có giống cây trồng mới, ông đều mua về trồng thử nghiệm.
Chỉ riêng cây bưởi, ông cũng đã trồng thử các giống khác nhau, như: Năm roi, bưởi đường lá cam... “Khoảng 10 năm trước, bưởi Năm roi được thị trường rất chuộng, nhưng qua thử nghiệm tôi thấy giống bưởi da xanh ruột hồng rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, cho sản lượng cao, chất lượng trái lại ngọt ngon hơn những vùng khác nên quyết định đầu tư trồng chuyên canh” - ông Việt chia sẻ.
Đây là quyết định khá “liều” vì thời đó thương lái chuộng bưởi miền Tây, Đồng Nai thì chỉ có tiếng về bưởi Tân Triều. Khi vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch, vợ chồng ông phải tự hái bưởi chở đi bỏ mối. Có khi phải đổ ra lề đường bán xô với giá chỉ bằng một phần giống bưởi Năm roi.
Nhưng nhờ chất lượng trái ngon, ổn định, có thể cung cấp với sản lượng lớn nên nhiều thương lái biết tiếng và tìm đến tận vườn thu mua. Đến nay, nhiều nhà vườn ở đây cũng đầu tư trồng chuyên canh giống bưởi này. Mùa bưởi chín, cả vùng như rộn rã hẳn lên vì tấp nập người mua bán.
Ông Việt chăm chút vườn cây, nâng niu bọc giấy che nắng cho từng trái bưởi trong vườn để mỗi trái bưởi ra thị trường đều ngọt ngon, có hình thức đẹp. Mang trái bưởi vườn nhà tham gia Hội thi trái ngon - an toàn Nam bộ cũng là cách người nông dân chất phác này nâng cao giá trị cho trái bưởi quê nhà.
Có thể bạn quan tâm

Với giá bán 7.000 - 12.000 đồng/kg, người trồng dưa hấu trong tỉnh Quảng Ngãi vui như… Tết! Chẳng thế mà cạnh những ruộng dưa đang thu hoạch dở, nhiều diện tích vốn là đất của mía đã được nông dân lên hàng, phủ bạt để trồng dưa hấu! Dẫu vẫn biết có thể trắng tay.

Ngày 1-4, tại đầm Nha Phu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa tổ chức thả giống thủy sản ra biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Trong những năm gần đây, các mô hình nuôi trồng thủy sản ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) ngày càng phát triển với nhiều loại vật nuôi mới mang hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến loài ba ba gai. Không chỉ nuôi thành công ba ba gai theo hướng thương phẩm, một số mô hình đã bước đầu sản xuất được ba ba gai giống, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân.

Hiện giá cá ngừ đại dương xuống thấp ở mức kỷ lục, trong khi đó giá xăng dầu, đá cây và các loại nhu yếu phẩm khác tăng cao, khiến nhiều chuyến biển của ngư dân không có lãi; bạn thuyền lần lượt bỏ nghề, tàu phải nằm bờ.

Ông Đoàn Công Tránh, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), khoe: “Năm nay sò cũng được, tôm cũng có lý”. Mô hình nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm đang mang về giá trị kinh tế cho người dân huyện Đầm Dơi.